Nuôi hươu lấy nhung - Hành trình vượt dốc của 'Kiên phụ hồ'

Hơn 10 năm sau gặp lại, 'Kiên phụ hồ' thủa nào đã thành ông chủ của một trang trại nuôi hươu rộng hơn 2ha.

Hơn 10 năm sau tôi gặp lại, “Kiên phụ hồ” thuở nào đã thành ông chủ của một trang trại nuôi hươu rộng hơn 2ha. Anh không chỉ “vực dậy” gia đình từ khó khăn mà còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 3-5 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Câu chuyện làm giàu của anh Phạm Văn Kiên (ở xóm Dọc Cọ, xã Cổ Lũng, Phú Lương) là minh chứng về hành trình “vượt dốc” thành công của một người đàn ông đã biến những thất bại thành động lực để vươn lên.

Hơn 10 năm, tôi tình cờ gặp lại anh - người thanh niên thủa đó với hai bàn tay trắng, có những lúc phải đi làm phụ hồ… chỉ để kiếm vài trăm nghìn đồng. Nay, anh đã trở thành ông chủ của một trang trại nuôi hươu lấy nhung ở huyện Phú Lương với tổng số vốn hàng tỷ đồng, khiến tôi thật sự ngỡ ngàng, ngưỡng mộ.

Sở dĩ tôi nói anh “vượt dốc” bởi con đường vươn lên từ khó khăn của anh Kiên dường như chưa khi nào bằng phẳng. Từ khi bỏ con đường đi làm thuê cho “người ta” để sải bước trên con đường tự chủ của chính mình, anh liên tiếp có những “cú vấp”, lần “ngã” đau bởi thất bại.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại rộng lớn, xanh mát bởi nhiều loại cây trồng như vải, nhãn, mít, chuối và đặc biệt là những hàng cây núc nác, anh bảo: Tất cả những loại cây này đều là nguồn thức ăn cho hươu. Tôi nói không với tất cả các loại cám tăng trọng và thuốc kích thích mọc sừng hươu. Hươu trong chuồng nhà tôi chỉ ăn cỏ, các loại lá cây, trong đó có lá núc nác giúp cho chất lượng nhung đảm bảo tiêu chuẩn bồi bổ sức khỏe.

Tôi xòe bàn tay đếm những lần thất bại để đùa vui gia chủ, anh Kiên cười hiền: Mỗi lần thất bại lại cho tôi một bài học quý giá. Quan trọng là tôi chưa bao giờ nản chí. Còn đôi bàn tay và khối óc, tôi luôn tin mình sẽ thành công.

Tôi đưa mắt bao quát cả một vùng không gian rộng lớn, được quy hoạch khá khoa học với những lối đi đổ bê tông, đảm bảo cho xe tải nhỏ có thể vào ra. Góc nọ, góc kia, những người lao động đang cần mẫn với công việc của mình.

Còn người đàn ông đứng cạnh tôi - người từng mưu sinh bằng nghề phụ hồ, phụ xe, lái đầu kéo, xe ben, xe tải, máy xúc... nhưng nay đã trở thành chủ nhân của một trang trại hươu sao rộng lớn, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Ông chủ Kiên” - danh xưng đã thay đổi, đó chính là “trái ngọt” của sự lạc quan, kiên trì và không chịu khuất phục trước khó khăn, thất bại của “Kiên phụ hồ”.

Tôi hiểu, đó là thành quả của biết bao đêm anh trăn trở, suy tính xem nuôi con gì để có thể thoát cảnh nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình. Nhớ ngày đầu khởi nghiệp, vốn không có, anh phải vay mượn anh em, bạn bè đầu tư chăn nuôi lợn rừng, nhím, chồn rồi đến cày vòi…

Sở thích của anh Phạm Văn Kiên là chăn nuôi những “con đặc sản”. Nhưng những vật nuôi này đều không mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi nhiều lý do như thị thường tiêu thụ bão hòa, giá cả bấp bênh, dịch bệnh…

Hơn 10 năm kể từ ngày bắt đầu nhen nhóm ý chí làm giàu, biết bao mồ hôi đã đổ xuống, đôi bàn tay đã chai sần, có lúc lại rơi vào bế tắc bởi một tính toán sai lầm, song chính những thất bại đó lại cho anh những bài học kinh nghiệm quý giá trong làm ăn. Và nuôi hươu sao lấy nhung, bán giống, đã mở ra cho anh cơ hội làm giàu bền vững.

Theo chia sẻ của anh Kiên, nếu như nuôi 20 con hươu thì mỗi ngày chỉ cần 2 giờ đồng hồ đi kiếm cỏ, lá về cho hươu ăn. Mỗi con ăn từ 3 - 4kg cỏ, lá/ngày. Lúc hươu mọc nhung mới cần chế độ chăm sóc đặc biệt hơn như cho chúng ăn thêm chuối, ngô, cà rốt, lá núc nác… để nhung đạt trọng lượng, chất lượng cao hơn. Nuôi hươu lấy nhung không quá phức tạp, chỉ cần đảm bảo chuồng trại thoáng mát vào mùa Hè và ấm áp vào mùa Đông. Thức ăn cho hươu chủ yếu là cỏ voi và các loại lá cây, dễ kiếm và không tốn kém.

Hươu cái 2 tuổi thì bắt đầu sinh sản, mỗi năm một lần. Hươu đực cũng 2 tuổi bắt đầu cho nhung (1 lần/năm). Lộc nhung mọc vào mùa Xuân, khoảng 45 ngày thì được cắt. Hươu có thể cho nhung từ 15 - 25 năm; giá 1kg nhung từ 20-25 triệu đồng.

Qua gần 10 năm gắn bó với con hươu, gia đình anh Kiên đã có của ăn của để, đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm nuôi loài động vật hoang dã này. Từ chỗ chỉ có vài chục con, nay đàn đã phát triển lên gần trăm con, nhiều khách đặt mua nhung, anh Kiên không có đủ để bán. Nuôi hươu bán nhung, gia đình anh Kiên thu nhập đạt từ 500 - 600 triệu đồng/năm. Thời gian tới, anh có kế hoạch mở rộng quy mô lên khoảng 200 con.

Hươu là loài nhút nhát, khi con người đến gần rất dễ hoảng loạn, chạy tán loạn, có thể trượt ngã, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó, anh Kiên đã dùng lưới sắt B40 làm hàng rào bao quanh khu đất rộng gần 1ha để tạo thành khu vực nuôi thả tự nhiên.

Diện tích 1ha còn lại, anh Kiên xây dựng chuồng trại khoa học, thoáng đãng, trồng thêm cỏ voi, cây sắn, xoan, mít… để tạo nguồn thức ăn thường xuyên, tại chỗ cho đàn hươu. Ngoài kiến thức đã có, anh Kiên luôn tích cực học hỏi qua qua sách, báo, cách chăm sóc, phòng bệnh nên đàn hươu của gia đình luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt.

Nghề nuôi hươu phù hợp với những gia đình ít nhân lực bởi không tốn nhiều công lao động, nguồn thức ăn dễ kiếm nên không cần nhiều vốn đầu tư. Anh Kiên luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có nhu cầu tìm hiểu cách chăn nuôi hươu lấy nhung (số điện thoại 0912.602.577).

Với những người mới bắt đầu, anh khuyên nên nuôi một vài con để tích lũy kinh nghiệm, sau đó mới mở rộng quy mô. Anh sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình với những ai có cùng đam mê và muốn phát triển mô hình này.

Hành trình từ một người lao động phổ thông đến chủ nhân của trang trại hươu sao thành công là minh chứng cho sự kiên trì, nỗ lực không ngừng của anh Phạm Văn Kiên. Câu chuyện của anh không chỉ là nguồn cảm hứng cho những người nông dân khác mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Anh xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh Thái Nguyên.

Rời trang trại chăn nuôi hươu, chúng tôi mang theo niềm vui, sự phấn chấn của ông chủ giàu nghị lực và hình ảnh đàn hươu nhởn nhơ ăn cỏ trong nắng chiều, tạo cảm giác thanh bình. Với ý chí và quyết tâm thoát cảnh nghèo khó, anh Kiên đã không chùn bước trước mọi khó khăn, thử thách, thất bại để vươn lên làm giàu chính đáng, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ngày càng cao cho gia đình mà còn tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương.

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202505/nuoi-huou-lay-nhung-hanh-trinh-vuot-doc-cua-kien-phu-ho-62f2364/
Zalo