Phát hiện dấu tích cư trú cổ thời Đông Sơn và trị sở cấp huyện Đông Hán ở xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương)

Cuộc thăm dò khảo cổ tại di tích Thành Dền đã phát hiện nhiều dấu tích cư trú thời Đông Sơn và trị sở (nơi cơ quan chính quyền thời phong kiến đóng để cai trị) cấp huyện thời Đông Hán với hơn 2.600 hiện vật.

Khảo sát trên diện tích 20 m² ở thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) phát hiện nhiều di vật niên đại kéo dài từ thời kỳ Đông Sơn muộn đến thời Đông Hán

Khảo sát trên diện tích 20 m² ở thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) phát hiện nhiều di vật niên đại kéo dài từ thời kỳ Đông Sơn muộn đến thời Đông Hán

Ngày 29/4, Bảo tàng Hải Dương và Viện Khảo cổ học công bố kết quả thăm dò khảo cổ di tích Thành Dền tại thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương).

Cuộc thăm dò, khảo sát thực hiện từ ngày 26/3 - 26/4 trên diện tích 20 m² đã phát hiện 2.670 hiện vật, gồm vật liệu kiến trúc, đồ gốm, dấu tích luyện kim đồng… Các di vật có niên đại kéo dài từ thời kỳ Đông Sơn muộn (thế kỷ 3 - 2 trước Công nguyên) đến thời Đông Hán (thế kỷ II - III sau Công nguyên).

Trong số 2.670 hiện vật thu được có tới 2.119 vật liệu kiến trúc. Trong đó có 26 hiện vật, gạch gồm gạch chữ nhật in hoa văn ô trám, gạch chữ nhật không hoa văn, gạch múi bưởi, còn lại là ngói cong

Trong số 2.670 hiện vật thu được có tới 2.119 vật liệu kiến trúc. Trong đó có 26 hiện vật, gạch gồm gạch chữ nhật in hoa văn ô trám, gạch chữ nhật không hoa văn, gạch múi bưởi, còn lại là ngói cong

Kết quả cho thấy, Thành Dền từng là khu cư trú đông đúc của cư dân văn hóa Đông Sơn, sau đó phát triển thành trị sở cấp huyện dưới quận Giao Chỉ thời Đông Hán.

Lớp văn hóa chồng xếp cùng các hiện vật như ngói in chữ Hán “Vạn tuế” cho thấy sự hiện diện của kiến trúc quy mô, có khả năng liên quan đến cơ quan hành chính địa phương thời bấy giờ.

Các hiện vật của cuộc thăm dò, khảo sát được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Các hiện vật của cuộc thăm dò, khảo sát được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Ngoài ra, dấu tích tro than, xỉ đồng, giọt bắn dung dịch đồng được tìm thấy trong lớp văn hóa Đông Sơn cho thấy tại đây từng diễn ra hoạt động luyện kim. Các chuyên gia nhận định, Thành Dền là một địa điểm khảo cổ có giá trị đặc biệt trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa đồng bằng Bắc Bộ giai đoạn Đông Sơn - Đông Hán.

Tại buổi công bố, các nhà khảo cổ học và các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định, khu vực Thành Dền có tiềm năng nghiên cứu rất lớn, đặc biệt thời kỳ Đông Sơn và Đông Hán.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Bình, nghiên cứu viên chính của Phòng Khảo cổ học (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) báo cáo kết quả cuộc thăm dò, khảo sát

Tiến sĩ Nguyễn Đức Bình, nghiên cứu viên chính của Phòng Khảo cổ học (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) báo cáo kết quả cuộc thăm dò, khảo sát

Đó sẽ là những tư liệu quan trọng trong tìm hiểu lịch sử, văn hóa của vùng đất Ngọc Sơn nói riêng và Hải Dương nói chung. Các di vật thu thập được sẽ bổ sung nguồn tư liệu quý giá cho việc trưng bày, giới thiệu và phát huy giá trị di sản của vùng đất đối với nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam phát biểu tại buổi công bố kết quả thăm dò khảo cổ di tích Thành Dền

Phó giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam phát biểu tại buổi công bố kết quả thăm dò khảo cổ di tích Thành Dền

Từ những kết quả bước đầu, các nhà khảo cổ kiến nghị tiếp tục điều tra chuyên sâu, mở rộng khai quật nhằm xác định rõ phạm vi, quy mô, tính chất khu vực, đồng thời bảo vệ và phát huy giá trị di sản quan trọng này. Bên cạnh đó, cần lập phương án bảo vệ, bảo tồn di tích, di vật, tránh tình trạng di tích bị xâm hại hoặc phá hủy bởi xây dựng và canh tác của nhân dân.

Trước đó, vào tháng 12/2024, trong quá trình canh tác, người dân thôn Ngọc Lặc làm xuất lộ nhiều gạch, ngói, đồ cổ tại khu vực Thành Dền. Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận thông tin và cử cán bộ đến khảo sát.

Quá trình khảo sát đã phát hiện nhiều hiện vật tại khu vực Giám Soi, miếu Ngọc Sơn, Đống Dền và Đống Da. Các hiện vật chủ yếu nằm trong khung niên đại thế kỷ II - III (cách khoảng 1.700 đến 1.800 năm) và một số hiện vật thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn.

VĂN TUẤN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phat-hien-dau-tich-cu-tru-co-thoi-dong-son-va-tri-so-cap-huyen-dong-han-o-xa-ngoc-son-tp-hai-duong-410511.html
Zalo