2 lần đến với Trường Sa

Trong gần 12 năm gắn bó với nghề báo, tôi được đi, được gặp nhiều người, được nghe kể nhiều câu chuyện. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi vẫn là những chuyến đi công tác tại quần đảo Trường Sa.

Phóng viên Nguyễn Quốc Việt tại Trường Sa.

Phóng viên Nguyễn Quốc Việt tại Trường Sa.

Năm 2015, tôi vinh dự được cùng gần 100 nhà báo, phóng viên của các cơ quan thông tấn Trung ương và địa phương thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân sinh sống trên quần đảo Trường Sa. Đối với những người lần đầu đi công tác tại Trường Sa như chúng tôi, việc mong ngóng, đợi chờ cho một chuyến đi ý nghĩa thật khó tả. Từ ngày nhận được thông báo của lãnh đạo Vùng 4 Hải quân, chúng tôi tất bật chuẩn bị tinh thần, dụng cụ, tư trang, cũng như không quên hỏi han những kinh nghiệm của những đồng nghiệp đã có dịp đi ra Trường Sa những lần trước đó.

Trong chuyến đi đó, tôi được nghe những câu chuyện xúc động về các cán bộ, chiến sỹ người Tuyên Quang đang công tác và thực hiện nghĩa vụ ở quần đảo Trường Sa. Có người tôi được gặp, trò chuyện và cảm nhận được tinh thần, ý chí của họ. Nhưng cũng có người, chúng tôi chỉ được “gặp” qua những câu chuyện kể xúc động, đầy tự hào từ đồng đội cũ. Bởi họ đã chuyển đi đảo khác hoặc họ đã có thời gian công tác ngoài đảo và giờ đang công tác ở đất liền. Nổi bật lên trên những câu chuyện về họ là tính chịu khó, thể hiện cái chất khí khái của con người mảnh đất chiến khu cách mạng, sự kiên cường nơi đảo xa. Biến họ thành những con người rắn rỏi, kiên cường và bản lĩnh hơn khi trở về cống hiến cho quê hương hoặc tiếp tục bước đi trên con đường binh nghiệp, để bảo vệ sự vẹn toàn cho chủ quyền đất nước.

Lần thứ 2 vào đầu năm 2024, tôi cùng đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân và hơn 40 cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương vận chuyển quà tết thăm, tặng quân và dân đang sinh sống và bảo vệ quần đảo Trường Sa. Chuyến đi khởi hành khi liên tiếp có các đợt gió mùa đông bắc tràn về, biển động rất mạnh, sóng cấp 8, cấp 9, những con sóng cao từ 15 đến 20m đánh trùm lên, táp mạnh vào thân tàu, tàu chòng chành khiến cán bộ, phóng viên, chiến sỹ trên tàu say sóng nằm la liệt, nhưng khi tàu cập đảo thì lại phải lao ngay vào tác nghiệp để kịp gửi tin, bài về tòa soạn.

Hay câu chuyện có những cán bộ, chiến sĩ, thậm chí cả phóng viên theo đoàn khi ra đến đảo mới biết tin gia đình mình có người thân qua đời, họ đành gác lại nỗi buồn của bản thân, vực lại tinh thần để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Với những người làm báo, được vượt sóng gió đến Trường Sa để tác nghiệp, được ngắm nhìn và đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào và hạnh phúc vô bờ bến.

Chuyến đi không chỉ là một trải nghiệm mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ tuyên truyền về Trường Sa để nhân dân cả nước tin tưởng, yên tâm hơn với những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc; để cán bộ, chiến sĩ trên đảo hiểu rằng tấm lòng đồng bào cả nước luôn hướng về Trường Sa, tất cả vì Trường Sa thân yêu.
Nghề báo đã cho tôi thỏa sức đam mê, rong ruổi trong những năm tháng tuổi trẻ. Đi để tìm tòi, khám phá, đi để sẻ chia, để tích lũy kiến thức và vốn sống, dù vẫn biết rằng, chuyến đi nào cũng có những nhọc nhằn, thậm chí cả nguy hiểm. Đó là món quà vô giá tiếp thêm sức mạnh, năng lượng để tôi và các đồng nghiệp tiếp tục guồng quay công việc, nỗ lực hơn nữa và cống hiến nhiều hơn nữa cho nghề.

Quốc Việt

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/2-lan-den-voi-truong-sa-204098.html
Zalo