Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng
Trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long (phố Hoàng Diệu, quận Ba Ðình) có một di tích đặc biệt quan trọng liên quan đến công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc, đó là Nhà và Hầm D67.
Tại nơi đây, Bộ Chính trị đã ra những quyết sách chiến lược đối với nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son chói lọi. Với thắng lợi vĩ đại ấy, quân và dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất nước nhà. Thắng lợi ấy đã chấm dứt ách thống trị của thực dân, đế quốc hơn một trăm năm trên đất nước ta. Tổ quốc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Nằm tại vị trí trung tâm của Nhà D67, phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là nơi diễn ra nhiều hội nghị cơ mật giai đoạn 1968 - 1975. Di tích nhà D67 gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là một thành tố cơ bản của Tổng hành dinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ tháng 9/1968 đến 30/4/1975, tại đây, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân đã tập trung trí tuệ, đề ra các chủ trương, chính sách, chiến lược đúng đắn, sáng tạo đưa nhân dân ta đi tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chị Mạc Thu Hà - Hướng dẫn viên Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội cho biết: "Với diện tích chỉ 75m2 nhưng đây là nơi diễn ra những cuộc họp cơ mật nhất, những quyết định quann trọng nhất để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và trên chính chiếc bàn làm việc này đã diễn ra hàng nghìn cuộc họp lớn, nhỏ".
Tại căn phòng này, từ 18/12/1974 - 8/1/1975 đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng và đưa ra phương châm: "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975". Đây là quyết sách quan trọng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, đi đến thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
PGS.TS Trần Ngọc Long - Nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: "Cuộc tiến công chiến lược cuối cùng nhằm giải phóng Sài Gòn, Gia Định là vào ngày 4/4/1975, chính tại căn nhà D67. Bộ Chính trị và Quân ủy đã họp đưa ra quyết định chuẩn y lời đề nghị của Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Gia Định là chiến dịch cuối cùng này sẽ mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh".
Sáng ngày 29 và 30/4/1975, tổng hành dinh tràn ngập niềm vui. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tập trung theo dõi sự phát triển của cuộc tổng tiến công và nổi dậy từng giờ từng phút, thảo luận công việc và đón tin chiến thắng. Giây phút đó là thời khắc thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam.
Đại tá Khuất Duy Hoan - Nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 cho biết: "Đơn vị chúng tôi đang làm nhiệm vụ truy quét tàn dư quân địch để giữ nguyên con đường cho Sư đoàn 10 - Sư đoàn chủ lực sẽ đánh thẳng vào Sài Gòn thì lúc đó, chúng tôi đang đi vào trong làng đã thấy bà con cầm hoa, cầm cờ, bánh kẹo, hoa quả rồi bảo 'Ôi, các chú bộ đội giải phóng ơi! Hòa bình rồi, Dương Văn Minh đầu hàng rồi!', lúc bấy giờ chúng tôi mới ngỡ ngàng".
Đến thăm Di tích nhà D67 hôm nay, thế hệ trẻ không khỏi xúc động khi được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật của Sở chỉ huy năm xưa, nơi làm việc của Bộ thống soái tối cao, trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mỗi tấm bản đồ, mỗi chiếc ghế ngồi, điện thoại làm việc đều gợi nhớ về một thời oanh liệt, về những năm tháng khó khăn, cam go và những giây phút hào hùng của cả dân tộc trong niềm vui chiến thắng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - Thành phố Hải Dương - Tỉnh Hải Dương cho biết: "Khi bước vào đây, mình cảm thấy vô cùng xúc động, tự hào vì đây là nơi làm việc của ban lãnh đạo ngày trước và đã đem đến cuộc sống hòa bình của mình hiện tại".
Những giá trị mà nơi đây mang lại đã và sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt, như một lời nhắc nhở đầy thiêng liêng về những năm tháng hào hùng, khơi dậy niềm tự hào về một dân tộc kiên cường, vượt qua mọi thử thách.