Bí kíp giữ an toàn cho trẻ khi ở nhà một mình
Cha mẹ cần chuẩn bị cho con những kỹ năng cơ bản và cần thiết nhất để con luôn an toàn, tự tin xử lý tình huống khi không có người lớn bên cạnh.
Ngày nay, với nhịp sống bận rộn, không ít gia đình rơi vào tình huống con trẻ phải ở nhà một mình, dù chỉ trong thời gian ngắn. Đây là khoảng thời gian tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu trẻ không được trang bị đủ kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Vậy cha mẹ nên dạy con những gì để trẻ có thể ở nhà một mình một cách an toàn?

Ảnh minh họa/ Nguồn internet
Dạy con cách sử dụng và kiểm soát các thiết bị điện
Điện là mối nguy lớn đối với trẻ nhỏ. Cha mẹ nên hướng dẫn con nhận biết các thiết bị điện nguy hiểm, cách bật/tắt thiết bị cơ bản như quạt, đèn, tivi, nhưng tuyệt đối không tự ý cắm, rút phích điện, không chạm vào ổ điện ướt tay, không dùng các thiết bị điện khi không cần thiết.
Kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ
Dù không ai mong muốn, nhưng hỏa hoạn vẫn có thể xảy ra. Trẻ cần biết:
Không nghịch lửa, bật diêm, bật lửa.
Không tự ý nấu ăn nếu cha mẹ chưa cho phép.
Biết cách ngắt cầu dao điện khi phát hiện chập cháy.
Biết cách gọi người lớn hoặc số điện thoại cứu hỏa 114, hô hoán hàng xóm khi có sự cố.
Biết tìm lối thoát hiểm an toàn.
Kỹ năng khóa cửa, không mở cửa cho người lạ
Đây là kỹ năng quan trọng hàng đầu. Trẻ phải biết:
Luôn khóa cửa khi ở nhà một mình.
Không mở cửa nếu người lạ gõ cửa, dù họ nói bất kỳ lý do gì.
Nếu người lạ khăng khăng muốn vào, phải gọi ngay cho cha mẹ hoặc người thân gần nhất.
Kỹ năng giao tiếp qua điện thoại
Cha mẹ nên dạy con cách sử dụng điện thoại để:
Liên hệ với cha mẹ, người thân, hàng xóm tin cậy.
Biết đọc rõ địa chỉ nhà khi cần gọi cấp cứu.
Không cung cấp thông tin riêng (địa chỉ, số điện thoại) cho người lạ gọi đến.
Kỹ năng sơ cứu cơ bản
Trẻ nên được học cách xử lý vết thương nhỏ, bỏng nhẹ hoặc té ngã. Cha mẹ có thể dạy con băng bó đơn giản, rửa vết thương bằng nước sạch, biết tránh đụng chạm vết thương sâu và gọi người lớn ngay.
Quy định rõ thời gian, phạm vi di chuyển trong nhà
Hãy đặt ra nguyên tắc trẻ không trèo ra lan can, không tự ý ra ban công, không tự mở cửa đi ra ngoài. Việc đặt quy định rõ ràng giúp hạn chế những tai nạn đáng tiếc.
Dạy con bình tĩnh khi gặp sự cố
Điều quan trọng là giúp trẻ hiểu rằng khi gặp vấn đề, con không được hoảng sợ. Hãy bình tĩnh tìm cách xử lý hoặc gọi người hỗ trợ. Cha mẹ nên diễn tập các tình huống giả định để trẻ biết cách phản ứng.
Lập danh sách liên lạc khẩn cấp
Cha mẹ nên dán danh sách số điện thoại quan trọng ở nơi dễ nhìn như cửa tủ lạnh: số cha mẹ, số ông bà, hàng xóm tin cậy, công an, cứu hỏa, cấp cứu. Trẻ cần được thực hành bấm số và nói rõ ràng khi cần trợ giúp.
Trang bị camera, thiết bị báo động (nếu có điều kiện)
Việc lắp camera kết nối điện thoại hoặc chuông báo động sẽ giúp cha mẹ dễ dàng theo dõi và hỗ trợ con kịp thời từ xa.
Việc để trẻ ở nhà một mình không nên trở thành thói quen thường xuyên, nhưng trong trường hợp bất khả kháng, cha mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng cơ bản nhất để con có thể bảo vệ an toàn cho bản thân. Quan trọng nhất là cha mẹ phải lắng nghe, nhắc nhở, diễn tập thường xuyên để trẻ nhớ kỹ và xử lý tình huống tốt nhất khi không có người lớn bên cạnh.