Phân loại doanh nghiệp để có chính sách tương ứng

Đồng tình với việc cần điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay để tạo nền tảng tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới, đại biểu Quốc hội đề nghị, để đạt được mục tiêu này, cần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển. Muốn vậy, nên phân loại doanh nghiệp theo quy mô để có chính sách tương ứng.

“Cuộc tập dượt” để bước lên ngưỡng tăng trưởng mới

Tại Phiên thảo luận tổ chiều 14.2 của Tổ 4 gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang (ĐBQH Hải Phòng) cho biết: việc đề ra mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay giống như một cuộc tập dượt để bước lên ngưỡng tăng trưởng mới hai con số trong nhiều năm tới. Kinh nghiệm tại Nhật Bản cho thấy, nước này đã từng tăng trưởng hai con số trong 18 năm liên tiếp; tương tự, Trung Quốc có tới 13 – 14 năm.

Sở dĩ nói đây là cuộc tập dượt, theo đại biểu là bởi hai lý do. Một là, để hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào 2045, cần phải tăng trưởng hai con số trong thời gian dài. Hai là, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2010, mức này vào khoảng 1.000 – 12.000 USD/người/năm, hiện chúng ta vào khoảng hơn 4.000 USD/người và phải cố gắng vượt qua.

 Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang (ĐBQH Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Viết Chung

Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang (ĐBQH Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Viết Chung

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, đại biểu Trần Lưu Quang cho rằng, cần tập trung cho 3 đột phá: thể chế, nhân lực và hạ tầng.

Trong đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia “có thể coi là con đường ngắn nhất để đưa nước ta đến tương lai tươi sáng”; cùng với đó, việc tinh gọn bộ máy để bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của tháo gỡ về thể chế, đại biểu bổ sung, cần nhận diện rất rõ ràng về giải pháp, xác định được năm 2025 phải làm thế nào để cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng.

 ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Trần Thu

ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Trần Thu

ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Nhấn mạnh năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đại biểu cho rằng, việc đề ra các mục tiêu theo Đề án là phù hợp và có cơ sở thực hiện. Bởi lẽ, tăng trưởng GDP của năm 2024 đạt 7,09%, chỉ cần phấn đấu tăng thêm 0,91% trong năm nay.

Tuy vậy, theo đại biểu, khi điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay cần cân nhắc điều chỉnh quy mô GDP (theo Đề án là trên 500 tỷ USD).

Nên phân chia giải pháp trước mắt và lâu dài

Cho rằng việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng là rất cần thiết, bởi nếu không sẽ không thể đạt các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ĐBQH Lê Tiến Châu (Hải Phòng) cho rằng, điều quan trọng là phải xác định nguồn lực, động lực, cách làm.

Đại biểu phân tích, trong các chỉ tiêu phân công giao nhiệm vụ của Thủ tướng cho các vùng thì Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng phải đạt mức tăng trưởng cao nhất là 13%, thấp nhất là đồng bằng sông Cửu Long 7%.

 ĐBQH Lê Tiến Châu (Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Trần Thu

ĐBQH Lê Tiến Châu (Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Trần Thu

Đặt trong bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực không chỉ cho riêng Việt Nam, do đó diện tích đất lúa phải được bảo đảm, trong khi sản xuất nông nghiệp rất bấp bênh. Như vậy, chỉ có thể phát triển dựa vào công nghiệp, cụ thể là công nghiệp chế biến.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng sống và làm việc tại đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Lê Tiến Châu cho biết, trong vùng có nhiều khu công nghiệp nhưng khó khăn trong mời gọi đầu tư, vì chi phí logistics rất lớn.

"Nếu không cẩn thận, đến một lúc nào đó, khu công nghiệp ở vùng này sẽ là bãi rác công nghiệp, vì muốn có tăng trưởng sẽ phải thu hút công nghiệp bằng mọi giá, và khi đó sẽ phải trả giá quá lớn", đại biểu lo ngại.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5.2.2025, trong đó giao cụ thể mục tiêu tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Theo đại biểu Lê Tiến Châu, mỗi địa phương cần phải tìm ra nguồn lực của mình.

 Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ 4 chiều 14.2. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ 4 chiều 14.2. Ảnh: Quang Khánh

Từ kinh nghiệm của Hải Phòng, đại biểu Lê Tiến Châu cho rằng, một là, phải có thể chế, chính sách đặc thù. Từ khi triển khai 5 cơ chế đặc thù, dù trải qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, bão số 3 (bão Yagi) hồi tháng 9.2024, tốc độ tăng trưởng của Hải Phòng vẫn duy trì trên 10%; năm 2024 đánh dấu 10 năm liên tục thành phố tăng trưởng hai con số. Xác nhận mức tăng trưởng này có nhiều yếu tố, song theo đại biểu, thể chế là nguồn lực đóng vai trò rất quan trọng.

Chúng ta đã có 10 năm triển khai cơ chế đặc thù. Do đó, nên nghiên cứu đánh giá mở rộng phạm vi cơ chế chính sách đặc thù, đó chính là nguồn lực vô cùng quan trọng, đại biểu Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Hai là, nguồn lực về tài chính bởi yêu cầu đầu tư rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng cao. Muốn vậy, chỉ có nguồn lực đi vay hoặc nguồn lực trong dân. Đối với đi vay thì Trung ương đã cho chính sách trần nợ vay linh hoạt, song đại biểu lưu ý, cần làm rõ linh hoạt như thế nào, cho địa phương nào?

Đối với nguồn lực trong dân hiện rất lớn. Để huy động, không phải là tăng lãi suất, mà quan trọng là phải có chính sách để người dân cùng tham gia đầu tư với Nhà nước, đại biểu đề nghị.

Ba là, hiện tăng trưởng và xuất khẩu của chúng ta chủ yếu dựa vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Chúng ta chưa tận dụng được các ưu thế của FDI, chủ yếu giải quyết vấn đề lao động là cơ bản, còn chuyển giao công nghệ “hầu như không”, cũng không phát triển được công nghiệp phụ trợ. Muốn phát triển phải phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, hiện nay, khoảng trên 90% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, trong đó có tới 80% là siêu nhỏ. Song, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đang “đánh đồng” doanh nghiệp. Với cơ chế, chính sách như hiện nay thì doanh nghiệp siêu nhỏ không thể hấp thụ được, và khi đánh giá lại thì không khai thác được nguồn lực này.

Từ phân tích trên, đại biểu Lê Tiến Châu đề nghị cần phân loại doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ để có chính sách phù hợp. Khi doanh nghiệp trong nước phát triển sẽ đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng.

 ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) phát biểu. Ảnh: Trần Thu

ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) phát biểu. Ảnh: Trần Thu

Tán thành với điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trên 8%, ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) cho rằng, phần lớn giải pháp trong dự thảo đề án mang tính dài hạn, trong khi chỉ còn 10 tháng nữa là kết thúc năm 2025. Do vậy, đại biểu đề nghị cần cơ cấu lại giải pháp, nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện trong năm nay và giải pháp dài hạn.

Trong đó, với giải pháp cấp bách, cần ưu tiên giải pháp đã có hoặc hiện giờ đã có hiệu quả bước đầu, và tăng cường thêm chính sách hỗ trợ như đẩy mạnh đầu tư công; hay với các dự án đang vướng mắc thì cần đẩy nhanh tháo gỡ; có giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu nông sản “triệu đô” như sầu riêng…

Minh Châu

8

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phan-loai-doanh-nghiep-de-co-chinh-sach-tuong-ung-post404568.html
Zalo