Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi: Thu hẹp đối tượng được cấp thẻ nhà báo
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) để lấy ý kiến. Tại dự thảo này, Bộ TT&TT đã đề xuất hàng loạt điểm mới trong quy định về cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, việc cấp, đổi thẻ nhà báo, công tác quản lý Nhà nước về báo chí…
Theo Bộ TT&TT, Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Tại thời điểm ban hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Luật Báo chí quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.
Tuy nhiên sau hơn 7 năm thi hành, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí và sự phát triển của khoa học, công nghệ, truyền thông.
Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật Báo chí sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí kịp thời, phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.

Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi sẽ giúp hoạt động báo chí được chuyên nghiệp và hiện đại. Ảnh minh họa.
Với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, quy định ngắn gọn theo hướng các nguyên tắc quản lý. Trên cơ sở đó, bố cục của Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi gồm 5 Chương, 53 Điều (giảm 1 Chương, 8 Điều so với Luật Báo chí năm 2016). Một trong những điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi là quy định mới về đối tượng được cấp, đổi thẻ nhà báo.
Theo đó, những người làm việc trong cơ quan báo chí là phóng viên, biên tập viên thì được xét cấp thẻ nhà báo. Những người làm việc tại tạp chí khoa học không được cấp thẻ nhà báo. Thời hạn sử dụng thẻ nhà báo là 5 năm tính từ ngày cấp thẻ và được ghi trên thẻ.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi bổ sung “kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng”, “xuất bản báo chí trên không gian mạng” vào khái niệm báo chí và sản phẩm báo chí. Việc sửa đổi này để phù hợp việc bổ sung quy định hoạt động báo chí trên không gian mạng. Dự thảo cũng bổ sung khái niệm tạp chí để phân biệt rõ báo, tạp chí.
Cụ thể, tạp chí là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tải tin, bài có tính chất chuyên biệt, chuyên ngành, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ theo tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép. Tạp chí chỉ cập nhật tin tức, sự kiện về hoạt động của cơ quan chủ quản (bao gồm tạp chí in và tạp chí điện tử).
Về công tác quản lý báo chí, vai trò này sẽ được chuyển từ Bộ TT&TT thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Bộ này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về báo chí. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ VHTTDL thực hiện quản lý Nhà nước về báo chí. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về báo chí đối với cơ quan báo chí của địa phương, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương và các hoạt động khác theo quy định của Chính phủ. Bộ VHTTDL cũng sẽ là cơ quan cấp, đổi thẻ nhà báo.
Về lãnh đạo cơ quan báo chí, Dự thảo quy định, người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng biên tập (đối với báo in,tạp chí in, báo điện tử, tạp chí điện tử), là Tổng giám đốc hoặc Giám đốc (đối với báo nói, báo hình). Cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí là Phó Tổng biên tập (đối với báo in, tạp chí in, báo điện tử, tạp chí điện tử), là Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc (đối với báo nói, báo hình). Người đứng đầu Tổ hợp báo chí truyền thông là Tổng giám đốc. Người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí không được đảm nhiệm chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí khác.
Đối với cơ quan chủ quản báo chí, Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi cũng bổ sung một số quyền hạn, nhiệm vụ đối với cơ quan báo chí như: Cơ quan chủ quản có quyền bổ nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí sau khi có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ VHTTDL, đồng thời có quyền miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí theo quy định. Về nhiệm vụ, cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm đảm bảo điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất và tài chính để cơ quan báo chí hoạt động đúng quy định trong giấy phép hoạt động báo chí; có trách nhiệm giải quyết các vấn đề tài chính, tài sản, lao động, bảo hiểm, nghĩa vụ thuế và các vấn đề khác để chấm dứt hoạt động cơ quan báo chí khi cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép.