Ông Trump: Ukraine sẽ tham gia đàm phán hòa bình với Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/2 nói rằng Ukraine sẽ tham gia đàm phán hòa bình với Nga, dù Kiev nói rằng vẫn còn sớm để nói chuyện với Moscow...

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan năm 2018 - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan năm 2018 - Ảnh: Reuters.

Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump nói Ukraine sẽ có một ghế bên bàn đàm phán trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga về chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. “Họ là một phần của cuộc đàm phán. Chúng ta sẽ có Ukraine, chúng ta có Nga, và chúng ta sẽ có nhiều người tham gia, rất nhiều người”, ông Trump nói.

Khi được hỏi ông có tin tưởng ông Putin không, ông Trump đáp: “Tôi tin là ông ấy muốn chứng kiến điều gì đó xảy ra. Tôi tin tưởng ông ấy trong chủ đề này”.

CÁC BÊN ĐỀU TỎ RA SẴN SÀNG ĐÀM PHÁN

Ông Trump nói giới chức Mỹ và Nga sẽ gặp gỡ tại Munich vào ngày thứ Sáu (14/2) và Ukraine cũng được mời. Tuy nhiên, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng Kiev không có ý định đàm phán với phái Nga tại hội nghị an ninh thường niên ở Munich vào ngày thứ Sáu, và tin rằng Mỹ, châu Âu và Ukraine có lập trường chung trước khi đàm phán với Nga.

Ông Trump cũng nói với báo giới rằng sẽ có một cuộc gặp của quan chức cấp cao, dù chưa phải là lãnh đạo, từ ba quốc gia gồm Mỹ, Nga và Ukraine tại Saudi Arabia vào tuần tới nhằm kết thúc cuộc chiến ở Ukraine.

Cùng ngày thứ Năm, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã bàn về “sự cần thiết của ngoại giao táo bạo” để kết thúc chiến tranh trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Andrii Sybia - theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Thị trường tài chính Nga tăng điểm mạnh và giá trái phiếu Ukraine cũng bật tăng mạnh mẽ trước triển vọng sắp có những cuộc đàm phán đầu tiên sau mấy năm nhằm chấm dứt cuộc chiến nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tuy nhiên, việc ông Trump đơn phương thể hiện thiện chí với Nga, cùng với việc có vẻ như ông sẵn sàng nhượng bộ trong những yêu cầu chính của Ukraine, khiến cả Kiev và các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng Nhà Trắng có thể đi tới một thỏa thuận với Nga mà không có họ. “Là một quốc gia chủ quyền, chúng tôi sẽ không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà không có chúng tôi”, ông Zelenskiy nói.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói Ukraine “dĩ nhiên” sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng cũng sẽ có một luồng đàm phán song phương giữa Mỹ và Nga. Về phần mình, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã nói với Mỹ rằng nước này muốn đăng cai các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Giới chức châu Âu đang thể hiện một lập trường cứng rắn với việc ông Trump đưa ra thiện chí hòa bình với ông Putin, nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng không thể được thực thi trừ phi châu Âu và Ukraine tham gia vào đàm phán.

“Bất kỳ giải pháp nhanh nào cũng chỉ là một thỏa thuận bẩn”, trrưởng chính sách đối ngoại châu Âu Kaja Kallas phát biểu, đồng thời chỉ trích sự nhượng bộ rõ rệt mà ông Trump đưa ra trước với Nga.

Một nguồn tin ngoại giao châu Âu nói rằng các bộ trưởng của khu vực đã nhất trí tham gia vào một “cuộc đối thoại thẳng thắn và có yêu cầu rõ ràng” với giới chức Mỹ tại hội nghị an ninh khai mạc ở Munich vào ngày 14/2.

MONG MUỐN CỦA UKRAINE

Hôm 12/2, ông Trump lần đầu công khai thông tin rằng Nhà Trắng đã có cuộc điện đàm đầu tiên với ông Putin kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, sau đó là một cuộc điện đàm với ông Zelenskiy. Ông Trump nói ông tin rằng hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đều mong muốn hòa bình.

Chính quyền ông Trump cũng lần đầu tiên công khai nói rằng sẽ là phi thực tế nếu Ukraine mong muốn quay trở lại với đường biên giới quốc gia như năm 2014 hoặc gia nhập NATO như một phần trong bất kỳ thỏa thuận kết thúc chiến tranh nào. Giới chức Mỹ cũng nói lính Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ lực lượng an ninh nào ở Ukraine có thể được thiết lập để đảm bảo thực thi thảo thuận ngừng bắn nếu có.

Nhưng vào ngày 13/2, một quan chức cấp cao của Mỹ nói nước này sẽ không loại trừ khả năng Ukraine được gia nhập NATO hoặc có lại được đường biên giới như trước năm 2014 - phát biểu xung đột với những tuyên bố trước đó của Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ngày 13/2 nói thế giới may mắn có được ông Trump - “nhà đàm phán tốt nhất hành tinh, đưa hai bên ngồi lại với nhau để tìm kiếm một nền hòa bình đồng thuận”. Người phát ngôn Peskov của điện Kremlin nói Moscow “ấn tượng” trước việc ông Trump sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp cho chiến tranh.

Nga sáp nhập bán đảo Crimea ly khai từ Ukraine và một số khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine vào năm 2012, trước khi xung đột quân sự giữa hai nước nổ ra vào năm 2014. Trong cuộc chiến này, Nga tiếp tục giành quyền kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine ở phía Đông và phía Nam.

Hiện tại, cả Nga và Ukraine đều không cho thấy sự sẵn sàng nhượng bộ trong bất kỳ yêu cầu nào để chấm dứt chiến tranh. Moscow muốn Kiev giữ lập trường trung lập vĩnh viễn; Kiev đòi quân Nga phải rút và nước này phải có được sự đảm bảo an ninh tương đương với một quốc gia thành viên NATO để ngăn ngừa các cuộc tấn công trong tương lai.

Giới chức Ukraine từng thừa nhận rằng địa vị thành viên NATO hoàn toàn cho nước này có thể là một điều ngoài tầm với trong ngắn hạn, và một thỏa thuận hòa bình có thể bao gồm việc Ukraine phải chấp nhận để một phần lãnh thổ của mình nằm trong sự kiểm soát của Nga.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Sybiha nói rằng Kiev vẫn quyết tâm gia nhập NATO - con đường mà ông cho là đơn giản và ít tốn kém nhất mà phương Tây có thể dành cho Ukraine để đảm bảo an ninh và hòa bình.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte nói điều quan trọng là Moscow cần phải hiểu rằng phương Tây vẫn đoàn kết và Ukraine chưa bao giờ được hứa hẹn rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ bao gồm việc nước này trở thành thành viên NATO.

Những ngôi nhà đổ nát do chiến tranh ở vùng Orikhiv của Ukraine hôm 12/2 - Ảnh: Reuters.

Những ngôi nhà đổ nát do chiến tranh ở vùng Orikhiv của Ukraine hôm 12/2 - Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, nhiều người Ukraine đã cảm thấy kiệt quệ sau 3 năm chiến tranh liên miên, và nhiều người nói họ sẵn sàng hy sinh một số mục tiêu để đạt được hòa bình.

Nhiều người đã bày tỏ sự bất mãn với chính sách của Mỹ thời Tổng thống Joe Biden - người đã cam kết sẽ giúp Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ và hỗ trợ trang thiết bị quân sự hàng chục tỷ USD, nhưng chỉ sau khi có những trì hoãn mà các chỉ huy Ukraine cho là tạo điều kiện để Nga phục hồi lực lượng.

Ông Tymofiy Mylovanov, Chủ tịch Trường Kinh tế Kiev, cho rằng ít nhất ông Trump đã đưa ra quan điểm thẳng thắn về hỗ trợ hạn chế của Mỹ dành cho Ukraine. “Khác biệt giữa ông Biden và ông Trump là ông Trump nói to và rõ về những gì mà ông Biden thực sự nghĩ và làm cho Ukraine”, ông Mylovanov viết trên mạng xã hội.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ong-trump-ukraine-se-tham-gia-dam-phan-hoa-binh-voi-nga.htm
Zalo