Phân quyền hay giao quyền: Khái niệm cần làm rõ
Theo các đại biểu Quốc hội, nên làm rõ khái niệm phân quyền hay giao quyền và Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cần định nghĩa rõ đâu là quyền của Trung ương, đâu là quyền của địa phương.
Sáng nay (14/2), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Các đại biểu tập trung thảo luận đến vấn đề phân quyền ủy quyền tại Điều 7, Điều 8 và Điều 13 của Luật.
Đánh giá cao Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần này, các đại biểu cho rằng, Luật đã rất khoa học, tư tưởng thể hiện trong Luật đã rất tiến bộ. Tuy nhiên, theo các đại biểu, nên làm rõ khái niệm phân quyền hay giao quyền và Luật cần định nghĩa rõ đâu là quyền của Trung ương, đâu là quyền của địa phương.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Quyền của Thủ tướng Chính phủ không phân cho ai cả, quyền của Chủ tịch cũng không phân cho ai. Địa phương cũng phải làm theo đúng quyền đã quy định. Có thể giao quyền, ủy quyền nhưng phải chịu trách nhiệm".
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, chúng ta chưa đưa ra nội hàm rõ nên dễ bị nhầm lẫn; đã đưa ra phân quyền, nhưng chưa định nghĩa rõ đâu là địa phương, đâu là Trung ương sẽ dẫn đến rắc rối trong quá trình điều hành.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Luật quy định những quy tắc chung, nhưng đảm bảo được yêu cầu về mục tiêu quản lý Nhà nước, vừa kiến tạo để phát triển. Đồng thời, Luật đã thống nhất nguyên tắc căn bản, đó là lấy con người làm trung tâm, tất cả vì mục tiêu cho sự phát triển của con người.
Tư duy đột phá nhất trong Luật này là hoàn thiện được nguyên tắc phân cấp ủy quyền theo chủ trương của Đảng và Hiến pháp để tạo sự chủ động, đặc biệt cho chính quyền địa phương. Qua đó, tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ rào cản về phân cấp, phân quyền, phân định cụ thể các trách nhiệm. Đây là vấn đề mới, mang tính lịch sử và chưa có tiền lệ.
Về nhóm vấn đề phân cấp, phân quyền, người đứng đầu Bộ Nội vụ nhấn mạnh, đây cũng là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Bộ Nội vụ xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu để đảm bảo được sự liên thông giữa Luật Tổ chức Chính phủ với Luật Chính quyền địa phương, sao cho các luật có liên quan được rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện.
Bộ trưởng Bộ nội vụ cho biết, tất cà những nội dung này sẽ được hoàn thiên, sửa đổi, chỉnh lý, bổ sung để có được dự án luật tốt nhất. Việc thông qua được dự án luật nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng về việc phân cấp, phân quyền đang hiện hữu, chồng chéo trong các luật chuyên ngành. Do vậy, khi được thông qua, dự thảo luật sẽ giải quyết được những vướng mắc nêu trên.