Phát triển nghề nuôi tôm hùm theo hướng bền vững

Từ năm 2015 đến nay, nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng, thể tích lồng nuôi và sản lượng; từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm hiện còn nhiều thách thức, bất cập về quản lý nguồn giống, thức ăn, quản lý vùng nuôi.

Người nuôi tôm xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, Phú Yên đang thu hoạch tôm hùm.

Người nuôi tôm xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, Phú Yên đang thu hoạch tôm hùm.

Đáng chú ý, các hộ nuôi tôm hùm luôn phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, môi trường nuôi bị ô nhiễm, việc tiêu thụ phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Các địa phương ven biển miền trung đang triển khai nhiều giải pháp để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững.

Hiệu quả kinh tế cao

Năm 2024, cả nước có khoảng 280.500 lồng nuôi tôm hùm, với sản lượng hơn 5.870 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 430 triệu USD; trong đó 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa chiếm hơn 95% tổng số lượng lồng nuôi và sản lượng cả nước. Riêng tại Phú Yên, năm 2024, tổng số lồng nuôi trên toàn tỉnh là gần 177.000 lồng, sản lượng khoảng 2.260 tấn, giá trị tương đương 1.800 tỷ đồng, dẫn đầu cả nước.

Về lại những làng biển Sông Cầu, nơi được xem là "thủ phủ tôm hùm", ai cũng thấy rõ sự giàu có nhanh chóng của người nuôi tôm hùm qua mỗi mùa thu hoạch. Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy cho biết, hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 4.000 hộ dân với khoảng 10.000 lao động đang tham gia nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu nuôi tôm hùm lồng bè. Năm 2024, Sông Cầu có khoảng 129.320 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng hơn 2.190 tấn, giá trị thu được trên đơn vị mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng 1,55 tỷ đồng/ha/năm.

Xã Xuân Phương là địa phương có số lượng, sản lượng nuôi tôm hùm nhiều nhất với 1.259 hộ, thả nuôi 70.766 lồng. Riêng trong năm 2024, người dân xuất bán 28.650 lồng tôm hùm thịt các loại, sản lượng 1.115 tấn (với giá bình quân từ 750.000-850.000 đồng/kg), địa phương có nguồn thu tương đương 920 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Phương Phạm Ngọc Hùng, hiệu quả từ nuôi tôm đem lại đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí để phấn đấu xây dựng xã trở thành phường trong năm 2025, kịp theo kế hoạch chung xây dựng thị xã Sông Cầu trở thành thành phố. Đến cuối năm 2024, địa phương đã hoàn thành 13/13 tiêu chí.

 Thu hoạch tôm hùm tại làng biển Phú Dương, Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu.

Thu hoạch tôm hùm tại làng biển Phú Dương, Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu.

Để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững

Theo Cục Thủy sản, mỗi năm, nghề nuôi tôm hùm lồng đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng, đồng thời giải quyết được công ăn việc làm cho đông đảo người dân từ nhiều hoạt động như nuôi, khai thác giống… Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu bền vững và chưa có một quy hoạch đồng bộ.

Hiện nay, ngay cả ở những tỉnh trọng điểm nuôi tôm hùm hầu như vẫn chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm. Trong khi đó, tại các khu vực đã được quy hoạch chi tiết thì mật độ nuôi lại ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, hoặc quy hoạch nằm chung với các đối tượng nuôi biển khác… gây khó khăn cho quản lý và làm dịch bệnh dễ lây lan.

Bên cạnh đó, con giống cũng đang là vấn đề nan giải nhất của nghề nuôi tôm hùm; bởi đến nay, người nuôi hoàn toàn lệ thuộc vào con giống được đánh bắt tự nhiên, với nhiều cách như đánh lưới mành, bẫy chà, lặn… Điều này dẫn đến bất cập là tôm giống có kích cỡ không đồng đều, chất lượng kém; sức khỏe tôm không bảo đảm, dẫn tới tôm thường chết vào thời gian đầu thả nuôi, hay èo uột, chậm lớn. Giá đắt, chất lượng con giống kém khiến người nuôi gặp nhiều rủi ro.

Hầu hết cơ sở nuôi quy mô nhỏ, tỷ lệ đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè rất thấp, lồng bè truyền thống chiếm tỷ lệ lớn, chưa mở rộng ra các vùng biển hở. Công nghệ nuôi lạc hậu, chưa đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…

Để phát triển nghề nuôi tôm hùm ổn định và bền vững, các địa phương cần tập trung rà soát, sắp xếp lại vùng nuôi, tổ chức đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.

Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư, ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm theo hướng bền vững, nuôi vùng biển xa bờ, nuôi trong các trang trại trên bờ, chuyển đổi từ nuôi lồng truyền thống sang lồng HDPE thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị...

Thị xã Sông Cầu - nơi có số lượng lồng bè nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước - đang thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nuôi tôm bền vững.

Địa phương đang hình thành vùng nuôi biển xa bờ với diện tích 1.380 ha, đầu tư công nghệ nuôi phù hợp với từng đối tượng nuôi; đồng thời, kiện toàn 129 tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản theo quy chế tự chủ, tương trợ, hỗ trợ sản xuất, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự; gắn trách nhiệm, vai trò của chính quyền cơ sở.

Bên cạnh đó, thị xã Sông Cầu triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải từ lồng, bè; đầu tư hạ tầng ven bờ phục vụ nuôi trồng thủy sản; ứng dụng khoa học-công nghệ và phát triển nuôi vùng biển xa bờ; chuyển đổi lồng bè nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Địa phương cũng đang đề xuất các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng khi thực hiện việc giải tỏa lồng, bè để bảo đảm an sinh xã hội, có việc làm ổn định sau khi thực hiện sắp xếp lồng, bè…", Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy cho biết thêm.

Ông Trịnh Quang Tú, Giám đốc Trung tâm tư vấn và quy hoạch phát triển thủy sản (Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản), đơn vị đã xây dựng được 2 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm hùm theo chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững cho biết: Ở Phú Yên, đơn vị xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ tôm hùm xanh tại thị xã Sông Cầu.

Chuỗi liên kết này đã hình thành liên kết giữa Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải sản Linh Phát, Công ty TNHH Thành Nga nhằm cung cấp giống tôm hùm đạt chất lượng và xuất khẩu tôm hùm nuôi.

Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu hiện có 35 thành viên, trong đó có 1 doanh nghiệp, với số lượng khoảng 2.300 lồng nuôi tôm hùm xanh, sản lượng khoảng 100 tấn/năm. Đơn vị đã tập huấn cho hợp tác xã các kỹ năng quản lý, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi và phát triển thị trường.

Đồng thời, đơn vị còn đưa ra các giải pháp phòng, trị bệnh trên tôm hùm nuôi, bảo quản tôm hùm sống, xây dựng thương hiệu từ mô hình, xúc tiến thương mại phát triển thị trường tiêu thụ tôm hùm…

"Qua hơn 1 năm triển khai chuỗi liên kết và tiêu thụ tôm hùm xanh ở Sông Cầu, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn. Việc quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm hùm, giao mặt nước, sắp xếp lại lồng bè, cấp mã số nuôi trồng thủy sản… vẫn chưa được triển khai. Nguồn giống tôm hùm chưa bảo đảm cung cấp đủ số lượng, chất lượng, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến chưa nhiều… Những điều này cần được khắc phục trong thời gian tới…", ông Trịnh Quang Tú chia sẻ.

Bài và ảnh: TRÌNH KẾ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nuoi-tom-hum-theo-huong-ben-vung-post861484.html
Zalo