Ông Trump muốn tái cơ cấu lại mối quan hệ thương mại toàn cầu bằng thuế 'có đi có lại'
Các quan chức Nhà Trắng cảnh báo rằng các nước Brazil, Ấn Độ, Nhật Bản, Canada và EU đều nằm trong tầm ngắm.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đưa ra những lời đe dọa áp thuế. Ảnh: Getty.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_309_51474647/12d94f307d7e9420cd6f.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đưa ra những lời đe dọa áp thuế. Ảnh: Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/2 đã tiết lộ một kế hoạch sâu rộng nhằm áp đặt thuế quan “có đi có lại”, hay thuế đối ứng, đối với các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, báo trước sự gián đoạn lớn có thể xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu.
Trong một động thái nhắm vào các đồng minh và đối thủ của nước Mỹ, ông Trump đã chỉ đạo các cố vấn thương mại hàng đầu của mình đưa ra các mức thuế mới trên cơ sở “từng quốc gia” để trả đũa các khoản thuế, quy định và trợ cấp mà Washington cho là không công bằng.
Các quan chức Nhà Trắng và ông Trump cảnh báo rằng các đối tác thương mại Brazil, Ấn Độ, Nhật Bản, Canada và EU có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết trước tiên chính quyền sẽ xem xét các quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất, bao gồm Mexico và Trung Quốc, trước khi áp dụng các mức thuế mới.
“Tôi đã quyết định, vì mục đích công bằng, rằng tôi sẽ áp dụng mức thuế đối ứng, nghĩa là với bất kỳ quốc gia nào áp dụng mức thuế đối với Mỹ”, ông Trump nói. “Trong hầu hết các trường hợp, họ tính phí cho chúng tôi nhiều hơn mức chúng tôi tính cho họ nhưng những ngày đó đã qua rồi”.
Kế hoạch của ông Trump về thuế đối ứng, có thể được áp dụng sớm nhất là vào ngày 2/4, sẽ đẩy nhanh nỗ lực của các nước trên toàn thế giới nhằm khởi động các cuộc đàm phán với Washington với mục tiêu ngăn chặn việc thực thi thuế.
Kế hoạch thuế quan mới nhất của ông Trump được công bố trong một tuần đầy biến động với hàng loạt động thái có thể làm thay đổi bối cảnh địa chính trị quốc tế, trong đó có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm giải quyết xung đột.
Khi tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Trump đã chỉ trích các đồng minh truyền thống của Mỹ trong khi dường như đang chìa “cành ô liu” cho Trung Quốc và Nga. Ông Trump còn mời Nga tái gia nhập nhóm các quốc gia giàu có G7 sau khi nước này bị đình chỉ vô thời hạn tư cách thành viên vào năm 2014.
“Vấn đề không phải là thích Nga hay không thích Nga”, ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục. “Tất cả những gì chúng ta thảo luận đến là Nga và họ nên ngồi vào bàn đàm phán. Tôi nghĩ ông Putin rất muốn quay trở lại”.
![Quyết định của Tổng thống Trump áp thuế đối với hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới có thể sẽ khiến mối quan hệ với các chính phủ nước ngoài thêm căng thẳng. Ảnh: NYTimes.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_309_51474647/155576bc44f2adacf4e3.jpg)
Quyết định của Tổng thống Trump áp thuế đối với hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới có thể sẽ khiến mối quan hệ với các chính phủ nước ngoài thêm căng thẳng. Ảnh: NYTimes.
Hàng loạt bước ngoặt chính sách
Ông Trump đã khiến các đồng minh châu Âu lo lắng khi thiết lập các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Washington và Moscow trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở Ukraine. Pete Hegseth. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã bác bỏ tham vọng của Ukraine muốn tái gia nhập NATO và đòi lại toàn bộ lãnh thổ mà nước này nắm giữ trước khi Nga sáp nhập Crimea.
Ông Trump cho biết ông sẽ đưa Kiev vào bất kỳ cuộc đàm phán nào với ông Putin về việc chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ông sẽ tổ chức các cuộc đàm phán bổ sung với Trung Quốc và Nga về chi tiêu quốc phòng nhằm giảm ngân sách quốc phòng trị giá 850 tỷ USD của Mỹ.
Ông cho biết ông nghĩ Mỹ và Trung Quốc có thể có “mối quan hệ rất tốt”, đồng thời nói thêm: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc là một nước đóng vai trò rất quan trọng trên thế giới, tôi nghĩ Bắc Kinh có thể giúp chúng tôi kết thúc cuộc chiến với Ukraine và Nga”.
Nhận xét của Trump hoàn toàn trái ngược với nhận xét của chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trước đó trong hôm 13/2 đã gọi Trung Quốc, Nga và Triều Tiên là “trục chuyên chế mới nổi”.
Tổng thống Trump đã có những lời lẽ đặc biệt gay gắt đối với EU, mô tả đồng minh lâu năm của Mỹ là “rất khó chịu”. Ông chỉ trích khối này về chế độ thuế giá trị gia tăng, thuế dịch vụ kỹ thuật số và những nỗ lực nhằm hạn chế các công ty công nghệ Mỹ.
“Liên minh châu Âu đã rất cứng rắn với các công ty của chúng tôi”, ông Trump nói. “Họ đã kiện Apple, họ kiện Google, họ kiện Facebook, họ kiện nhiều công ty khác và chúng đều là các công ty Mỹ...hệ thống tòa án ở đó không tốt cho các công ty của chúng tôi”.
Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, ông Trump đã ca ngợi ông Modi là “người đàn ông rất đặc biệt” và nói về “mối liên kết đặc biệt” giữa Ấn Độ và Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích New Delhi vì mức thuế cao và công bố các biện pháp nhằm tăng doanh số bán dầu khí và quốc phòng của Mỹ cho Ấn Độ với mục đích giảm mức thâm hụt vốn đã vượt quá 35 tỷ USD vào năm ngoái.
Ông Trump cho biết ông và ông Modi sẽ bắt đầu “các cuộc đàm phán để giải quyết những chênh lệch kéo dài mà lẽ ra phải được giải quyết trong 4 năm qua” với mục tiêu ký kết một thỏa thuận thương mại.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết họ có thể sử dụng các quyền hạn pháp lý khác nhau để thực hiện các biện pháp thuế, chẳng hạn như Mục 301 của Đạo luật Thương mại và Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, nhằm qua mặt Quốc hội.
Ông Trump cho biết ông dự định ban hành thêm các mức thuế đối với ô tô, chip và dược phẩm “cao hơn” các mức thuế đối ứng. Ông đã áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu, dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng tới.