Mô hình cho vay ngang hàng, không còn tình trạng 'tranh tối, tranh sáng'
Sau thời gian dài triển khai với nhiều mô hình biến tướng, phát triển chệch hướng gây tiềm ẩn rủi ro cho người vay và nhà đầu tư, chỉ gần 2 tháng nữa, mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) sẽ chính thức được định hình lại, mở ra cơ hội phát triển mới trong khuôn khổ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Cho vay ngang hàng là hình thức kết nối trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay thông qua nền tảng trực tuyến. Ảnh minh họa
Theo quảng cáo trên website, Công ty T gia nhập lĩnh vực công nghệ tài chính cách đây 10 năm, với vai trò là đơn vị cung cấp nền tảng cho vay ngang hàng (P2P Lending) hàng đầu và đã hỗ trợ 10 triệu người vay và thu hút gần 100 nghìn nhà đầu tư tham gia. Mô hình vay P2P Lending tại Công ty T gồm 4 bước, đó là người vay đăng ký trực tuyến chỉ trong khoảng 1 phút, sau đó hệ thống lập tức kết nối đơn vay với người cho vay phù hợp. Hồ sơ được xét duyệt nhanh chóng, sau khi được chấp thuận, tiền vay sẽ được chuyển về tài khoản ngân hàng hoặc nhận tiền mặt.
Nhiều mô hình P2P Lending đi chệch hướng
Một trong những điểm mạnh nổi bật của mô hình cho vay ngang hàng là khả năng kết nối trực tiếp giữa người có tiền nhàn rỗi và người cần vay vốn thông qua nền tảng trực tuyến, thay vì cần vai trò trung gian của các tổ chức tài chính truyền thống. Nhờ đó, người vay có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, thủ tục nhanh chóng, đa dạng hình thức vay, mức lãi suất có thể cạnh tranh. Với phân khúc khách hàng cá nhân, các nền tảng P2P thường cung cấp nhiều lựa chọn vay như: vay tín chấp dựa trên lương, hộ khẩu, đăng ký xe máy, hoặc đăng ký xe ô tô.
Quan ngại lãi suất cao và tình trạng cho vay biến tướng
"Các khoản vay trên nền tảng P2P Lending thường là khoản vay nhỏ, không có tài sản đảm bảo, tức đa phần là vay tín chấp. Với đặc điểm đó, rủi ro nợ xấu là rất cao, nợ xấu tại nhiều công ty có thể lên tới hơn 50% để bù đắp rủi ro, buộc các công ty phải đẩy lãi suất lên để bù đắp rủi ro. Do đó, lãi suất của P2P Lending tại Việt Nam hiện nay thường cao hơn nhiều so với ngân hàng". PGS. TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, nhiều mô hình P2P Lending tại Việt Nam lại "biến tướng" khỏi mô hình gốc, không còn là nền tảng trung lập kết nối hay mang đúng bản chất của một nền tảng cho vay ngang hàng.
Trao đổi với phóng viên, nhân viên Công ty T cho biết, tại khu vực Hà Nội, công ty hiện chỉ còn hỗ trợ khoản vay theo đăng ký xe ô tô mà không hỗ trợ vay theo đăng ký xe máy. Theo nhân viên Công ty T, trong trường hợp khách hàng không sở hữu ô tô, hồ sơ khách có nhu cầu vay sẽ được chuyển sang đối tác phù hợp để được tư vấn thêm. Sau khi nghe tư vấn, khách hàng quyết định tiếp tục làm hồ sơ hoặc yêu cầu hủy nếu không có nhu cầu, tránh bị làm phiền. Nhân viên này cũng đặc biệt lưu ý khách hàng nếu có bên thứ ba yêu cầu chuyển tiền trước khi giải ngân, khách hàng tuyệt đối không thực hiện để tránh rủi ro lừa đảo.
Ngay sau đó, một số nền tảng như True Money Vay, Tâm An Finance tư vấn các khoản vay theo đăng ký xe máy chính chủ từ năm 2015, với tổng các phí lên tới 5,5 - 6%/tháng; hoặc hỗ trợ vay trực tiếp dựa trên thông tin sao kê tài khoản ngân hàng.
Bức tranh cho vay ngang hàng đầy "mảng tối" khi xuất hiện tình trạng xuất hiện tình trạng một số công ty P2P Lending thực chất hoạt động như "cò" tín dụng, giới thiệu khách hàng cho các bên cầm đồ. Qua đó, bên cầm đồ hoặc tín dụng đen dễ dàng tiếp cận người có nhu cầu vay và trực tiếp triển khai hoạt động cho vay vớt lãi suất cao và đòi nợ kiểu “khủng bố".
Thậm chí, cách đây vài năm, một số nền tảng mất khả năng thanh khoản như: VO247, Fiin Credit, khiến nhà đầu tư hoang mang.
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho vay ngang hàng phát triển từ lâu tại Việt Nam và cũng có nhiều đơn vị triển khai, song phần lớn các hoạt động cho vay P2P lại bị biến tướng, núp bóng tín dụng đen hoặc "cò" môi giới tín dụng. Trước đây, có một đơn vị nổi bật ban đầu vận hành đúng theo mô hình P2P, kết nối trực tiếp người đi vay và cho vay, nhưng sau đó lại chuyển đổi mô hình.
Tạo cơ chế thử nghiệm, định hình lại cho vay ngang hàng
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng từng nhận định, trong hoạt động P2P Lending, một số công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending lợi dụng sự thiếu kiến thức, hiểu biết của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về lãi suất thấp, điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức lãi suất thực tế cao “cắt cổ”, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân.
Bên cạnh đó, các thỏa thuận giữa các bên trong mô hình P2P Lending, bao gồm giữa công ty P2P Lending với nhà đầu tư, với bên thứ ba hoặc với người vay, vẫn còn thiếu minh bạch và rõ ràng. Nhiều hợp đồng chưa có tính ràng buộc pháp lý đầy đủ, đồng thời thiếu cơ chế giám sát và hậu kiểm hiệu quả đối với việc sử dụng và quản lý nguồn vốn vay. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiếu nại giữa các bên tham gia.
Sau gần 4 năm từ khi ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech), mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định
94/2025/NĐ-CP quy định cơ chế thử nghiệm kiểm soát trong ngân hàng (Nghị định 94) và có hiệu lực kể từ ngày 1/7 tới đây.
Ông Trần Thế Vĩnh - Tổng Giám đốc Tima đánh giá, Nghị định 94 là một cột mốc quan trọng để toàn ngành P2P Lending tại Việt Nam thử nghiệm các giải pháp tài chính thay thế có tính chất đổi mới sáng tạo, an toàn và minh bạch, đảm bảo góp phần hiện thực hóa chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
Theo Nghị định 94, các giải pháp công nghệ tài chính được phép tham gia thử nghiệm gồm: chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và cho vay ngang hàng.
Mở cơ chế, cho phép thử nghiệm có kiểm soát
Cơ chế thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành ngân hàng, góp phần phổ cập tài chính minh bạch, an toàn và chi phí thấp. Cơ chế này tạo môi trường để đánh giá rủi ro, lợi ích của các giải pháp fintech, hỗ trợ phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và quy định pháp lý. Đồng thời, cơ chế giúp hạn chế rủi ro cho khách hàng sử dụng dịch vụ fintech. Kết quả thử nghiệm sẽ là căn cứ thực tiễn để cơ quan chức năng hoàn thiện khung pháp lý và quy định quản lý liên quan nếu cần thiết.
Việc triển khai thử nghiệm các giải pháp fintech được giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam, không được thực hiện thử nghiệm xuyên biên giới. Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm.
Nghị định 94 quy định rõ các điều kiện và tiêu chí tham gia cơ chế thử nghiệm đối với các giải pháp fintech. Theo đó, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể được cấp giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm. Cùng với đó, công ty fintech Việt Nam cũng được tham gia cơ chế khi đáp ứng các điều kiện như: không có vốn đầu tư nước ngoài, người đại diện hợp pháp là công dân Việt Nam, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; hệ thống công nghệ đặt tại Việt Nam, đảm bảo an toàn, bảo mật, có dự phòng kỹ thuật và được kiểm thử trước khi vận hành.
Đặc biệt, Nghị định 94 cũng quy định rõ các tiêu chí khi thử nghiệm triển khai hình thức cho vay ngang hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện giám sát các tổ chức tham gia để đánh giá hoạt động thử nghiệm và giải pháp fintech liên quan.