Phát hiện 'xa lộ khủng long' ở Anh
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Oxford và Đại học Birmingham (Anh) vừa có một công bố đáng kinh ngạc: hàng trăm dấu chân khủng long được tầng đáy mỏ Dewars Farm ở Oxfordshire, như tạo thành một mạng lưới 'xa lộ khủng long' khổng lồ.
Những dấu chân này có niên đại từ 166 triệu năm trước, vào Kỷ Trung Jura (The Middle Jurassic - thế địa chất thứ hai của Kỷ Jura, kéo dài từ 176 đến 161 triệu năm trước).
Theo các nhà khoa học, tổ hợp dấu chân này bao gồm dấu vết của loài khủng long ăn thịt Megalosaurus dài 9m, các loài khủng long ăn cỏ có kích thước lên tới 18 m. Trong số năm tuyến chân chính được khai quật, bốn tuyến thuộc về loài Sauropod cổ dài, có thể là Cetiosaurus, trong khi tuyến còn lại là của loài khủng long ăn thịt Megalosaurus, với dấu chân ba ngón đặc trưng. Dấu chân của hai loài khủng long giao nhau tại một vị trí, gợi ý khả năng hai loài này từng gặp nhau trong cùng môi trường cổ đại.
Ban đầu, Gary Johnson, một công nhân tại mỏ đá phát hiện các “vết lồi bất thường” trong quá trình làm sạch bề mặt đáy mỏ. Sau đó, các chuyên gia tiến hành khảo sát kỹ lưỡng khu vực này và khai quật khoảng 200 dấu chân vào hồi tháng 6/2024.
Nhóm nghiên cứu sử dụng máy bay không người lái để chụp ảnh trên không và tạo mô hình 3D chi tiết, giúp lưu trữ thông tin phục vụ nghiên cứu lâu dài.
Những dấu vết mới này nối tiếp các phát hiện vào năm 1997 tại cùng khu vực, khi công nhân khai thác đá vôi để lộ hơn 40 tập hợp dấu chân, có tuyến dài tới 180 m. Tuy nhiên, công nghệ thời đó chưa đủ phát triển để ghi chép chi tiết như ngày nay. Nhờ các kỹ thuật hiện đại, các nhà khoa học có thể phân tích sâu hơn về sinh học và hành vi của khủng long.
Theo Kirsty Edgar, nhà vi cổ sinh vật học tại Đại học Birmingham, các dấu chân này là “cửa sổ đặc biệt” mở ra thế giới khủng long, tiết lộ cách di chuyển, tương tác và môi trường nhiệt đới nơi chúng sinh sống. Hơn 20.000 bức ảnh tạo nên kho tư liệu quý giá cho các nghiên cứu trong tương lai.
Bên cạnh dấu chân, bối cảnh địa chất phong phú của khu vực cũng cung cấp thông tin về môi trường cổ xưa – khả năng là một đầm lầy nơi các loài khủng long từng dạo bước. Duncan Murdock, nhà khoa học Trái đất tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Oxford, cho biết: "Độ bảo tồn chi tiết cho phép chúng tôi quan sát cách lớp bùn biến dạng khi chân khủng long dẫm xuống và rút lên. Cùng với các hóa thạch khác như hang động, vỏ sò và thực vật. Chúng tôi có thể tái hiện khung cảnh đầm lầy cổ đại này".
Truyền thông Anh đã ghi hình quá trình khai quật này trong chương trình “Digging for Britain”. Phát hiện này sẽ được giới thiệu tại triển lãm “Breaking Ground” tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Oxford, nơi trưng bày các hóa thạch Megalosaurus nguyên bản cùng hình ảnh và video từ hiện trường khai quật.
Những dấu chân tại Oxfordshire không chỉ làm sáng tỏ thêm về Kỷ Trung Jura mà còn chứng minh sức mạnh của công nghệ hiện đại trong việc tái hiện và giúp hiểu hơn về quá khứ xa xưa.