Luật huynh đệ tương tàn ở thời đại Ottoman

Khi Selim trở thành quốc vương, ông đã ra lệnh siết cổ Korkud và những đứa con của anh em trai còn lại của ông, sau đó đánh bại Ahmed trong trận chiến và giết chết ông ta theo cách tương tự.

Bayezid không có ý định cho Selim nói riêng, hay một trong những người con trai khác của ông nói chung, kế thừa đế chế của ông. Khi vấn đề kế vị nảy sinh, năm người con trai còn sống của ông đều tuyên bố lên ngôi.

Anh cả Ahmed là một chính trị gia tài ba được người dân yêu mến nhưng hầu như không được lòng bộ binh. Korkud, giống một nhà thơ và nhà thần bí hơn là một chiến sĩ, cũng không được lòng quân lính. Trái lại, Selim nhận được sự ủng hộ của họ vì sở thích và tài năng quân sự mà ông đã thể hiện khi tấn công quân Safavid.

Chẳng bao lâu sau, hai anh em còn lại qua đời, và chỉ còn lại Ahmed, Korkud và Selim là ứng cử viên. Mỗi người họ đều chuẩn bị cho trận chiến bằng cách giành lấy quyền thống đốc các tỉnh gần Istanbul để có thể can thiệp nhanh chóng khi cuộc khủng hoảng kế vị nổ ra. Selim dám đảm bảo rằng những người Tartar ở Crimea của cha vợ ông sẽ ủng hộ mình. Chính ở đó, Suleiman đã đến trợ giúp ông.

 Các triều vua của đế chế Ottoman nối tiếp nhau trong những cuộc chiến. Ảnh: TheCollector.

Các triều vua của đế chế Ottoman nối tiếp nhau trong những cuộc chiến. Ảnh: TheCollector.

Selim phải mất ba năm chiến đấu mới giành được chiến thắng. Korkud nổi dậy chống lại cha mình ở châu Á, còn Selim thì đối đầu ở châu Âu. Do bị đánh bại tại Edirne nên ông phải lánh nạn ở Crimea. Nhưng tại thời điểm này, Ahmed đã đứng lên chiến đấu và quốc vương cũng kêu gọi Selim ra chinh chiến, và ông đã tấn công bằng quân bộ binh một cách ngoạn mục để buộc Bayezid phải từ bỏ ngai vàng của mình.

Vị vua già thoái vị và lên đường nghỉ hưu ở Demotika, nơi ông sinh ra. Trên đường đi, cái chết bất ngờ xảy đến với ông, một cái chết theo lẽ “già yếu” tự nhiên mà người ta nói là “do bị đầu độc”.

Khi Selim trở thành quốc vương, ông đã ra lệnh siết cổ Korkud và những đứa con của anh em trai còn lại của ông, sau đó đánh bại Ahmed trong trận chiến và giết chết ông ta theo cách tương tự. Người ta kể rằng khi Korkud biết được bản án, ông đã gửi cho anh trai mình một bài thơ buộc tội ông ta là kẻ tàn ác. Vị vua mới có vẻ đã ngấn lệ khi đọc nó.

Sau tất cả những vụ hành quyết này, Nhà Osman chỉ còn lại bản thân quốc vương và các con của ông. Trong số các cô con gái của ông có một người kết hôn với Đại Tể tướng Lutfi Pasha, một người khác kết hôn với tể tướng Mustafa Pasha, và một người thứ ba là Hadice kết hôn với Ibrahim Pasha (người đã trở thành đại tể tướng dưới thời Suleiman); chỉ còn lại một người con trai duy nhất là Suleiman, và rất có thể những người con trai khác đã bị xử tử.

Suleiman lúc này 17 tuổi. Cha ông đã bổ nhiệm ông làm Thủ hiến (kaymakam1) đầu tiên của Istanbul, và sau đó là Sarukhan (Manisa) trên biển Aegean. Ông sẽ ở đó cho đến khi lên ngôi, ngoại trừ thời điểm diễn ra chiến dịch Iran, khi cha ông trao cho ông chức thống đốc Edirne và sau đó là Istanbul. Tại Manisa, nhiệm vụ chính của ông là chống lại quân cướp bóc.

Những tranh chấp nội bộ xảy ra trước và sau khi Bayezid thoái vị đã làm rung chuyển sâu sắc khu thịnh vượng đó, mặc dù nó ở rất gần thủ đô. Chính Suleiman là người đã lập lại luật pháp và trật tự. Do đó, ông đã tích lũy được kinh nghiệm về chính phủ và hành chính, và điều này rất hữu ích, nhất là khi ông phải soạn thảo các bộ luật như luật Kanunname, bộ luật mang tên ông.

Tại Manisa, ông tránh được cơn thịnh nộ và sự ngờ vực của người cha đáng sợ của mình. Người ta đồn rằng Selim đã cố gắng trừ khử ông bằng cách gửi cho ông một chiếc áo tẩm độc, nhưng mẹ ông đã nhờ một tôi tớ mặc thay; người hầu xấu số này đã ngã gục ngay lập tức. Vẫn chưa có nguồn tin đáng thuyết phục nào xác nhận câu chuyện này, mặc dù chắc chắn Selim có thể đã ra tay làm mọi thứ.

Selim đột ngột qua đời khi đang đi từ Istanbul đến Edirne. Có rất ít người chứng kiến hoặc biết về cái chết của ông. Đại quan thị thần và thủ quỹ trưởng đều tán thành giữ bí mật cho đến khi Suleiman xuất hiện. Họ thuyết phục các quan chức cấp cao và chức sắc hàng đầu khác làm điều tương tự. Nếu tin tức về cái chết của nhà vua được lan truyền rộng rãi, có thể lực lượng bộ binh Porte sẽ gây ra tình trạng náo loạn, điều mà lẽ ra vị vua mới có thể ngăn chặn bằng mọi nỗ lực và phải trả một cái giá đắt.

Một sứ giả đã được phái đến gặp Suleiman. Hoàng tử trẻ được bảo phải chờ xác nhận tin tức trước khi lên đường đến thủ đô, nơi Vua Piri Pasha đã có mặt trước ông. Ông sợ đó chỉ là một trò bịp của cha mình mà có thể khiến ông phải trả giá bằng cả mạng sống. Cuối cùng, khi quân bộ binh Porte hay tin, họ đã ném mũ xuống đất trong đau buồn mà không gây rối gì. Đoàn tang lễ sau đó khởi hành đến Constantinople.

Vào Chủ nhật ngày 30 tháng 9 năm 1520, Suleiman đến Uskudar (Scutari) ở bờ biển châu Á của Bosphorus. Ngay lập tức, ông và đoàn tùy tùng lên ba chiếc thuyền galê đến Cung điện (Seraglio), nơi Đại Tể tướng đang đợi ông. Sáng hôm sau, vào lúc bình minh, học giả, luật gia và các chức sắc chính khác đến bày tỏ lòng tôn kính với ông trong phòng Divan (hội đồng), sau đó ông đến Edirne Kapi để gia nhập lại đoàn tang lễ. Ông đi bộ theo họ đến ngọn đồi thứ năm và ra lệnh xây dựng một nhà thờ Hồi giáo ở đó để vinh danh cha ông, người sẽ an nghỉ trong một ngôi mộ gần đó.

André Clot/Bách Việt Books-NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/luat-huynh-de-tuong-tan-o-thoi-dai-ottoman-post1531498.html
Zalo