Gieo mầm tình yêu khoa học

Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đạt 12 người trên một vạn dân. Các chuyên gia cho rằng, việc nuôi dưỡng tình yêu khoa học từ trên ghế nhà trường đóng vai trò quan trọng để hình thành các thế hệ các nhà khoa học chất lượng cao trong tương lai.

Hai học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (bên phải) và cô giáo hướng dẫn vừa đoạt giải Nhất Cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2025

Hai học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (bên phải) và cô giáo hướng dẫn vừa đoạt giải Nhất Cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2025

Khơi dậy đam mê

Tháng 3/2025, trong chương trình “Ngày hội STEM” học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) tự tin, hào hứng giới thiệu với khách mời, thầy cô giáo loạt sản phẩm, công trình nghiên cứu khoa học của mình. Để lại ấn tượng đặc biệt đó là nhóm học sinh với dự án “Ứng dụng công nghệ AI tạo nên sản phẩm máy phân loại rác” đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quận. Thiết bị cảm biến nhận diện rác và phân loại theo từng loại giấy bìa, thủy tinh, kim loại và các loại rác khác. Điểm mới của dự án là học sinh đã ứng dụng AI để thiết kế, sáng tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao. Điều khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí nghi ngại là học sinh THCS có thể làm ra những sản phẩm đòi hỏi hiểu biết, đầu tư trí tuệ cao như vậy. Học sinh, giáo viên hướng dẫn đã chia sẻ về quá trình nghiên cứu, tìm đọc tài liệu, mày mò xử lý chip, huấn luyện AI…

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, công nghệ có vai trò quan trọng trong đời sống và nhà trường cũng không đứng ngoài xu hướng, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận công nghệ mới để học tập, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đầu tư trang thiết bị ở phòng thực hành, thí nghiệm, mời chuyên gia công nghệ về trò chuyện với học sinh, nhà trường cũng đào tạo giáo viên về công nghệ, AI để dẫn dắt các em. “Các em được làm quen, khích lệ từ nhỏ và có thể bắt đầu bằng những đề tài vừa sức để nuôi dưỡng tình yêu, đi đến đam mê nghiên cứu khoa học, tạo ra những sản phẩm có giá trị”, bà Thúy nói.

Khi thực hiện chương trình GDPT 2018, các nhà trường chủ trương đẩy mạnh tăng cường ứng dụng STEM, thúc đẩy tình yêu khoa học cho học sinh từ sớm. Các trường tạo điều kiện, nguồn lực cho học sinh nghiên cứu khoa học, có những dự án được đánh giá cao.

Hai học sinh Nguyễn Vũ Hồng Phúc và Nguyễn Quốc Khánh, lớp 12D2, trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa (Hà Nội) vừa có dự án xuất sắc giành giải Nhất tại Cuộc thi Nghiên cứu Khoa học, Kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2024 - 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

STEM là “cánh cửa mở” để học sinh tiếp cận với các ngành nghề của tương lai, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu... “Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

Cô Nguyễn Thị Châu Loan, giáo viên hướng dẫn cho biết, trước đó học sinh của trường Phan Huy Chú cũng từng giành giải Nhất nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, được dự thi quốc tế và đoạt giải. Ngay từ khi vào lớp 10, các em tập làm quen với các dự án nhỏ để tích lũy kinh nghiệm. Khi tình yêu, sự say mê đủ lớn, các em sẽ hết mình với dự án. Nhà trường mở cuộc thi để tạo sân chơi, mời chuyên gia đến chấm độc lập các đề tài, góp ý để cô trò rút kinh nghiệm. Khi đề tài đoạt giải cấp thành phố, lọt vào vòng thi cấp quốc gia sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa của thầy cô ở các tổ chuyên môn để học sinh thuyết trình, khảo sát… Qua nhiều đề tài, dự án và các vòng thi, cô Loan nhận thấy học sinh trưởng thành vượt bậc. Từ những em ban đầu nhút nhát, sau đó tự tin, sắc sảo dần lên. Cô bất ngờ vì ở vòng chung kết, học sinh có thể đặt ngược câu hỏi cho ban giám khảo, nhờ tư vấn, góp ý để dự án hoàn thiện hơn.

Cô giáo Vũ Thanh Kim Huệ, chủ nhiệm CLB STEM của Trường THCS Trưng Nhị, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nói rằng, từ khi thực hiện chương trình GDPT 2018, nhà trường chú trọng giáo dục STEM đối với học sinh. Ban đầu, chính thầy cô cũng gặp khó khi phải xây dựng các tiết học thành bài học STEM. Với kiến thức các môn học như: Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học…, bài tập của học sinh ban đầu có thể là những sản phẩm đơn giản được thực hiện ngay trên lớp hoặc về nhà nghiên cứu, hoàn thiện.

Học sinh đã dần dần tạo được sản phẩm cánh tay robot, dung dịch rửa tay sát khuẩn, nước lau sàn, làm hoa đổi màu, hệ thống tưới nước tự động, đèn cảm biến thông minh, chữa cháy tự động... Nhà trường thành lập CLB Nhà khoa học nhí để học sinh có môi trường hoạt động, nghiên cứu khoa học. Từ những sản phẩm nhỏ, một số học sinh đã nảy nở tình yêu khoa học, có niềm say mê tìm hiểu, khám phá dự án có tính dài hơi và có ý nghĩa thực tế. “Các hoạt động nghiên cứu khoa học đã giúp học sinh có trải nghiệm thú vị, gieo hạt mầm hứng thú với khoa học cũng như nhận thức bài học một cách sâu sắc hơn. Thực tế, đã có những học sinh có sản phẩm dự thi trong và ngoài nước, đoạt giải”, cô Huệ nói.

Học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu trong một hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường

Học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu trong một hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường

Thiếu phòng thí nghiệm, thiết bị thực hành

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, STEM có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chuẩn bị cho học sinh những năng lực và kỹ năng thiết yếu của công dân thế kỷ 21. STEM không chỉ trang bị tri thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học mà quan trọng hơn, giúp học sinh hình thành tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng làm việc nhóm và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thế giới số.

Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ quyết liệt đầu tư toàn diện cho giáo dục STEM, coi đây là chìa khóa để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Đó là bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp dạy học tích hợp STEM, STEAM, Project-based Learning, dạy học số hóa; Nâng cấp phòng học bộ môn khoa học, phòng thí nghiệm; đầu tư thiết bị thực hành thí nghiệm hiện đại; tích hợp công nghệ thực tế ảo (VR), mô phỏng 3D vào dạy học…

Để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), yếu tố con người - đội ngũ giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ là không thể tách rời. Để khơi dậy niềm yêu thích khoa học và thúc đẩy học sinh theo đuổi STEM, ngành Giáo dục Hà Nội đã triển khai nhiều phương pháp và chiến lược như: Đưa hoạt động STEM vào chương trình giáo dục chính khóa và ngoại khóa dưới nhiều hình thức đa dạng; Xây dựng các mô hình điểm, dẫn dắt về STEM, đặc biệt tại các trường chất lượng cao như: Trường THCS Lê Lợi, THCS Cầu Giấy, THCS Thanh Xuân… Xây dựng các câu lạc bộ STEM trong nhà trường, tạo sân chơi học tập sáng tạo, nơi học sinh được trải nghiệm, khám phá, thử nghiệm các ý tưởng khoa học.

Nhờ đó, năm 2025, Học sinh Hà Nội tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp toàn quốc tại TPHCM đạt 10 giải, trong đó có 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba; tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2024 - 2025 với 6/6 dự án đều đoạt giải.

Dẫu vậy, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay, việc thúc đẩy học sinh nghiên cứu khoa học, hoạt động STEM gặp một số khó khăn, thách thức. Các em chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết về thu thập và xử lý số liệu, hạn chế trong việc sử dụng các công cụ số, phần mềm phân tích, công cụ lập trình, và nền tảng học tập trực tuyến. Ngoài ra, một số học sinh cảm thấy áp lực, sợ thất bại hoặc chưa đủ tự tin để tham gia các hoạt động nghiên cứu hoặc ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, một số trường học thiếu phòng thí nghiệm, thiết bị thực hành, hoặc chưa có điều kiện đầu tư công nghệ hiện đại làm hạn chế nghiên cứu khoa học của học sinh.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gieo-mam-tinh-yeu-khoa-hoc-post1744009.tpo
Zalo