Phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023
Tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương từ nay tới hết năm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, đẩy nhanh phê duyệt các quy hoạch.
Các đơn vị phải ịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng Quốc gia; phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023.
Nội dung trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, ngày 6/12.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực
Người phát ngôn của Chính phủ cho biết tại Phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài, nhất là tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường (xung đột tại Ukraina, Dải Gaza kéo dài, đầu tư, thương mại toàn cầu suy giảm, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng...), song dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,25% so với tháng 10, bình quân 11 tháng tăng 3,22% (thấp hơn nhiều mục tiêu khoảng 4,5% theo Nghị quyết của Quốc hội). Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm. Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng đạt gần 95% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn trên 172 nghìn tỷ đồng thuế, phí, tiền sử dụng đất (trong đó miễn, giảm khoảng 65 nghìn tỷ đồng), ước cả năm vượt mục tiêu đã đề ra (trong đó chủ yếu thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh).
Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 11, xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ; xuất siêu 1,28 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 10,3 tỷ USD). Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 3% so với tháng 10, tăng 5,5% so với cùng kỳ; tính chung 11 tháng tăng 1%. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định và tăng trưởng, tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế; xuất khẩu nông sản 11 tháng đạt 47,84 tỷ USD.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9%. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% so cùng kỳ (58,33%), số tuyệt đối cao hơn gần 123 nghìn tỷ đồng.
Thêm vào đó, phát triển doanh nghiệp đã tích cực hơn. Trong tháng 11 có khoảng 14.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,5% so cùng kỳ, số vốn đăng ký tăng 47%. Tính chung 11 tháng, cả nước có trên 201.500 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 3,5% (10 tháng tăng 2,9%). Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 108/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đánh giá tình hình chính trị-xã hội ổn định. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tốt và khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như sức ép lạm phát trên thế giới còn cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tiếp cận vốn tín dụng, hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khó khăn. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Sản xuất kinh doanh, đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó; thiên tai, bão lũ, thời tiết cực đoan, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển… diễn biến khó lường.
Quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; phấn đấu, quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để đạt được mục tiêu là kết quả năm 2023 phải tốt hơn năm 2022.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ, hiệu quả, toàn diện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương; các Luật, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2024... đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023. Xử lý hiệu quả các tồn tại, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường, nhất là bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, lao động..., bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình.
Chính sách tiền tệ chủ động tiếp tục thực hiện linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách Nhà nước; phấn đấu tăng thu, kiểm soát chi, giảm chi thường xuyên, tiết kiệm triệt để chi ngân sách Nhà nước.
Các động lực tăng trưởng tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, tập trung đầu tư, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư, tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao. Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng. Về tiêu dùng, cần khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thực hiện kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu...
Đặc biệt cần lưu ý thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Thứ nhất, tăng cường liên kết giữa các vùng, liên kết cả nước, liên kết trong nước và quốc tế. Thứ hai, tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các ngành, lĩnh vực mới nổi như, sản xuất Chip, Hydrogen, chống biến đổi khí hậu, Tăng trưởng Xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn. Thứ ba, củng cố thị trường truyền thống đồng thời mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ.
Đặc biệt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt các quy hoạch. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023. Phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng gắn với xúc tiến đầu tư.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... đã ban hành. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về công nghiệp, tập trung thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu.
Về nông nghiệp, tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các mặt hàng nông sản chất lượng, giá trị gia tăng cao; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Về dịch vụ, du lịch, quan tâm phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm; tiếp tục nghiên cứu mở rộng chính sách miễn visa đối với một số nước.
Làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm; có giải pháp hỗ trợ kịp thời, ổn định đời sống người lao động. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cấp cơ sở. Quyết liệt thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn cả nước.
Các đơn vị phải triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách; đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý nghiêm các sai phạm.../.