Kê đơn thuốc 2-3 tháng/lần: Bệnh nhân, bệnh viện đều được lợi

Quy định mới về áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày vừa tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân, vừa góp phần giảm tải cho bệnh viện.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 26 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh.

Theo đó, từ ngày 1-7, người mắc bệnh thuộc danh mục 252 bệnh, nhóm bệnh sẽ được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày.

"Nghe tin này tôi vui quá!"

Tại Bệnh viện (BV) K, Hà Nội, nhiều bệnh nhân cho biết cảm thấy phấn khởi khi biết tin sẽ được phát thuốc 3 tháng/lần thay vì hằng tháng như trước đây.

Chị Lê Thị T (43 tuổi, Hưng Yên) được chẩn đoán mắc ung thư vú phải, giai đoạn 2, thể nội tiết từ năm 2024. Chị T nhập viện phẫu thuật, sau đó tiếp tục được điều trị 6 đợt hóa chất.

Cuối 2024, chị T được chuyển sang khoa Xạ trị. Sau 15 đợt xạ, chị được hướng dẫn về nhà theo dõi, tái khám định kỳ. Theo lịch, cứ mỗi 3 tháng chị T đến BV tái khám.

Thế nhưng, thuốc điều trị lại được phát theo từng tháng. Do đó, mỗi tháng chị T phải xin nghỉ làm 1 ngày để lên Hà Nội.

"Lần này đi tái khám, được BV thông báo theo quy định mới của Bộ Y tế về việc cấp phát thuốc cho người bệnh, tôi sẽ được phát thuốc 3 tháng/lần. Vậy là tôi không còn phải lo lắng về việc hằng tháng đi lấy thuốc, không phải mệt mỏi mỗi lần vào viện vì vừa chờ đợi lâu, vừa tốn kém chi phí đi lại, ăn uống”, chị T nói.

 Bệnh nhân đến tái khám tại Bệnh viện K. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân đến tái khám tại Bệnh viện K. Ảnh: BVCC

Tương tự, chị Nguyễn Thị M (Tuyên Quang) mắc bệnh ung thư vú, đã được phẫu thuật từ năm 2023, điều trị 8 đợt hóa chất kèm thuốc đích. Hiện tình trạng chị M ổn định, chỉ cần khám định kỳ 3 tháng/lần.

"Tuy nhiên, do cần dùng thuốc nội tiết nên tôi vẫn phải từ quê xuống Hà Nội để lấy thuốc điều trị mỗi tháng. Mỗi lần đi như vậy thường mất cả ngày, cũng mệt mỏi", chị M cho hay.

Với chị M, việc sẽ được phát thuốc 90 ngày là thông tin rất vui vì giúp chị giảm nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại. "Đây là mong muốn của mỗi bệnh nhân khi đến đợt lấy thuốc, đặc biệt là những người ở tỉnh xa như chúng tôi. Nghe tin này tôi vui quá!", chị M nói.

BV cũng được hưởng lợi

Theo đại diện BV K, việc áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú cho bệnh nhân theo Thông tư 26 của Bộ Y tế không chỉ giúp nâng cao hiệu quả chăm sóc người bệnh, mà còn giảm bớt áp lực của họ khi tới khám chữa bệnh, nhận thuốc về điều trị, nhất là những người ở các tỉnh xa Hà Nội.

Đối với các bác sĩ (BS), đây là một thay đổi tích cực. Bởi khi bệnh nhân được giảm thời gian chờ đợi để lấy thuốc, thì đội ngũ nhân viên y tế cũng bớt áp lực do quá tải, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng khám chữa bệnh.

Cũng theo đại diện BV K, Thông tư 26 đã tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần chuẩn hóa quy trình kê đơn, nâng cao trách nhiệm của người hành nghề y và bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân.

Theo đó, các quy định của Thông tư giúp bệnh nhân được tiếp cận với phác đồ điều trị chuẩn xác, giảm thiểu tình trạng lạm dụng thuốc, dùng thuốc sai cách, nâng cao chất lượng điều trị.

Thông tư cũng quy định về kiểm soát tình trạng kháng thuốc, góp phần hạn chế việc lạm dụng kháng sinh. Đồng thời, minh bạch hóa công tác khám chữa bệnh, giúp quản lý chặt chẽ hơn quy trình kê đơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát; đảm bảo bệnh nhân được tư vấn đầy đủ thông tin về thuốc và điều trị.

"Đây là một bước tiến trong hiện đại hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cải thiện trải nghiệm của người bệnh", đại diện BV K nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), nơi đây đang quản lý và điều trị khoảng 13.000 bệnh nhân mắc bệnh mãn tính. BV đã tiến hành cá thể hóa, phân loại toàn bộ bệnh nhân để có hướng cấp phát thuốc phù hợp theo quy định.

Theo đó, BV chia bệnh nhân thành 3 nhóm chính: Người mắc bệnh mãn tính chưa ổn định, vẫn cần phải dò liều điều trị; người mắc nhiều bệnh phối hợp, trong đó có bệnh ổn định, có bệnh chưa ổn định; người mắc bệnh mãn tính đã được kiểm soát ổn định.

Việc kê đơn thuốc ngoại trú có thể lên tới 90 ngày theo quy định tại Thông tư 26 sẽ giảm lượng bệnh nhân đến khám rất nhiều. Cạnh đó, chính BV cũng sẽ được hưởng lợi từ việc này.

"Các BS sẽ không phải ngồi bàn khám nhiều như trước, có thêm thời gian khám và tư vấn kỹ hơn cho từng bệnh nhân. Chi phí vận hành theo đó cũng giảm, cho thấy không chỉ giảm quá tải mà về kinh tế cũng có nhiều lợi ích", ông Thường nói.

 Việc kê đơn thuốc ngoại trú có thể lên tới 90 ngày góp phần giúp giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các BV. Ảnh: TT

Việc kê đơn thuốc ngoại trú có thể lên tới 90 ngày góp phần giúp giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các BV. Ảnh: TT

BV Đa khoa Xanh Pôn áp dụng phát thuốc 2 tháng/lần cho người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm gan B... từ tháng 11-2024 đến nay. Tổng số người đang khám và nhận thuốc theo hình thức này tại BV khoảng 2.300 người.

Ông Lương Đức Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - BV Đa khoa Xanh Pôn, cho biết tỉ lệ bệnh nhân nhận thuốc 2 tháng/lần phải quay lại tái khám trong vòng 50 ngày chiếm 3%. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất hiện tác dụng phụ, phản ứng không mong muốn, cần điều chỉnh liều hoặc đổi thuốc...

97% còn lại được phát thuốc 2 tháng/lần đều điều trị an toàn, không cần phải tái khám trước khi đến đợt khám mới.

"Việc phát thuốc 2 tháng/lần giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chờ khám cho người dân, đặc biệt với người cao tuổi, người ở tỉnh xa", ông Dũng nói, đồng thời cho biết chính sách này góp phần giảm đáng kể tần suất đến BV của người bệnh, đặc biệt trong các khung giờ vốn đông đúc là 8-10 giờ sáng và 13-15 giờ chiều.

Theo TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), chủ trương cấp thuốc điều trị dài ngày xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người bệnh, đặc biệt là những người đang sống ở vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi, người bệnh khó khăn trong đi lại.

"Trước đây, Thông tư 52/2017 quy định thời gian kê đơn thuốc ngoại trú tối đa là 30 ngày, nhưng trong thực tiễn điều trị, đặc biệt là với các bệnh mạn tính đã ổn định, nhu cầu được cấp thuốc dài ngày là hoàn toàn chính đáng", ông Dương nói.

Bộ Y tế từng cho phép cấp thuốc kéo dài 3 tháng trong giai đoạn COVID-19, khi bệnh nhân không thể đến BV thường xuyên. Kết quả cho thấy việc này đem lại nhiều thuận lợi như giảm gánh nặng cho cơ sở y tế, giảm thời gian và chi phí đi lại của người bệnh, mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ke-don-thuoc-2-3-thanglan-benh-nhan-benh-vien-deu-duoc-loi-post858345.html
Zalo