'Kẻ giết người thầm lặng' khiến hơn 1.300 người hành hương thiệt mạng trên đường đến thánh địa Mecca

Tác động kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm cao đã khiến hơn 1.300 người hành hương thiệt mạng trên đường đến thánh địa Hồi giáo Mecca, làm tăng thêm lo ngại về tác động của nhiệt độ cao lên sức khỏe và tính mạng của con người.

Hàng năm, hàng trăm ngàn người Hồi giáo thực hiện Hajj – cuộc hành hương linh thiêng đến thánh địa Mecca (Saudi Arabia). Năm 2024, cuộc hành hương diễn ra vào giữa tháng 6, đúng vào thời điểm bắt đầu mùa hè tại Saudi Arabia.

Trong cuộc hành hương này, hơn 1.300 người đã không thể quay trở về nhà. Họ chết do chủ yếu là do thời tiết nắng nóng trên đường hành hương, theo trang tin The Conversation.

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Úc cho thấy trong khoảng thời gian diễn ra Hajj, nhiệt độ và độ ẩm đã vượt quá mức mà cơ thể con người có thể chịu đựng. Điều này khiến các nhà khoa học lo ngại về số lượng người chết do nhiệt ẩm và tình hình có thể sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

 Những người hành hương leo lên núi Arafat (Saudi Arabia) vào năm 2024. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Những người hành hương leo lên núi Arafat (Saudi Arabia) vào năm 2024. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Điều gì đã xảy ra ở Mecca?

Khi nhiệt độ toàn cầu tăng, nhiều nơi cũng trở nên ẩm ướt hơn, bao gồm vùng đất khô cằn của Saudi Arabia. Kể từ năm 1979, tần suất các giai đoạn thời tiết nóng ẩm cực độ đã tăng gấp đôi trên toàn cầu, làm tăng khả năng xảy ra các sự kiện gây tử vong hàng loạt như thế này.

Để thực hiện Hajj, những tín đồ Hồi giáo phải đi bộ từ 6 km đến 21 km/ngày. Nhiều người hành hương lớn tuổi và không khỏe mạnh, dễ bị tổn thương do nhiệt độ tăng cao hơn so với bình thường.

Cuộc hành hương năm ngoái bắt đầu vào ngày 14-6. Trong 6 ngày tiếp theo của Hajj, nhiệt độ lên tới 51 độ C, trong khi nhiệt độ bầu ướt (sự kết hợp của nhiệt độ và độ ẩm) tăng cao tới 29,5 độ C. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ và độ ẩm trong không khí càng cao thì càng khiến cơ thể khó đổ mồ hôi hơn, do đó cơ thể khó giải phóng nhiệt.

Tháng 6 thường là tháng khô nhất ở Saudi Arabia với độ ẩm trung bình khoảng 25% và nhiệt độ bầu ướt trung bình là 22 độ C. Tuy nhiên, trong Hajj năm nay, độ ẩm trung bình là 33%.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Úc cho thấy giới hạn chịu nhiệt của người lớn tuổi đã bị phá vỡ trong cả 6 ngày của Hajj. Vào ngày 18-6-2024, nhiệt độ và độ ẩm tăng đến mức nguy hiểm ngay cả đối với những người hành hương trẻ và khỏe mạnh.

Chính quyền Saudi Arabia đã lắp đặt các nơi dừng chân máy lạnh và các phương pháp làm mát khác. Tuy nhiên, những nơi này chỉ dành cho những người hành hương có giấy phép chính thức. Hầu hết người tử vong đều là người hành hương không có giấy phép, nghĩa là họ không thể tiếp cận được nguồn làm mát do chính quyền lắp đặt sẵn.

Cuộc hành hương Hajj được dự đoán sẽ còn nguy hiểm hơn trong tương lai. Trong 25 năm nữa, thời điểm hành hương Hajj sẽ diễn ra vào thời gian đỉnh điểm của mùa hè là vào tháng 8 và tháng 9. Khi nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, nguy cơ say nắng trong thời gian hành hương Hajj sẽ cao gấp 10 lần so với hiện nay.

 Người hành hương tại Saudi Arabia vào tháng 6-2024. Ảnh: AFP

Người hành hương tại Saudi Arabia vào tháng 6-2024. Ảnh: AFP

Chúng ta có thể chịu được mức nhiệt và độ ẩm bao nhiêu?

Năm 2010, các nhà nghiên cứu lần đầu tiên đề xuất một "giới hạn sống" về mặt lý thuyết. Theo lý thuyết này, nhiệt độ bầu ướt đạt đến mức “giới hạn sống” của con người là 35 độ C.

Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện nay cho rằng giới hạn này thực sự thấp hơn nhiều. Các thí nghiệm kiểm tra giới hạn sinh lý của con người bên trong các buồng nhiệt cho ra kết quả rất khác.

Những giới hạn này thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và độ ẩm. Ví dụ, giới hạn chịu nhiệt đối với người trẻ là khoảng 45 độ C ở độ ẩm 25% nhưng nếu độ ẩm tăng lên 80%, giới hạn chịu nhiệt giảm xuống còn 34 độ C. Đối với người lớn tuổi, nếu độ ẩm tăng lên 80%, giới hạn chịu nhiệt là khoảng 32,5 độ C.

Độ ẩm cao khiến cơ thể khó có thể tự làm mát, ngay cả khi nghỉ ngơi. Tiếp xúc liên tục với nguồn nhiệt cũng sẽ khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, dẫn đến say nắng và có thể tử vong sau một vài giờ.

Nhiều người trong chúng ta quen với cảm giác nhiệt độ không khí từ 34 độ C trở lên. Tuy nhiên, chúng ta chịu được nhiệt khô tốt hơn nhiều so với nhiệt ẩm. Độ ẩm cao khiến cơ thể khó dùng cơ chế đổ mồ hôi để giải phóng nhiệt.

Mối đe dọa về nhiệt ẩm gia tăng trên toàn cầu

Nhiệt độ tăng cao được xem là kẻ giết người thầm lặng.

Nhiệt độ cao không phải là mối đe dọa hữu hình, không giống như hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác do khí hậu gây ra. Các ca tử vong liên quan nhiệt độ rất khó theo dõi và có thể không được quan tâm đúng mức.

Dù vậy, các nhà khoa học chỉ ra rằng trong các mối nguy hiểm liên quan khí hậu, nhiệt độ là mối nguy hiểm nhất. Trước đây, nhiều nghiên cứu chỉ tập trung vào một biến số – nhiệt độ không khí. Chỉ gần đây, các nhà khoa học mới bắt đầu chú ý đến độ ẩm và xem nó là một mối đe dọa.

Độ ẩm xuất phát từ sự bốc hơi nước của đại dương và các khu vực sông, hồ. Khi biến đổi khí hậu làm nóng các đại dương, độ ẩm được tạo ra nhiều hơn. Điều này có nghĩa là các vùng ven biển – nơi có nhiều thành phố lớn nhất thế giới – dễ bị tổn thương. Saudi Arabia và nhiều quốc gia trên bán đảo Ả Rập được các vùng biển nông, ấm bao quanh, nên khu vực này có quy cơ đối mặt nhiệt ẩm cao khi nhiệt độ Trái đất tăng lên.

 Ấn Độ là một trong những quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề của nhiệt ẩm nguy hiểm. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Ấn Độ là một trong những quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề của nhiệt ẩm nguy hiểm. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Tuy nhiên, độ ẩm cũng có thể đi sâu vào đất liền, thông qua hiện tượng “sông khí quyển” – thuật ngữ mô tả các luồng hơi ẩm trong không khí. Đây là cách các đợt độ ẩm cao có thể đi sâu các khu vực không giáp biển như miền bắc Ấn Độ và gây ảnh hưởng sức khỏe con người.

Khi nhiệt độ ngày càng tăng, mối đe dọa của nhiệt ẩm sẽ trở nên càng đáng báo động. Trên thực tế, các nhà khoa học đã ghi nhận hiện tượng nhiệt ẩm gây chết người ở Vịnh Ả Rập, trên khắp Bangladesh, miền bắc Ấn Độ, một số vùng của Pakistan và ở Đông Nam Á.

Theo The Conversation, nếu không nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch – nguyên nhân chính gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu, chúng ta có thể chứng kiến nhiệt ẩm xuất hiện nhiều lần trong năm ở mọi nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Mỹ, châu Âu và nhiều vùng rộng lớn của châu Phi.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ke-giet-nguoi-tham-lang-khien-hon-1300-nguoi-hanh-huong-thiet-mang-tren-duong-den-thanh-dia-mecca-post828225.html
Zalo