Phát triển công nghiệp đường sắt với giải pháp đột phá
Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, tại Nghị quyết số 106 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 172 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng vừa đề xuất nhiều nội dung quan trọng trong Đề án, trong đó xác định rõ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp đường sắt một cách đồng bộ trên 5 nhóm hạng mục chính: Tư vấn, thiết kế và quản lý dự án; công nghiệp xây dựng công trình đường sắt; công nghiệp thông tin - tín hiệu; công nghiệp đầu máy, toa xe và phụ tùng; hệ thống điện sức kéo.
Về lộ trình tự chủ công nghệ, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2032, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước có thể tự đảm đương 70% công việc liên quan đến tư vấn, thiết kế, quản lý dự án và dịch vụ kỹ thuật; 70% công tác thi công xây dựng hạ tầng; 50% sản xuất đầu máy, toa xe, vật tư thiết bị và hệ thống điện động lực; 50% hệ thống thông tin, tín hiệu, điều khiển; 80% khối lượng công việc bảo trì, sửa chữa cho hệ thống đường sắt tốc độ đến 200km/h. Đến năm 2045, năng lực nội địa được kỳ vọng sẽ đạt mức cao hơn.

Những toa tàu với thiết kế "5 sao" đang dần thu hút người dân.
Với hệ thống đường sắt tốc độ đến 200 km/h, doanh nghiệp Việt Nam có thể làm chủ hoàn toàn công tác tư vấn, thiết kế, quản lý dự án, thi công hạ tầng, sản xuất toa xe, vật tư, thiết bị và điện động lực; đạt mức tự chủ 90% trong lĩnh vực thông tin - tín hiệu - điều khiển; 70% về đầu máy; 100% công tác bảo trì, sửa chữa. Đối với đường sắt tốc độ cao trên 200km/h, doanh nghiệp trong nước được định hướng có thể tự chủ 90% công việc tư vấn, thiết kế, quản lý dự án; đảm nhận 100% thi công hạ tầng; đạt 50% về sản xuất đoàn tàu, thiết bị, vật tư và điện động lực; 80% trong lĩnh vực thông tin - tín hiệu - điều khiển; 100% công việc bảo trì, sửa chữa.
Theo Bộ Xây dựng, để hiện thực hóa các mục tiêu trên, yếu tố then chốt là phải có thị trường đủ lớn cùng chính sách khuyến khích nghiên cứu, đầu tư. Chính phủ cần ban hành tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ, hoặc doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; đồng thời tạo cơ chế nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, cần xây dựng danh mục các loại hàng hóa, dịch vụ công nghiệp đường sắt sẽ được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho các doanh nghiệp trong nước.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị, với từng dự án cụ thể, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt danh sách doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia vào các khâu như tư vấn thiết kế, quản lý dự án, tiếp nhận và triển khai công nghệ. Theo cơ chế này, nhà thầu nước ngoài khi tham gia các dự án đường sắt tại Việt Nam sẽ bắt buộc phải sử dụng nhà thầu trong nước nằm trong danh sách được phê duyệt.
Trước đó, Cục trưởng Đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) Trần Thiện Cảnh cho biết, theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam gồm 16 tuyến (tăng 9 tuyến), dài 4.802km (tăng 2.362km); giai đoạn đến năm 2050 gồm 25 tuyến, dài 6.354km (tăng 1.552km). Nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đối với nhóm công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt cần cung cấp 28,7 triệu mét ray; 11.680 bộ ghi; 46 triệu thanh tà vẹt. Nhóm đầu máy toa xe đối với khổ đường 1.435mm, đến năm 2030 cần 250 đầu máy, 1.760 toa xe, năm 2045 cần 2.000 đầu máy, 10.144 toa xe.
Về công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt, định hướng đến năm 2030, lĩnh vực thiết kế, xây dựng công trình đường sắt, phấn đấu làm chủ 90-95% kỹ thuật xây dựng kết cấu phần dưới; làm chủ 100% thiết kế, xây dựng kết cấu phần trên đối với đường sắt dưới 200km/giờ, phấn đấu tham gia khoảng 50% đến 70% đối với dự án đường sắt tốc độ cao…
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), hiện tại SBIC và các liên doanh chiếm hơn 60% năng lực đóng tàu Việt Nam. Ngành đóng tàu sẽ có nhiều cơ hội, dư địa để tham gia đóng toa xe cho các dự án đường sắt. Lãnh đạo SBIC cũng dẫn chứng cụ thể, đơn vị có hệ thống nhà xưởng và dây chuyền sản xuất tương đối hiện đại (như robot hàn tự động, máy cắt laser và dây chuyền sơn chống ăn mòn theo tiêu chuẩn châu Âu), có thể chuyển đổi để sản xuất các cấu kiện toa xe lửa; có đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng phục vụ gia công cơ khí chính xác; đội ngũ kỹ sư và nhân công được đào tạo bài bản có kinh nghiệm được chứng minh qua các sản phẩm cơ khí xuất khẩu; tay nghề thợ hàn được cấp chứng chỉ Nhật Bản, Na Uy, Pháp,… Nếu có bản thiết kế về toa xe, các đơn vị của SBIC hoàn toàn có thể tự chủ đóng mới và bàn giao cho ngành đường sắt đúng tiến độ, đạt chất lượng.