Quảng Bình: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son
Chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2025). Nằm trong khuôn khổ các sự kiện chào lễ của tỉnh Quảng Bình, tại Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, huyện Bố Trạch tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch sôi động, phục vụ nhân dân và du khách thập phương.

Không khí chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2025) rợp bóng cờ bay tại thị trấn Phong Nha, Bố Trạch
Sáng 29/4, UBND huyện Bố Trạch tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống lần thứ VIII. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.

Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Bố Trạch lần thứ VIII thu hút khoảng 260 vận động viên của 10 thuyền bơi nam đến từ các xã, thị trấn
Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Bố Trạch lần thứ VIII thu hút khoảng 260 vận động viên của 10 thuyền bơi nam đến từ các xã, thị trấn: Phong Nha, Hưng Trạch, Liên Trạch, Thanh Trạch, Hải Phú, Đức Trạch, Nhân Trạch, Cự Nẫm, Đồng Trạch, Phúc Trạch và 3 thuyền đua nữ đến từ thị trấn Phong Nha, xã Hưng Trạch và Liên Trạch.
Các đội thuyền tham gia thi đấu với tổng đường đua dài 6km đối với thuyền bơi nam và 4km đối với thuyền đua nữ; xuất phát từ bến thuyền trung tâm đến cầu Xuân Sơn qua ngã ba sông Chày rồi trở về.
Kết quả, ở nội dung đua thuyền nam, đội thuyền Đồng Trạch giành giải nhất, Đức Trạch giải nhì và Phong Nha giải ba.
Ở nội dung đua thuyền nữ, giải nhất thuộc về đội thuyền Phong Nha, giải nhì Hưng Trạch và giải ba Liên Trạch.

Ban Tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đội tham gia giải

Ban Tổ chức trao thưởng cho đội đoạt giải nhất bơi thuyền nam

Ban Tổ chức trao thưởng cho đội đoạt giải nhất, nhì, ba đua thuyền nữ
Theo Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Bố Trạch Phan Chí Dũng, lễ hội đua thuyền truyền thống quy tụ những thuyền đua, bơi đến từ nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Giải chia làm hai nội dung thi đấu, gồm: Thuyền bơi nam và thuyền đua nữ. Mỗi thuyền có khoảng 19 - 20 vận động viên tham gia thi đấu với tổng chiều dài 6km dành cho thuyền nam và 4km đối với thuyền nữ, xuất phát tại bến thuyền trung tâm sông Son đến cầu Xuân Sơn qua ngã ba sông Chày rồi trở về điểm xuất phát.
Ông Phan Chí Dũng cho biết: “Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Bố Trạch đến nay đã tổ chức thành công 7 mùa giải. So với những mùa giải trước, mùa giải năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn, với sự tham gia của 10 đội thuyền nam (tăng 3 đội) và 3 đội thuyền nữ. Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao bên lề lễ hội”.
Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện đã chủ động làm việc với các xã, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tham mưu UBND huyện cấp kinh phí hỗ trợ đóng thuyền đua cho những đội thuyền lần đầu tiên tham gia lễ hội với mức hỗ trợ 70 triệu đồng/thuyền. Thuyền được tiến hành đóng và bàn giao cho các xã vào ngày 12/4, bảo đảm có đủ thời gian để tập luyện, làm quen trước khi tham gia lễ hội.

Các đại biểu tham dự lễ hội
Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Hoàng Minh Thái cho biết, lễ hội đua thuyền truyền thống là dịp để phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương; góp phần quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa của người dân Bố Trạch, tạo điều kiện để phát triển du lịch với những sản phẩm phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Đây cũng là cơ hội để nhân dân gặp gỡ, giao lưu, tăng cường sức khỏe, phát huy sức mạnh đoàn kết cộng đồng.
Lễ hội đua thuyền truyền thống đã trở thành hoạt động thường niên được mong chờ của người dân huyện Bố Trạch vào dịp lễ 30/4 và 1/5 hàng năm. Hướng tới lễ hội đua thuyền lần thứ VIII, năm 2025, huyện đã lên kế hoạch chỉ đạo các địa phương tập luyện, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho mùa giải mới.

Em Trần thị Lan Anh, khách du lịch tham gia lễ hội
“Là một người khách du lịch, em thấy lễ hội đua thuyền thị trấn Phong Nha là hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân trên địa bàn thị trấn. Đây cũng là hoạt động thiết thực để thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương di sản đến với du khách trong nước và quốc tế, tạo điểm nhấn quảng bá du lịch địa phương. Thông qua lễ hội nhằm phát triển mạnh mẽ phong trào tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, củng cố tình đoàn kết, ý chí quyết tâm trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương di sản ngày càng giàu đẹp, văn minh”. Em Trần thị Lan Anh, khách du lịch tham gia lễ hội, chia sẻ.