Người cất mật ngọt trên đất Hợp Thành
Về xã Hợp Thành (Phú Lương), chúng tôi được nghe nhiều người nhắc đến ông Ma Văn Hà, sinh năm 1969, dân tộc Tày, ở xóm Tiến Bộ, là một điển hình về sự năng động và không ngừng học hỏi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn tích cực lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế cho nhiều người dân trong xóm, giúp họ nâng cao thu nhập.

Ông Ma Văn Hà chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong lấy mật với người dân xã Hợp Thành (Phú Lương).
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, ông Ma Văn Hà thấu hiểu sự vất vả, bấp bênh của người nông dân. Khoảng 20 năm trước, trong khi nhiều người vẫn còn loay hoay với ruộng vườn truyền thống, ông đã nhạy bén học theo mô hình nuôi ong lấy mật để cải thiện đời sống. Ban đầu, ông chỉ nuôi 5-10 đàn ong. Do chưa có kinh nghiệm nuôi, đàn ong bỏ đi hết.
Không nản chí, ông Hà chủ động đi tham quan tại nhiều mô hình nuôi ong lấy mật trong và ngoài tỉnh; tích cực tham gia các lớp tập huấn; tìm hiểu kiến thức từ sách báo, truyền hình…
Năm 2020, khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, ông Hà nhân rộng đàn ong của mình lên đến 200 đàn. Mỗi năm, ông thu hoạch khoảng 3.000 lít mật ong, thu nhập gần 400 triệu đồng. Theo ông Hà, ong thường hay bị bệnh thối ấu trùng. Người nuôi cần chú ý quan sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì đàn ong sẽ phát triển khỏe mạnh.
Không dừng lại ở việc phát triển kinh tế gia đình, ông Hà luôn tâm niệm “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Chính vì vậy, năm 2023, ông đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) ong mật Hợp Thành với 7 thành viên, do bản thân làm Giám đốc. Ông cùng các thành viên đầu tư máy tách thủy phần (trị giá hơn 100 triệu đồng), giúp nâng cao chất lượng mật ong, kéo dài thời gian bảo quản.
Song song với đó, được sự hỗ trợ của các phòng chuyên môn huyện, ông cũng tích cực thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc… để nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cũng trong năm 2023, sản phẩm mật ong của HTX ong mật Hợp Thành được công nhận OCOP 3 sao, được nhiều khách hàng biết đến, đặt mua. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất và bán ra thị trường khoảng 4,5 tấn mật, với giá bán bình quân từ 180-200 nghìn đồng/lít.
Không chỉ là người “thủ lĩnh” dẫn đường, ông Hà còn là người truyền nghề tận tâm. Anh Lương Thanh Phương, thành viên HTX ong mật Hợp Thành, chia sẻ: Trước đây, tôi nuôi ong theo kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi vào HTX, được ông Hà hướng dẫn chi tiết từ cách chia đàn, tạo mũ chúa, kỹ thuật nhân giống… Hiện nay, tôi đã nhân đàn ong của mình lên 50 đàn; mỗi năm bán khoảng 350 lít mật và có thu nhập hơn 45 triệu đồng.
Với sở thích chăn nuôi, hễ đi đến đâu, thấy mô hình nào hay là ông Ma Văn Hà đều hỏi rất tỉ mỉ cách chăn, phòng, điều trị bệnh cho đàn vật nuôi, hiệu quả kinh tế mang lại…

Gia đình ông Ma Văn Hà đang duy trì nuôi 25 con hươu để khai thác nhung và bán hươu con.
Trong một chuyến tham quan HTX nuôi hươu sao tại huyện Phú Bình, ông Hà ấn tượng với mô hình này và quyết định đầu tư trên 300 triệu đồng để mua 13 con hươu trưởng thành (trọng lượng từ 70-100kg/con) về nuôi. Từ 13 con ban đầu, đến nay đàn hươu đã phát triển lên 25 con, trong đó 10 con đang cho cắt nhung và 10 con trong thời gian sinh sản.
Theo ông Hà, hươu là loài vật dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là rau xanh, cỏ tự nhiên… Mỗi năm, ông khai thác được 7kg nhung hươu, với giá bán 20 triệu đồng/kg, chưa kể tiền bán hươu con. Sản phẩm nhung hươu cắt đến đâu đều được khách hàng đặt mua hết đến đó.
Ngoài ra, để tận dụng tối đa diện tích vườn đồi, ông Hà còn nuôi thêm khoảng 100 con gà rừng (giống gà sống hoang dã, dáng nhỏ, thịt săn chắc…). Sau khi nuôi từ 6-7 tháng, gà đạt trọng lượng từ 0,7-1kg, ông Hà bán được giá 300 nghìn đồng/con gà trống và 200 nghìn đồng/con gà mái.
Có thể thấy, với tinh thần ham học hỏi, tư duy đổi mới và quyết tâm làm giàu, ông Ma Văn Hà không chỉ là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình mà còn là người truyền cảm hứng cho bà con nông dân địa phương cùng vươn lên.