Cầu vốn tăng, tín dụng khởi sắc ngay từ đầu năm
Năm nay, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số giai đoạn tới, nên tín dụng ngân hàng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng để đạt mục tiêu này. Ngay từ đầu năm tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc, tạo đà 'cán đích' mục tiêu cả năm.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, thậm chí dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ cũng có thể cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép và đạt mục tiêu tăng trưởng.
Những lĩnh vực nào hút vốn?
Theo NHNN, trong giai đoạn đầu năm 2025, theo quy luật mùa vụ đầu năm và thời điểm Tết Nguyên đán, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chưa tăng nhanh nhưng đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ.
Đến ngày 3/2, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 0,6%). Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Một số lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế (nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 24%, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 18%) hoặc có tốc độ tăng trưởng tích cực (lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng lần lượt 24,7% và 34,18% so với cuối năm 2023).
![Đến ngày 3/2, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_594_51453788/fd498807be4957170e58.jpg)
Đến ngày 3/2, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý I/2025, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngắn hạn được dự báo “tăng” cao hơn trung dài hạn ở hầu hết các nhóm TCTD trong quý và cả năm 2025.
Các TCTD dự báo dư nợ tín dụng tổng thể của hệ thống ngân hàng tăng 3,4% trong quý I/2025 và tăng 14,2% trong năm 2025, điều chỉnh giảm 0,2 điểm % so với mức dự báo 14,4% tại kỳ điều tra trước.
Kỳ vọng của các TCTD là hoàn toàn có cơ sở, bởi các chuyên gia cho rằng bên cạnh tín dụng hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, thì bất động sản và hạ tầng cũng được coi là động lực tăng trưởng tín dụng năm nay. Ngoài ra, tín dụng xuất khẩu - đặc biệt là xuất khẩu nông sản - cũng được kỳ vọng tiếp tục duy trì được tốc độ tăng, ngay cả khi chiến tranh thương mại trên thế giới xảy ra.
Theo các chuyên gia, năm nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số giai đoạn tới, nên tín dụng ngân hàng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đẩy mạnh triển khai các dự án lớn, đầu tư công, do đó ngân hàng sẽ mở rộng tín dụng hướng vào các loại bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, bất động sản là vệ tinh của các đại dự án, trục giao thông công cộng như phát triển các nhà ga, đường sắt, các đô thị nhỏ...
Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, ngân hàng chỉ có thể đẩy mạnh cho vay nếu cầu tín dụng tăng trưởng. Năm 2024, ngành ngân hàng vẫn trong cảnh “đỏ mắt” tìm khách hàng. Hy vọng năm 2025, nếu nền kinh tế tăng trưởng, thì cầu vốn tăng lên. Khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% không còn là áp lực, mà sẽ là cơ hội cho các ngân hàng.
Theo ông Hùng, đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2025. Đầu tư công được triển khai hiệu quả sẽ kích thích sản xuất của khu vực tư nhân và của toàn nền kinh tế, kéo theo nhu cầu tín dụng tăng lên.
Tiến tới sẽ bỏ room tín dụng
NHNN cũng khẳng định năm 2025, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đảm bảo đủ vốn tín dụng phục vụ tăng trưởng cho nền kinh tế.
Về phương thức điều hành hạn mức tín dụng, năm 2024, NHNN đã đổi mới và năm 2025 tiếp tục đổi mới, tạo thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại. “NHNN sẽ kiểm soát cũng như đảm bảo tổng thể mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.
Cụ thể, để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, ngày 30/12/2024, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện. Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TCTD căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.
Các ngân hàng tin tưởng mức tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 như NHNN đặt ra hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, lãnh đạo một số ngân hàng kiến nghị cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.
Việc "tiến tới bỏ room tín dụng" cũng được Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại tổ chức ngày 11/2.
Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tiền tệ chủ động, đồng bộ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác. Việc này nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
"NHNN sẽ đổi mới biện pháp điều hành và có lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng", ông Tú thông tin.
Năm ngoái, NHNN đã bỏ "room" tín dụng với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các TCTD còn lại, cơ quan này rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức này. Song, vẫn có ý kiến lo ngại việc bỏ hẳn cơ chế "room" tín dụng hàng năm có thể khiến hệ thống quay lại cuộc đua tăng lãi suất huy động, cho vay và nợ xấu cao như trước năm 2011.