Ðột phá với bộ máy nhà nước

Những ngày qua, hàng trăm cán bộ lãnh đạo các cấp trong cả nước đã xin nghỉ hưu trước tuổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tinh gọn bộ máy, nhường chỗ cho thế hệ trẻ… Chưa bao giờ tinh thần trách nhiệm, hy sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu cải cách hành chính được lan tỏa rộng rãi như thời điểm này.

Một số cơ quan chức năng sáp nhập, một số cơ quan kết thúc hoạt động, nhiều ngành bỏ cấp trung gian… Với tinh thần “thần tốc, chỉ bàn làm, không bàn lùi”, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra rộng khắp trong cả nước, từ Trung ương đến địa phương.

Hàng trăm cán bộ là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp sở, cấp huyện… tình nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi, đã trở thành tấm gương sáng cho cả xã hội. Đặc biệt, điều đó đã và đang truyền đi thông điệp, khích lệ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám nhường lại lợi ích cá nhân vì lợi ích chung tập thể, vì bộ máy nhà nước mà mình đã bao năm phục vụ. Và chính những cán bộ lùi lại phía sau ấy, theo một cách thức khác, họ cũng đang chung tay xây dựng một nền công vụ hoạt động hiệu quả hơn, góp phần tích cực nâng cao uy tín, niềm tin của nhân dân với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Trùng hợp thời điểm này, bên kia bán cầu, nước Mỹ cũng triển khai kế hoạch tinh gọn bộ máy. Đã có hơn 40.000 nhân viên chính quyền Liên bang Mỹ thông báo về việc sẵn sàng nghỉ việc theo kế hoạch cắt giảm. Hạn chót đăng ký đến ngày 6-2-2025 và được hưởng 7 tháng lương.

Nước Mỹ có dân số 335 triệu người, năm 2024, GDP 29.170 tỷ USD, nhân viên chính quyền liên bang khoảng 2,2 triệu người. Thêm một sự trùng hợp nữa, khoảng 2,2 triệu cũng là số lượng công chức, viên chức các cấp của Việt Nam. Thế nhưng nước ta chỉ có 100 triệu dân, GDP năm 2024 chỉ 476 tỷ USD.

Dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng. Song không thể phủ nhận, không thể không nhìn thẳng thực tế bộ máy nước ta hiện nay quá cồng kềnh, tỷ lệ cán bộ, công chức/số dân lớn hơn rất nhiều so với hầu hết các nước trên thế giới.

Thảo luận tại tổ ngày 26-10-2024 trong chương trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Trên thế giới chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhiều như Việt Nam. Cũng chưa có đất nước nào chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy lớn như Việt Nam, chiếm đến 62%, không còn nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển.

Hệ thống chính trị cồng kềnh, nhiều tầng lớp, nhiều đầu mối, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới, tiêu tốn nhiều nguồn lực. Vì thế tinh gọn bộ máy là chiến lược quan trọng, là đòi hỏi không thể chậm hơn của nước ta hiện nay.

Đây là một quá trình đầy thách thức vì nó chạm đến quyền và lợi ích cá nhân, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Và trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, cùng với chính sách phù hợp cho cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, còn cần làm thế nào tránh tình trạng "chảy máu chất xám" cũng như nhiều vấn đề khác đặt ra, là bài toán không dễ. Nhưng đây cũng là đột phá của đột phá đối với bộ máy hiện nay, là sự sàng lọc tự nhiên, bắt buộc đối với sự phát triển của một quốc gia.

Cuộc cách mạng tinh giản bộ máy hiện nay, rồi sẽ không chỉ là tự trọng lùi lại phía sau, là xin nghỉ hưu trước tuổi… mà là một cuộc cách mạng toàn diện, sâu rộng tất cả lĩnh vực của hệ thống chính trị. Bởi đó còn là một trong những yêu cầu khác nữa đặt ra, yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/169045/dot-pha-voi-bo-may-nha-nuoc
Zalo