Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ một dấu hiệu kéo dài 2 tháng

Liên tục đại tiện ra máu nhưng bà L. nghĩ rằng mình mắc bệnh trĩ, khi đi khám, bác sĩ phát hiện nữ bệnh nhân mắc ung thư trực tràng giai đoạn cuối.

Bà H.T.L (70 tuổi, Long An) từng bị tình trạng đại tiện ra máu kéo dài trong hai tháng nên nghĩ mình mắc bệnh trĩ. Sau đó, bà được chẩn đoán mắc polyp trực tràng tại một cơ sở y tế địa phương và điều trị bằng thuốc tại nhà. Sau một thời gian, triệu chứng tạm ngưng, khiến bà nghĩ bệnh đã khỏi.

Tuy nhiên, khi triệu chứng tái phát và kéo dài, bà quyết định đến bệnh viện để kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Kết quả nội soi đại tràng cho thấy một khối u ở 1/3 giữa - dưới trực tràng. Các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT và MRI xác nhận khối u đã di căn đến hạch chậu, cho thấy bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn.

Sau khi hội chẩn, ê-kíp quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u và nạo vét hạch chậu, kết hợp với phác đồ hóa xạ trị bổ trợ sau mổ. Ca phẫu thuật sử dụng kỹ thuật nội soi qua cả đường bụng và hậu môn, giúp rút ngắn thời gian mổ xuống còn khoảng 3 giờ, so với 8 giờ như các phương pháp truyền thống. Kỹ thuật này sử dụng vết mổ nhỏ khoảng 10mm, ít xâm lấn, hỗ trợ bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.

Bà L. sau mổ. Ảnh: BSCC.

Bà L. sau mổ. Ảnh: BSCC.

Hiện tại, bà L. đã có thể ăn uống, đi lại và sinh hoạt bình thường, không còn triệu chứng đại tiện ra máu. Phác đồ điều trị bổ trợ tiếp theo được kỳ vọng sẽ cải thiện cơ hội sống sót lâu dài.

Theo bác sĩ Phan Văn Sơn, chuyên khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật tụy, người điều trị cho bà L. cho biết, ung thư đại trực tràng có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm. Ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống trên 5 năm có thể đạt cao, nhưng khi bệnh đã di căn, con số này giảm mạnh xuống dưới 10%.

Triệu chứng của ung thư đại trực tràng, như đại tiện ra máu, rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng, thường không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính. Điều này khiến nhiều người chậm trễ trong việc thăm khám, dẫn đến phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi các lựa chọn điều trị bị hạn chế và nguy cơ biến chứng tăng cao.

Để giảm thiểu rủi ro, bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người trên 45 tuổi, nên thực hiện nội soi đại trực tràng định kỳ mỗi 5-10 năm, ngay cả khi không có triệu chứng. Đối với những người có dấu hiệu bất thường như đại tiện ra máu, thay đổi thói quen đi tiêu, đau bụng kéo dài, việc thăm khám kịp thời rất cần thiết. Tầm soát định kỳ không chỉ giúp phát hiện sớm ung thư mà còn có thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư, từ đó can thiệp kịp thời để ngăn chặn bệnh tiến triển.

Việc phát hiện muộn không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn gia tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Ngược lại, tầm soát và chẩn đoán sớm có thể mang lại cơ hội điều trị triệt để, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Do đó, nâng cao nhận thức về ung thư đại trực tràng và khuyến khích thăm khám định kỳ là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phat-hien-ung-thu-giai-doan-cuoi-tu-mot-dau-hieu-keo-dai-2-thang-2416987.html
Zalo