Phát triển tiềm năng du lịch Khánh Sơn và Khánh Vĩnh

Nhắc đến Khánh Hòa, du khách nghĩ ngay đến biển xanh, cát trắng. Nhưng không chỉ vậy, xứ Trầm Hương còn có núi rừng với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những nét văn hóa truyền thống độc đáo có thể phát huy giá trị trong du lịch. Vì vậy, ngành Du lịch tỉnh và 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đang tìm mọi cách “đánh thức” tiềm năng du lịch để tạo sức bật cho kinh tế địa phương…

Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đều có phong cảnh núi rừng tươi đẹp với nhiều hoa thơm cỏ lạ, các thác nước hoang sơ, những dòng suối trong xanh mát lành. Cộng đồng các dân tộc Raglai, T’rin, Ê đê… sinh sống hàng nghìn đời nay đã tạo nên một bản sắc văn hóa độc đáo, đến nay còn giữ được nhiều lễ hội đặc trưng, món ăn đặc sản, các nghề thủ công truyền thống, các làn điệu dân ca… Đây là những chất liệu quan trọng để hình thành những sản phẩm du lịch riêng có, độc đáo, hấp dẫn du khách với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành một số chủ trương, chính sách để thúc đẩy sự phát triển du lịch miền núi nói chung và du lịch ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh nói riêng. Các địa phương cũng đã quan tâm đến việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, bước đầu đã có một số sản phẩm du lịch được du khách biết đến. Trong đó, huyện Khánh Sơn có thác Tà Gụ, tour leo núi Tà Giang, săn mây trên đỉnh Ba Cụm, khám phá vườn sầu riêng; Khánh Vĩnh có Công viên Du lịch Yang Bay, Khu du lịch Suối Lách - Mà Giá, Khu du lịch nông trang Hoa Quả Sơn…

Biểu diễn nhạc cụ truyền thống ở Công viên Du lịch Yang Bay (Khánh Phú, Khánh Vĩnh).

Biểu diễn nhạc cụ truyền thống ở Công viên Du lịch Yang Bay (Khánh Phú, Khánh Vĩnh).

Những năm gần đây, UBND tỉnh, Sở Du lịch đang đưa ra nhiều định hướng, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch miền núi. Trong kế hoạch phát triển du lịch tỉnh theo các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa (ban hành đầu năm 2023), Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã xem việc phát triển du lịch núi rừng, du lịch sinh thái cộng đồng là một giải pháp quan trọng để bổ trợ du lịch biển đảo, hướng đến sự phát triển du lịch bền vững. Lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh khẩn trương khảo sát, lựa chọn, xây dựng các địa điểm, mô hình phát triển du lịch cộng đồng; nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, đề nghị Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa hỗ trợ các huyện miền núi xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, liên kết để tạo ra các tour, tuyến du lịch có giá trị cao và bền vững, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển du lịch ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh còn nhiều hạn chế. “Nhiều điểm du lịch ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh chỉ mang tính tự phát, cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, các điểm du lịch nằm xa nhau nên khó xây dựng tour tuyến… Hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại chưa đáng kể, người dân bản địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch”, ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đánh giá. Tương tự, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Chí Công - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Nha Trang nhận định, việc phát triển du lịch ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh còn nhiều hạn chế như: thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù; thiếu cơ chế phối hợp với các đơn vị lữ hành để phát triển các tour du lịch sinh thái gắn với núi rừng, nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, công tác quảng bá du lịch của các địa phương còn yếu; nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và hạn chế về nghiệp vụ…

Xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: Vĩnh Thành

Xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: Vĩnh Thành

Để biến tiềm năng thành hiện thực

Với mong muốn “đánh thức” tiềm năng du lịch của địa phương, huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã triển khai các đề án để mở lối du lịch lên vùng cao; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch; tổ chức tập huấn cho người dân về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó nắm bắt thêm kiến thức, kỹ năng về phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn... Cụ thể, cuối năm 2023, UBND huyện Khánh Vĩnh đã ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đề án này, huyện Khánh Vĩnh đã xác định phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; tạo ra các sản phẩm, mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống. Sản phẩm du lịch cộng đồng của Khánh Vĩnh phải đảm bảo chất lượng, mang dấu ấn địa phương để nâng cao sức cạnh tranh du lịch của huyện. “Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, huyện có ít nhất 3 điểm du lịch cộng đồng, đó là xây dựng các làng du lịch cộng đồng tại các xã Khánh Trung, Khánh Thượng, Khánh Phú. Đến năm 2030, huyện sẽ có 10 điểm du lịch cộng đồng, trong đó ít nhất 3 điểm du lịch cộng đồng đạt mức tốt theo sự đánh giá của du khách...”, bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết.

Du khách đi tour trekking Tà Giang. Ảnh: La Cà Tour

Du khách đi tour trekking Tà Giang. Ảnh: La Cà Tour

Tương tự, huyện Khánh Sơn đã xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025 thu hút 45.000 lượt khách du lịch, trong đó có 6% khách quốc tế; thúc đẩy phát triển cơ sở lưu trú, với khoảng 570 phòng. Huyện đã đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch trên địa bàn huyện; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch và đề xuất các danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách đến năm 2030. Bên cạnh đó, huyện đã có những định hướng xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại xã Sơn Hiệp; xây dựng điểm du lịch sinh thái nông nghiệp tại xã Sơn Bình; khai thác tour du lịch trekking khám phá thảo nguyên Tà Giang (Thành Sơn)… Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Huyện đã có định hướng xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp). Hiện nay, huyện đã đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tiêu biểu của dân tộc Raglai gắn với phát triển du lịch; khuyến khích người dân duy trì và phát huy các nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ để phục vụ nhu cầu mua sắm, làm quà lưu niệm cho khách; liên kết các nhà vườn tạo điều kiện cho du khách tham quan vườn trái cây, tổ chức bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, trong đó có các sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Tiềm năng rất lớn nhưng trên thực tế, việc phát triển du lịch ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh còn nhiều khó khăn. Cho đến nay, cả hai huyện này vẫn chưa xây dựng được các điểm du lịch cộng đồng. Theo các chuyên gia du lịch, để “đánh thức” tiềm năng du lịch của Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, cần phải huy động được nhiều nguồn lực chung tay thúc đẩy du lịch Khánh Sơn và Khánh Vĩnh phát triển. Trước mắt, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cần hỗ trợ, tư vấn để các địa phương nhận xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, từ đó liên kết tạo ra các tour tuyến hoàn chỉnh. Chính quyền địa phương cần phải cải thiện hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông liên huyện, liên xã để thuận lợi cho đơn vị lữ hành đưa khách đến các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn; phối hợp với ngành du lịch đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông quảng bá để du khách biết đến các điểm du lịch ở Khánh Vĩnh, Khánh Sơn nhiều hơn. “Các địa phương phải lập được dự án phát triển du lịch cộng đồng cụ thể cho các địa điểm có tiềm năng, trên cơ sở đó Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch… góp ý hoàn thiện, bắt tay vào làm thực tế rồi điều chỉnh dần để nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến. Còn nếu không, việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở các huyện này chỉ mãi dừng lại ở tiềm năng”, ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion bày tỏ.

Thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp, Khánh Sơn) một điểm du lịch sinh thái được nhiều khách ưa thích khi đến Khánh Sơn. Ảnh: Dam San

Thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp, Khánh Sơn) một điểm du lịch sinh thái được nhiều khách ưa thích khi đến Khánh Sơn. Ảnh: Dam San

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình hành động ngành du lịch tỉnh năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu đã giao Sở Du lịch chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn để tổ chức, khai thác hiệu quả các điểm du lịch cộng đồng, nhất là ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Hy vọng, với quyết tâm của chính quyền địa phương, với sự hỗ trợ của ngành du lịch và các sở, ngành liên quan, thời gian tới tiềm năng du lịch của Khánh Sơn và Khánh Vĩnh sẽ được “đánh thức”, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

XUÂN THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/du-lich/202412/de-tiem-nang-du-lich-khanh-son-va-khanh-vinh-thanh-hien-thuc-a8c1d77/
Zalo