Linh hoạt hướng đi cho doanh nghiệp xuất khẩu giữa hiện hữu biến động thuế quan
Nhìn từ câu chuyện Mỹ vừa áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu đang buộc các nhà xuất khẩu thép Việt có những cú 'bẻ lái' phù hợp (chẳng hạn như tận dụng sức bật ở thị trường nội địa). Giữa hiện hữu biến động thuế quan ở Mỹ, việc chủ động thích ứng tức thời và linh hoạt hướng đi của các doanh nghiệp xuất khẩu là rất quan trọng.
Trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế với toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ sẽ là 25% (sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3/2025), để ứng phó tốt với biến động thuế quan này, nhiều nhà phân tích khuyến nghị hướng đi cần thiết cho các doanh nghiệp (DN) thép của Việt Nam trong lúc này là nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (XK). Tức là các DN nên tìm kiếm thêm thị trường XK thép thành phẩm và phôi thép mới để giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, trong đó có Mỹ.
Từ cú “bẻ lái” phù hợp cho ngành thép
Về việc đa dạng hóa thị trường cho XK thép, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cũng có lời khuyên cho các DN Việt Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng XK sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_594_51453845/9c633330057eec20b56f.jpg)
Giữa biến động thuế quan ở Mỹ, cácnhà sản xuất thép của Việt Nam nên táo bạo tái cơ cấu một cách toàn diện và sâu rộng về lượngvà chất.
Ngoài ra, theo giới chuyên gia, các DN trong ngành thép cần tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho chuỗi giá trị bền vững và giảm thiểu rủi ro. Nhất là bằng mọi cách duy trì kế hoạch sản xuất hợp lý để phát huy công suất thiết bị nhằm giảm giá thành, tránh co cụm tiết giảm kế hoạch sản xuất. Họ cũng nên nghiên cứu đổi mới chính sách bán hàng cho phù hợp với tình hình mới, táo bạo tái cơ cấu một cách toàn diện và sâu rộng về lượng và chất.
Bên cạnh đó, trước biến động thuế quan hiện hữu tại Mỹ, với các DN thép Việt, thị trường nội địa thời gian tới có thể sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng nhiều hơn so với XK. Bởi lẽ, các dự án trọng điểm trong năm 2025 như: Sân bay quốc tế Long Thành, Cảng quốc tế Cần Giờ, đường Vành đai 3, Cao tốc Bắc Nam…với áp lực giải ngân lớn sẽ là cơ hội cho các DN thép gia tăng sản lượng tiêu thụ.
Hơn nữa, về dài hạn, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ là động lực lớn cho ngành thép. Dự kiến, dự án này sẽ tiêu thụ khoảng 6 triệu tấn thép các loại, tất cả đều nằm trong khả năng sản xuất của các DN thép Việt Nam.
Bên cạnh đó, như nhận định từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Shinhan về triển vọng ngành thép trong năm 2025 này, đó là bất động sản dân dụng – thị trường tiêu thụ nội địa chính của ngành thép đang ghi nhận tín hiệu hồi phục theo từng quý. Không những vậy, áp lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư công là cơ hội lớn cho các DN thép. Kế hoạch đầu tư công năm 2025 là 790.727 tỷ đồng, tăng đáng kể so với kế hoạch 670.000 tỷ đồng của năm 2024. Qua đó, lượng vốn đầu tư công năm 2025 sẽ tăng khoảng 120.000 nghìn tỷ đồng so với năm trước.
Từ triển vọng của thị trường nội địa như vậy, đang cần các nhà XK thép có những cú “bẻ lái” phù hợp. Nhất là xâm nhập một số phân khúc trong nước mà còn bỏ ngỏ lâu nay. Mặt khác, việc theo dõi sát sao chính sách thương mại của Mỹ sẽ giúp các DN kịp thời điều chỉnh chiến lược để giảm thiểu rủi ro.
Ngoài vấn đề của ngành thép, với các nhà XK nói chung của Việt Nam, việc linh hoạt chọn hướng đi là rất quan trọng trong lúc này nhằm tránh bị động trước những biến động thuế quan từ chính quyền Mỹ trong thời gian tới.
Theo Ts. Haji Suleman Ali, chuyên gia kinh tế (Đại học RMIT), nếu như các DN Việt Nam gia tăng phụ thuộc hoạt động XK vào thị trường Hoa Kỳ có thể khiến họ phải chịu rủi ro liên quan đến những thay đổi chính sách đột ngột hoặc thay đổi thuế quan tiếp theo.
Ts. Ali lo ngại các nhà XK Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với việc các đối tác thương mại khác áp thuế quan trả đũa nếu như căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. Điều này có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường và lợi nhuận trong dài hạn của họ.
Đến chủ động thích ứng tức thời
Và để ứng phó với tình huống biến động, theo Ts. Haji Suleman Ali, các cơ quan quản lý có thể cân nhắc các biện pháp chính sách tức thời nhằm duy trì khả năng cạnh tranh XK. Việc cung cấp ưu đãi thuế tạm thời hoặc trợ cấp cho các DN xuất khẩu có thể giúp bù đắp cho mức gia tăng chi phí mà biến động tỷ giá hối đoái và giá nhập khẩu tăng có thể gây ra.
“Bên cạnh đó, Chính phủ cần triển khai nhanh chóng các chương trình đa dạng hóa xuất khẩu, hỗ trợ các DN Việt Nam khám phá các thị trường mới bên ngoài Hoa Kỳ để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và giảm thiểu rủi ro về chính sách,” Ts. Ali nói.
Còn trong dài hạn, vị chuyên gia này cho rằng việc đàm phán và ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại với các nước khác có thể giúp Việt Nam mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và giảm sự phụ thuộc vào nhu cầu của Hoa Kỳ, cũng như bình ổn hóa các cơ hội XK.
Còn theo Ts. Scott McDonald, chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng và logistics, mặc dù vấn đề thuế quan đặt ra nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để thúc đẩy làn sóng đổi mới và nâng cao chất lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam. Sự chuyển mình này có thể làm nổi bật vai trò của Việt Nam như một đối tác thương mại quan trọng hơn đối với Hoa Kỳ trong tương lai.
Ts. McDonald chỉ rõ có nhiều giải pháp chiến lược có thể làm thay đổi đáng kể vị thế XK của Việt Nam trong thập kỷ tới, đặc biệt là chuyển đổi từ cạnh tranh về giá thành sang cạnh tranh bằng giá trị. Các DN sản xuất Việt Nam sẽ thu được lợi ích lớn khi đầu tư vào công nghệ tiên tiến và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, giúp từng bước vươn lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Riêng với những DN vẫn ưu tiên XK vào thị trường Hoa Kỳ, Ts. Lê Cao Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Trường Đại học Công Thương Tp.HCM, chỉ ra vấn đề cần khắc phục trước những rủi ro về chính sách bảo hộ sản xuất từ Hoa Kỳ, tình trạng kiện tụng từ các DN Hoa Kỳ diễn ra khá phổ biến nhưng năng lực hiểu biết pháp luật Hoa Kỳ cũng như kinh nghiệm xử lý tranh chấp của các DN Việt chưa cao nên dễ rơi vào trạng thái bị động, chi phí cao, thời gian kéo dài.
Mặt khác, Ts. Thanh cho rằng trong tình huống Hoa Kỳ gặp quá nhiều vấn đề với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Nhật, EU, Ấn Độ…, một nền kinh tế tiềm năng và có sự ổn định như Việt Nam là một lựa chọn ưu tiên của Mỹ. Tình huống đó rất dễ xảy ra trong giai đoạn 2025-2030.
Vì thế, ông Thanh nhấn mạnh các DN Việt cần tập trung xây dựng một số chuỗi giá trị mang lại cho thị trường Mỹ những sản phẩm chất lượng chuẩn, giá rẻ hơn (so với các chuỗi giá trị cùng loại). Theo định hướng này, cần phát triển nguồn nhân lực và công nghệ, đặc biệt là công nghệ quản lý.