Bảo vệ an toàn cho người sử dụng phương tiện xe gắn máy

Xe gắn máy hiện vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, với khoảng 77 triệu chiếc được đăng ký (tính đến hết năm 2024). Chính vì sự phổ biến và xu hướng sử dụng xe gắn máy, cùng những đặc thù về giao thông vận tải tại Việt Nam, việc triển khai các giải pháp nâng cao an toàn cho người sử dụng phương tiện xe gắn máy là vấn đề có ý nghĩa rất lớn với hàng triệu người dân và chắc chắn sẽ góp phần nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam.

Xe gắn máy hiện là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam. (Ảnh SƠN TÙNG)

Xe gắn máy hiện là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam. (Ảnh SƠN TÙNG)

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành, trong tương lai (đến năm 2030 và cả những năm tiếp theo), khi thu nhập tiếp tục tăng thì khả năng cao xe gắn máy sẽ vẫn được sở hữu và sử dụng làm phương tiện giao thông.

Tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dù đứng đầu cả nước về hệ thống giao thông công cộng, nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 10-15% nhu cầu của người dân, mật độ đường giao thông và số lượng xe buýt trên một triệu dân vẫn thấp hơn nhiều lần các thành phố châu Á khác. Nếu tốc độ mở rộng mạng lưới đường, phương tiện vận tải công cộng như hiện tại, trong vòng 10 năm tới, xe gắn máy vẫn sẽ tiếp tục là phương tiện đi lại chủ yếu của nhiều người dân.

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, xe gắn máy có liên quan tới khoảng 65%-70% số vụ tai nạn giao thông, dù không phải tất cả trong số này, xe gắn máy đều là nguyên nhân.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về chính sách, hạ tầng,… giúp giảm thương tật và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông hơn 40% trong giai đoạn 2010-2021. Tuy vậy, Việt Nam và một số nước vẫn cần những giải pháp mạnh mẽ bảo đảm an toàn cho người sử dụng phương tiện xe gắn máy. WHO cam kết sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam và các quốc gia, trong đó đặc biệt quan tâm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy.

Đại diện WHO cho biết, tai nạn giao thông hầu hết xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, khiến 50 triệu người bị thương, tàn tật vĩnh viễn, để lại nhiều hậu quả cả trong ngắn hạn và dài hạn. Việt Nam đã thành công lớn trong việc thúc đẩy đội mũ bảo hiểm nhờ các biện pháp kết hợp, từ sản xuất mũ bảo hiểm đến bán và thực thi.

Tuy nhiên, khoảng 60% số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ vẫn liên quan đến xe gắn máy và khoảng 75% trong số đó bị chấn thương ở đầu. Các quốc gia trên thế giới đã chứng minh một số giải pháp can thiệp có hiệu quả là thiết kế làn đường riêng cho xe gắn máy. Các phương tiện xe gắn máy cần phải có hệ thống chống bó cứng phanh. Người điều khiển xe, bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn. Theo WHO, đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn đúng cách có thể giảm 42% nguy cơ tử vong trong tai nạn và giảm 70% nguy cơ bị thương nặng.

Các chuyên gia đánh giá, trong khoảng 30 năm nữa, xe gắn máy vẫn là phương tiện chủ yếu của người dân Việt Nam. Do đó, cần sớm đưa ra cách tiếp cận vấn đề an toàn cho người sử dụng xe gắn máy từ ba khía cạnh: phương tiện, hạ tầng và con người. Các yếu tố rủi ro chính gây thương tích do va chạm xe gắn máy gồm: không đội mũ bảo hiểm, tốc độ xe, sử dụng rượu bia, điều kiện giao thông hỗn hợp, xe không được bảo vệ trong trường hợp xảy ra va chạm và thiếu hạ tầng an toàn cho xe 2 và 3 bánh (như mặt đường kém và nguy hiểm ven đường).

Ông Lê Văn Đạt (Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải) cho biết, chỉ tính riêng năm 2023, số vụ tử vong liên quan tai nạn xe gắn máy chiếm hơn 90% tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông. Nguyên nhân là tỷ lệ người sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn vẫn còn cao, nhất là tại các vùng nông thôn. Ngay ở Hà Nội có khoảng 19% người sử dụng xe gắn máy cũng sử dụng mũ bảo hiểm không đạt yêu cầu.

Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra một thực tế: Sau nhiều năm, cả hạ tầng và phương tiện giao thông đã có thay đổi rất lớn, nhưng chương trình đào tạo, sát hạch vẫn giữ nguyên, không đáp ứng được bối cảnh thực tế hiện nay.

Phần thi thực hành trong chương trình đào tạo, sát hạch bằng lái xe gắn máy vẫn chỉ yêu cầu người học đi theo vòng số 8, số 3. Phần thi lý thuyết cho xe gắn máy cũng giảm nhẹ rất nhiều so với sát hạch ô-tô, trong khi độ an toàn cho người sử dụng xe gắn máy thấp hơn, đòi hỏi nhiều kỹ năng điều khiển hơn trong những môi trường phức tạp hơn.

Các vụ tai nạn giao thông xảy ra với người sử dụng xe gắn máy thường do qua đường thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ; chuyển hướng không quan sát,... Trong khi đó, nhiều tuyến quốc lộ không có làn đường dành cho xe thô sơ, trục đường đô thị đang được duy trì mô hình giao thông hỗn hợp,… chính là những yếu tố gây tỷ lệ tai nạn với xe gắn máy rất cao.

Đặc biệt, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao đối với nhóm học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện, nhưng chưa được trang bị kiến thức, nắm vững các kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Từ những vấn đề nêu trên, các chuyên gia kiến nghị cơ quan quản lý cần nghiên cứu, cải thiện an toàn giao thông cho người sử dụng xe gắn máy; bổ sung, điều chỉnh chương trình đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe gắn máy. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch xây dựng, ban hành thông tư quy định quy trình giáo dục, đào tạo về an toàn giao thông trong trường học, bắt buộc phải tổ chức thi chương trình này đối với học sinh,...

MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-ve-an-toan-cho-nguoi-su-dung-phuong-tien-xe-gan-may-post860186.html
Zalo