Giải bài toán 'mắc nghẹn' sầu riêng
Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt 3,4 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục được xác lập năm 2023 và đóng góp gần một nửa kim ngạch xuất khẩu (hơn 7,2 tỷ USD) của toàn ngành rau, quả. Tuy nhiên, chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2025, tình thế đã đảo chiều. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của 'trái cây vua' này đã sụt giảm nghiêm trọng. Đến giữa tháng 2-2025, cả nước mới xuất khẩu được 3.500 tấn sầu riêng, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2024.
“Chứng mắc nghẹn” của sầu riêng Việt có nhiều nguyên nhân. Tác động trực tiếp là do Trung Quốc siết chặt quy định kiểm dịch và an toàn thực phẩm, tiến hành kiểm tra 100% lô hàng sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam. Cùng với đó, từ ngày 10-1, nước này yêu cầu các lô hàng phải có giấy kiểm định chứng minh không chứa chất vàng O - một hợp chất có nguy cơ gây ung thư. Điều này khiến quy trình thông quan kéo dài, tăng nguy cơ hư hỏng hàng tươi, buộc nhiều doanh nghiệp phải quay đầu đưa hàng về tiêu thụ nội địa.
Tình trạng trên còn là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác cần được tập trung giải quyết. Theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích trồng sầu riêng cả nước đạt 75.000ha, nhưng đến năm 2024, diện tích trồng đã lên tới hơn 160.000ha. Kéo theo đó, sản lượng sầu riêng tăng vọt, đạt 1,45 triệu tấn vào năm 2024, nhưng lại không tương xứng với năng lực tiêu thụ và xuất khẩu. Khi thị trường chính là Trung Quốc giảm sức mua do quy định mới, lượng hàng dư thừa trong nước lập tức gây áp lực lên giá cả.
Việc phụ thuộc quá mức vào một thị trường (Trung Quốc) luôn tiềm ẩn rủi ro. Thị trường tỷ dân này chiếm tới 95% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt, đang siết chặt kiểm soát, tăng cường truy xuất nguồn gốc. Do đó, chưa khai thông các thị trường xuất khẩu mới thì sầu riêng Việt dễ bị tổn thương khi Trung Quốc thay đổi chính sách. Một nguyên nhân khác là sự thiếu đồng bộ và liên kết trong chuỗi cung ứng. Phần lớn diện tích trồng sầu riêng thuộc hộ gia đình nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, chưa gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và hợp tác xã. Điều này khiến việc kiểm soát chất lượng và đảm bảo quy trình canh tác chuẩn gặp nhiều khó khăn. Khi giá cả sụt giảm, nông dân dễ bị ép giá, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu cũng chật vật tìm đầu ra.
Hiện tượng “bong bóng sầu riêng” xuất hiện do nông dân trồng ồ ạt. Việc chặt bỏ các cây trồng truyền thống như cam, quýt, bỏ lúa trồng sầu riêng không chỉ làm mất cân bằng sinh thái, mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro kinh tế nếu thị trường tiếp tục bấp bênh. Nhiều nhà vườn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về canh tác bền vững, thị trường đã vội vàng mở rộng diện tích, dẫn đến cung vượt cầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của nông dân, mà còn đe dọa sự ổn định lâu dài của ngành hàng sầu riêng.
Để khắc phục “chứng mắc nghẹn” và phát triển ngành hàng bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, cần tái cấu trúc ngành hàng theo hướng quy hoạch hợp lý, kiểm soát diện tích trồng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các địa phương cần rà soát, cấp mã số vùng trồng, áp dụng quy trình canh tác đạt chuẩn quốc tế và siết chặt kiểm soát chất lượng ngay từ đầu vào. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc.
Các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ, đặc biệt là những quốc gia có đông người gốc Á thích trái sầu riêng. Những thị trường này tuy khắt khe nhưng ổn định hơn và giúp sầu riêng Việt vững vàng hơn trước các biến động. Cùng với đó là đầu tư mạnh vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch; thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; đẩy mạnh chế biến sâu như sầu riêng đông lạnh, bánh kẹo, thực phẩm chức năng để gia tăng giá trị và giảm áp lực tiêu thụ mùa vụ.
Trong khi đó, cơ quan chức năng hoạch định chính sách, điều tiết thị trường, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, khuyến khích áp dụng mô hình canh tác bền vững và sản xuất theo hướng hữu cơ.
Theo sggp.org.vn