Quảng Hòa nâng cao giá trị nông sản
Nâng cao giá trị gia tăng qua chế biến; liên kết sản xuất; sản xuất theo tiêu chuẩn - quy chuẩn; xây dựng bao bì, nhãn mác cho các loại nông sản góp phần nhận diện thương hiệu trên thị trường; gắn với du lịch - dịch vụ. Qua đó, sản xuất nông nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực, giá trị gia tăng hằng năm tăng, góp phần nâng cao thu nhập, đa dạng hóa sinh kế của người dân.
Chè Đoỏng Pán, chè Lũng Sâu, đường phên Bó Tờ, dao Phúc Sen… giờ đây không còn là những sản phẩm xa lạ với người dân Cao Bằng. Không những thế, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ở các tỉnh, thành khác biết đến và lựa chọn tin dùng. Đó là kết quả của việc thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sản phẩm đặc sản và chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2020 - 2025 của huyện Quảng Hòa.
Hằng năm, huyện ban hành các kế hoạch về thực hiện lồng ghép các đề án, chương trình nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị, liên kết sản xuất nông nghiệp. Tập trung đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng các cây trồng hàng hóa hiện có; đối với cây trồng mới triển khai phải đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, dư địa thị trường. Một số cây trồng mới được triển khai gồm: thạch đen 20,6 ha, năng suất bình quân 60 tạ/ha, sản lượng 120 tấn; dưa hấu 39,1 ha, năng suất đạt 300 tạ/ha, sản lượng 1.173 tấn; cây chè trồng mới 13,4 ha, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 40 ha. Trồng mới 105 ha cây ăn quả các loại như: hồng không hạt, mít, bưởi da xanh..., nâng tổng diện tích cây ăn quả hiện có trên 504,3 ha. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các đề tài nghiên cứu, trước hết thực hiện mô hình thử nghiệm, có đánh giá hiệu quả mới tổ chức triển khai nhân rộng. Trong đó, triển khai các đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây mác púp tại Cao Bằng”; “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu cát sâm”; “Liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho sản phẩm đường phên của huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng”. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân; triển khai các mô hình trình diễn, mô hình thử nghiệm.
![Diện tích chè sản xuất với tiêu chuẩn hữu cơ tại xóm Lũng Sâu, xã Phúc Sen (Quảng Hòa).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_619_51453818/5ef3fda3cbed22b37bfc.jpg)
Diện tích chè sản xuất với tiêu chuẩn hữu cơ tại xóm Lũng Sâu, xã Phúc Sen (Quảng Hòa).
Trên địa bàn huyện hiện có 6 cây trồng chế biến, sơ chế: mía nguyên liệu, thuốc lá, chè, củ cải, thạch đen, cây trâu cổ (mác púp) giúp nâng cao giá trị nông sản. Tổng diện tích cây trồng tham gia vào chuỗi giá trị 3.528 ha, chiếm 27% đất sản xuất nông nghiệp (mía 2.504 ha, thuốc lá 250 ha, sắn 623 ha, dong riềng 109 ha, cây giang lấy lá 28 ha...). Tập trung thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), coi đây là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng thương hiệu của huyện, đồng thời góp phần để các chủ thể sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng thúc đẩy sản xuất phát triển. Hiện nay, toàn huyện có 32 sản phẩm OCOP đạt 3 sao; 5 sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap (rau xanh Bắc Hồng, quýt Quảng Hưng, su su Quốc Tuấn, củ cải Quốc Dân, rau dạ hiến) và trên 20 loại nông sản xây dựng được bao bì, nhãn mác, nhãn hiệu, thương hiệu nhận diện.
Đến nay, trên địa bàn có 19 doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, 13 hợp tác xã thành lập trong giai đoạn 2020 - 2024. Đẩy mạnh thực hiện việc liên kết sản xuất phù hợp với năng lực, tập quán canh tác của đa số nông dân, có 14 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (thuốc lá 3 doanh nghiệp, mía 2 doanh nghiệp, sắn 2 doanh nghiệp, ớt 1 doanh nghiệp, dong riềng 2 hợp tác xã; chuỗi trâu, bò 2 đơn vị...). Thành lập 230 tổ cộng đồng sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Với những giải pháp đồng bộ, đến nay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Giá trị ngành nông nghiệp năm 2024 đạt trên 1.032 tỷ đồng, tăng 3,17% so với năm 2023; giá trị sản xuất nông nghiệp 60,2 triệu đồng/ha. Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, sản xuất theo tiêu chuẩn, dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể, khuyến khích thành lập hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, nhóm sở thích. Xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ. Tăng cường huy động các nguồn vốn để nâng cao nguồn lực triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Rà soát các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của huyện, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP.