Ông trùm tiền mã hóa vừa được Mỹ thả giữ hàng tỷ USD Bitcoin?
Ông trùm tiền điện tử là cá nhân nằm trong cuộc trao đổi giữa Mỹ và Nga, trong đó 2 bên đã đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân vào ngày 11/2.
![Alexander Vinnik sẽ sớm trở về Nga. Ảnh: TASS.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51476119/d6cf761a4454ad0af445.jpg)
Alexander Vinnik sẽ sớm trở về Nga. Ảnh: TASS.
Hôm 12/2, Nhà trắng cho biết sẽ thả Alexander Vinnik như một phần của cuộc trao đổi tù nhân với Nga để đưa giáo viên người Mỹ Marc Fogel về nước.
Tên của Vinnik đã được nhắc đến trong một cuộc trao đổi trước đó với Nga, liên quan đến trùm buôn vũ khí Viktor Bout và ngôi sao bóng rổ Brittney Griner. Tại thời điểm đó, Mỹ đã đề xuất một cuộc trao đổi rộng hơn nhưng bị phía Nga từ chối.
Danh tính ông trùm khét tiếng
Vinnik là chuyên gia công nghệ thông tin người Nga bị cáo buộc tấn công vào BTC-e, một nền tảng giao dịch mã hóa có dấu hiệu rửa tiền thông qua Bitcoin.
Ông bị bắt tại Hy Lạp vào năm 2017 theo yêu cầu của chính phủ Mỹ, những người tin rằng kỹ sư này phải chịu trách nhiệm cho hoạt động rửa tiền trị giá khoảng 4 tỷ USD. Một bản cáo trạng chống lại Vinnik từng đề cập đến việc sàn giao dịch BTC-e đã tạo điều kiện cho các vụ tấn công mạng, lừa đảo và ăn cắp thông tin người dùng.
![Vinnik bị bắt lại Hy Lạp vào năm 2017 với cáo buộc rửa tiền. Ảnh: NurPhoto.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51476119/4696ff43cd0d24537d1c.jpg)
Vinnik bị bắt lại Hy Lạp vào năm 2017 với cáo buộc rửa tiền. Ảnh: NurPhoto.
Ngay sau khi Vinnik bị bắt tại Hy Lạp, Nga đã theo đuổi một kế hoạch phức tạp để đưa người này về nước. Moscow đã mở một vụ án hình sự riêng, cáo buộc Vinnik gian lận khoảng 12.000 USD và gửi yêu cầu dẫn độ đến Hy Lạp. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành công.
Tới năm 2020, công dân Nga này được dẫn độ về Pháp, nơi ông bị kết án rửa tiền và nhận 5 năm tù. Sau khi mãn hạn vào năm 2022, Vinnik bị chuyển giao cho phía Mỹ với một số cáo buộc bổ sung như điều hành doanh nghiệp tài chính không có giấy phép và tạo điều kiện cho các giao dịch gian lận.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Vinnik đã nhận tội rửa tiền khi điều hành sàn giao dịch tiền mã hóa BTC-e từ năm 2011-2017. Các cơ quan quản lý cũng liên kết hành động của ông với sự sụp đổ của Mt. Gox, sàn giao dịch từng là nơi trao đổi Bitcoin hàng đầu, có trụ sở tại Nhật Bản.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng Vinnik đã "thu được" số tiền bị đánh cắp từ Mt. Gox và rửa chúng thông qua BTC-e cũng như Tradehill, một sàn giao dịch khác do chính ông sở hữu có trụ sở tại San Francisco.
Lý do đằng sau cuộc trao đổi
Frédéric Bélot, luật sư của Vinnik nói với hãng thông tấn nhà nước Nga Tass rằng thân chủ của ông được tự do và vụ án đã khép lại. Bélot nói thêm rằng Vinnik sẽ sớm được đưa từ Mỹ về Nga.
“Chúng tôi đã tích cực vận động hành lang với chính quyền cũ và cả chính quyền mới để Vinnik được thả tự do. Điều này có thể xuất phát từ một số hành động như lệnh ân xá của tổng thống, trả tự do sớm hoặc một cuộc trao đổi tù nhân”, luật sư Arkady Bukh của Vinnik nói với kênh truyền hình RT của Nga.
![Vinnik (trái) và Marc Fogel (phải) nằm trong cuộc trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Nga. Ảnh: Bloomberg.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51476119/e04e5f9b6dd5848bddc4.jpg)
Vinnik (trái) và Marc Fogel (phải) nằm trong cuộc trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Nga. Ảnh: Bloomberg.
Về phía Nga, các quan chức của nước này đã hoan nghênh tin tức và coi đây là động thái có lợi cho Nga. Nhà báo điều tra Andrei Zakharov, người nắm nhiều thông tin về Vinnik cho rằng tội phạm mạng này vẫn đang kiểm soát 80.000 Bitcoin bị đánh cắp từ Mt. Gox nhiều năm trước.
Theo tỷ giá hiện tại, con số này sẽ lên tới 8 tỷ USD.
Cũng trong ngày 12/2, Nhà Trắng thông báo Belarus đã trả tự do cho 3 người, bao gồm một công dân Mỹ giấu tên. Adam Boehler, phái viên của Mỹ về vấn đề tù nhân cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng hành động này có thể xuất phát từ việc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko muốn “lấy lòng” ông Trump.