Cần có cơ chế về trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước nhân dân

Trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nội dung về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ đã nêu nguyên tắc công khai, minh bạch, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, không có cơ chế cụ thể để thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước nhân dân.

Lập ranh giới rõ ràng giữa phân quyền và phân cấp

Sáng 14/2, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đồng tình và đánh giá cáo việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới đổi mới sáng tạo và vươn mình của dân tộc.

Để hoàn thiện dự thảo, đại biểu góp ý tại Khoản 5 Điều 5 dự thảo đã nêu nguyên tắc công khai, minh bạch, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, không có cơ chế cụ thể để thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước nhân dân.

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu ý kiến

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu ý kiến

Theo đại biểu, việc minh bạch thông tin và giải trình chính sách vẫn còn nhiều hạn chế trong thực tế. Do đó, cần bổ sung quy định về cơ chế trách nhiệm giải trình với nội dung “Chính phủ có trách nhiệm giải trình công khai trước nhân dân và Quốc hội về các chính sách lớn, thông qua các báo cáo định kỳ, phiên chất vấn công khai, và cơ chế phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức”.

Về nguyên tắc phân định thẩm quyền, đại biểu chỉ ra khoản 3 Điều 6 quy định Chính phủ hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền nhưng chưa làm rõ ranh giới giữa phân quyền (trao quyền quyết định độc lập) và phân cấp (trao quyền thực hiện nhưng vẫn chịu sự chỉ đạo từ trên xuống).

Nếu không có ranh giới rõ ràng, đại biểu cho rằng có thể xảy ra tình trạng Chính phủ vẫn can thiệp sâu vào công việc của địa phương, làm giảm tính chủ động của chính quyền địa phương.

Có cơ chế xử lý trách nhiệm khi Bộ trưởng hoàn thành nhiệm vụ

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, Khoản 7 Điều 6 quy định phải bảo đảm quyền lực nhà nước được kiểm soát hiệu quả, nhưng chưa làm rõ cơ chế kiểm soát giữa Chính phủ với Quốc hội, Tòa án, Viện Kiểm sát. Hiện nay, cơ chế giám sát Chính phủ chủ yếu dựa vào Quốc hội, trong khi vai trò giám sát của Tòa án, Viện Kiểm sát còn hạn chế.

Từ đó, đại biểu đề xuất bổ sung Khoản 8 Điều 6 quy định: “Chính phủ phải bảo đảm quyền lực được kiểm soát hiệu quả thông qua cơ chế giám sát giữa Chính phủ, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan kiểm toán nhà nước. Cơ chế giám sát này phải được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật liên quan”.

Từ đó, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm "phân quyền" và "phân cấp" theo hướng: phân quyền là chính quyền địa phương có quyền quyết định độc lập trong một số lĩnh vực. Phân cấp là việc chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ, nhưng vẫn chịu sự giám sát.

Đối với quy định Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, đại biểu nhận xét dự thảo vẫn chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các Bộ trưởng trong trường hợp Bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Thực tế, đại biểu chỉ ra, đã có nhiều trường hợp Bộ trưởng bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng. Do đó, cần bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với Bộ trưởng. Chẳng hạn, nếu Bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của Bộ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.

Phân quyền cho địa phương để giải phóng các nguồn lực cho phát triển

Đồng tình cao với nhiều nội dung mới của dự thảo, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh nội dung về phân quyền. Theo đó, chính quyền địa phương được đề xuất với cơ quan có thẩm quyền.. xem xét, quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại hội trường

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại hội trường

Theo đại biểu, đây là tư duy mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được Luật hóa, mà hiện nay nhiều địa phương đang rất cần để giải phóng các nguồn lực đang bị kìm hãm bởi các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, để tổ chức triển khai thực hiện suôn sẻ và thông suốt các nội dung phân quyền này là hết sức khó khăn, đại biểu chia sẻ.

Bởi lẽ thời gian qua, lãnh đạo nhiều địa phương đã có văn bản đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất trực tiếp tại các cuộc họp của Đoàn công tác Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến làm việc với các địa phương… Sau đó, có thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, nhà nước tại các cuộc họp đó, nhưng cũng không thể triển khai thực hiện được. Lý do là đại diện các cơ quan có thẩm quyền cho rằng, những nội dung đó chưa được quy định phân quyền cho địa phương thực hiện. “Cuối cùng, điểm nghẽn cũng chỉ là điểm nghẽn”, đại biểu nói.

Từ thực tế này, đại biểu đề xuất cần bổ sung nội dung vào Điều 18 của Dự thảo Luật về Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết, đồng thời phải bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này.

Có như vậy, việc phân quyền mới thực sự hiệu quả và các điểm nghẽn mới được tháo gỡ, các nguồn lực… mới có thể được giải phóng tốt nhất, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đại biểu nêu rõ.

Ngoài ý kiến mà các đại biểu phát biểu về nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục tập trung rà soát thật kỹ lưỡng các nội dung của dự án Luật Tổ chức Chính phủ với các dự án Luật, Nghị quyết được trình trong cùng kỳ họp, nhất là giữa Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi cao.

Bởi lẽ, đây là 1 trong 4 dự án Luật rất quan trọng được trình Quốc hội trong kỳ họp này, nhưng hồ sơ được chuẩn bị trong thời gian rất ngắn, chuyển cho đại biểu nghiên cứu đóng góp trong thời gian cực kỳ ngắn. Điều này làm cho đại biểu Quốc hội rất lo lắng về sự mâu thuẫn, chồng chéo có thể xảy ra…/.

Theo chương trình, dự kiến sáng ngày 18/2 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua để Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 1/3/2025.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-co-co-che-ve-trach-nhiem-giai-trinh-cua-chinh-phu-truoc-nhan-dan-170490.html
Zalo