Diện tích cây chuối vẫn tăng nhanh

Đến cuối tháng 12-2024, diện tích trồng chuối ở Đồng Nai đạt hơn 18,3 ngàn hécta, tăng hơn 1,4 ngàn hécta so với cùng kỳ năm 2023. Đây là cây trồng lâu năm có diện tăng nhanh nhất tỉnh trong năm vừa qua.

Nguyên nhân khiến diện tích trống chuối tăng nhanh là do chuối cấy mô có thể xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc với giá cao. Do đó, nhiều người dân Đồng Nai đã chuyển đổi cây trồng hàng năm, cây lâu năm có giá trị kinh tế thấp sang trồng chuối cấy mô. Theo đó, sản lượng chuối của tỉnh năm 2024 đạt hơn 396,6 ngàn tấn, tăng gần 173 ngàn tấn. Dự tính, nếu giá chuối vẫn còn ở mức cao thì diện tích trồng chuối cấy mô trên địa bàn tỉnh sẽ còn tiếp tục tăng nhanh.

Diện tích chuối tăng nhanh, trong khi thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, dẫn đến tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi vì, nếu Trung Quốc giảm nhập khẩu chuối cấy mô từ Việt Nam thì nguồn hàng sẽ dư thừa, giá sẽ giảm sâu. Trong những năm qua, đã nhiều lần xảy ra tình trạng Trung Quốc hạn chế nhập khẩu chuối từ Việt Nam dẫn đến giá chuối lao xuống dốc chỉ còn 1-1,5 ngàn đồng/kg vẫn khó tìm người mua. Nhiều nhà vườn tại Đồng Nai đã phải chặt bỏ chuối hàng loạt và chịu thua lỗ từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Vì thế, tỉnh, các địa phương nên tuyên truyền, vận động nông dân không ồ ạt tăng diện tích chuối để hạn chế rủi ro.

Lâu nay, nhiều nông dân Đồng Nai vẫn còn chạy theo những cây trồng đang có giá bán cao, chưa hiểu rõ nhu cầu của thị trường nên thường rơi vào tình trạng cung vượt cầu, giá giảm sâu và thua lỗ. Một số chuyên gia kinh tế cho biết, muốn tránh được rủi ro, ngoài khuyến cáo nông dân không tăng diện tích trồng quá nhanh thì tỉnh phải làm cầu nối để kết nối doanh nghiệp với nông dân, xúc tiến thương mại, mở thêm các thị trường xuất khẩu mới như: Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ... Trái chuối định xuất vào thị trường nào thì doanh nghiệp phải tìm hiểu, biết rõ trước yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã để hướng dẫn nông dân sản xuất phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng tại thị trường đó.

Hiện Việt Nam có thuận lợi là trái chuối tươi đã xuất khẩu vào Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc..., nhưng sản lượng chưa nhiều. Nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trái chuối tươi sang những thị trường trên thì sẽ giảm bớt rủi ro cho cây chuối của Việt Nam. Vì diện tích chuối tại Việt Nam hiện có hơn 155 ngàn hécta và Đồng Nai là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng chuối.

Bên cạnh xuất khẩu trái chuối tươi thì Chính phủ, tỉnh cần có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, chế biến chuối thành các sản phẩm bổ dưỡng khác để tăng giá trị cho cây chuối.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202502/dien-tich-cay-chuoi-van-tang-nhanh-ec40982/
Zalo