Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi): Đề xuất cần quy định rõ về cơ quan pháp quy hạt nhân

Luật Năng lượng Nguyên tử Việt Nam được ban hành năm 2008, sau 17 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập như: chồng chéo trong chức năng quản lý, chưa đáp ứng yêu thực tế phát triển đất nước hiện nay, có quy định không tương thích với các luật mới ban hành, cũng như chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Sơ đồ tổng mặt bằng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại vùng dự án (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam). Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN

Sơ đồ tổng mặt bằng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại vùng dự án (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam). Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN

Do đó, việc sửa đổi luật là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng nguyên tử trong bối cảnh mới, đặc biệt là tái khởi động chương trình điện hạt nhân, đưa các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 vào vận hành giai đoạn 2030-2035. Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử Việt Nam (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thảo luận tại hội trường vào ngày 15/5 tới.

Liên quan đến dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử Việt Nam (sửa đổi), Tiến sĩ Lê Chí Dũng, chuyên gia pháp quy hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) là người trực tiếp tham gia Tổ biên tập dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử Việt Nam (sửa đổi) cho biết: Dự án Luật Năng lượng nguyên tử Việt Nam (sửa đổi) lần này đã tập trung vào vấn đề đặc thù và cấp bách với thực tiễn khi Việt Nam triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần quy định rõ về cơ quan pháp quy hạt nhân - cơ quan đóng vai trò trung tâm trong giám sát, đảm bảo tính độc lập, phù hợp với thông lệ quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn quốc tế do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ban hành. Đồng thời, cần bổ sung quy định nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cá nhân, tổ chức khi tiến hành công việc liên quan đến bức xạ hoặc thành lập các cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ. Dự thảo Luật cũng cần quy định các vấn đề liên quan đến bảo đảm an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân khi Việt Nam triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên. Các quy định cần rõ ràng hơn về kiểm soát chất thải phóng xạ, đặc biệt là trong khâu lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải và ứng phó khi xảy ra sự cố hạt nhân.

Liên quan đến dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử Việt Nam (sửa đổi), Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh, cần quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân cho phù hợp với thông lệ quốc tế bởi năng lượng nguyên tử là lĩnh vực nhạy cảm, có yêu cầu đặc thù về bảo đảm an toàn, an ninh, thanh sát và bồi thường hạt nhân.

Tiến sĩ Vương Hữu Tấn nêu ý kiến, Chính phủ thành lập cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập có thẩm quyền pháp lý, có năng lực kỹ thuật và quản lý, có nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện các trách nhiệm trong việc bảo vệ con người và môi trường đối với các rủi ro của bức xạ. Đồng thời, cơ quan pháp quy hạt nhân phải xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn cần thiết để bảo vệ con người và môi trường, cả hiện tại và tương lai, trước các nguy cơ bức xạ từ các cơ sở và hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt khi Việt Nam tái khởi động chương trình điện hạt nhân, đưa các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 vào vận hành giai đoạn 2030-2035. Tính độc lập của cơ quan pháp quy hạt nhân là nguyên tắc rất quan trọng để tránh hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong quản lý nhà nước ngành năng lượng nguyên tử, tránh dẫn đến mất an toàn đã từng xảy ra trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở một số quốc gia.

Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được thông qua lần này kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và an toàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.

HL (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/du-thao-luat-nang-luong-nguyen-tu-sua-doi-de-xuat-can-quy-dinh-ro-ve-co-quan-phap-quy-hat-nhan-20250513104710810.htm
Zalo