Ngôi làng số
Ngôi làng của người Ca Dong ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây) nằm bên dải Trường Sơn, xưa là vùng đất xa xôi biệt lập, cuộc sống người dân nghèo nàn, lạc hậu. Còn nay, người dân trong làng đã biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và tiêu thu sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống và được gọi là 'ngôi làng số'.
Đưa nông sản “lên sóng”
Chúng tôi về thôn Nước Vương đúng vào lúc các thanh niên ở đây đang bận rộn với công việc livestream bán nông sản. Họ tổ chức phiên livestream bán bưởi, ổi, dừa ngay trên rẫy của vùng trồng; bán gà ngay trong vườn nhà. Nhóm thực hiện phiên livestream đều là người Ca Dong sinh ra và lớn lên tại ngôi làng xa xôi này. Họ khá chuyên nghiệp trong công việc từ giới thiệu sản phẩm, chốt đơn và tổ chức giao hàng đến tận tay người mua. Anh Đinh Văn Đen là người đi đầu ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm trái cây của làng. Không chỉ lúc thu hoạch, mà quá trình sản xuất từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân, tưới nước, chăm hoa, tỉa cành cho cây trồng đều được anh Đen thực hiện phiên phát trực tiếp với thời lượng ngắn.

Một góc "Ngôi làng số" thôn Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây).
Anh Đen lan tỏa đến mọi người những hình ảnh chân thật, vui vẻ, tràn đầy năng lượng gắn với nụ cười rạng rỡ của những người nông dân ở vùng cao Nước Vương, khơi nguồn cảm hứng yêu lao động. Khi vào mùa thu hoạch, anh Đen và mọi người tổ chức livestream ngay tại vườn ổi chín, vườn bưởi xanh căng mọng, vườn dừa xiêm trĩu quả... Tất cả hình ảnh trung thực đều được chuyển tải đến khách hàng, tạo niềm tin tiêu dùng và cơ hội để khách hàng lựa chọn, đặt mua hàng. Khâu thanh toán đưa ra 2 phương án để khách hàng chọn, đó là thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng tiền mặt. Hầu hết khách hàng chọn thanh toán chuyển khoản, hình thành phương thức mua bán hiện đại mà những năm trước là điều rất xa vời.
Nâng cao giá trị nông sản
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến, nhiều năm qua, địa phương đã kiên trì thực hiện chương trình chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số vào canh tác nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ đồng ruộng đến bàn ăn. Trên mỗi sản phẩm nông sản ở vùng cao Nước Vương nói riêng, xã Sơn Liên nói chung đều có tem truy xuất nguồn gốc, khẳng định hàng hóa có xuất xứ rõ ràng. Hiện nay, tư duy sản xuất của đồng bào Ca Dong đã thay đổi. Họ đã chủ động sử dụng công nghệ số trong khâu bán hàng để nâng cao giá trị sản phẩm của quê hương.
Chúng tôi đã chứng kiến phiên livestream của anh Đen quảng bá giới thiệu sản phẩm dừa xiêm trồng ở thôn Nước Vương. Xuất hiện trước máy ghi hình, anh Đen mặc một chiếc áo thổ cẩm, trang phục truyền thống của người Ca Dong, giọng nói truyền cảm, thần thái tự nhiên, mộc mạc. Anh Đen lần lượt giới thiệu về khí hậu, thổ nhưỡng, giống dừa, cách trồng và chăm sóc để cho ra những buồng dừa sai quả, ngọt nước. Lời nói chân thành, cộng với hình ảnh trực tiếp sống động, chân thực với những buồng dừa dày trĩu quả trên ngọn đã cuốn hút người xem. Những đơn hàng được chốt, những lời cảm ơn trên danh nghĩa là nông dân của làng đã khiến cho cả người bán và người mua đều vui vẻ, hài lòng.
Anh Đen tự hào khi được đứng ngay tại mảnh đất nơi mình sinh ra, bên cây trái dân làng trồng được để quảng bá bán hàng. “Ai trong làng cần quảng bá sản phẩm, tôi nhận lời giúp ngay. Mỗi lần như thế là một lần trải nghiệm, thêm tự hào về đồng bào mình, thêm yêu ngôi làng trên dải Trường Sơn xa xôi này. Ở đây, mỗi người dân luôn biết cố gắng, nỗ lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc làm ăn, vươn lên thoát nghèo”, anh Đen chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Anh Đinh Văn Đen, ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây) livestream bán dừa xiêm tại vườn.
Ở thôn Nước Vương, hầu hết người dân canh tác cây ăn quả, chăn nuôi quy mô lớn đều tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên. Tại HTX này, từ nhiều năm trước, cán bộ chủ chốt của HTX đã được tập huấn và sau đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của HTX được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, nhất là ổi Soli, bưởi da xanh. Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm cho biết, phần lớn sản phẩm của HTX được bán thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook. Đây là kênh bán hàng hiệu quả trong thời đại công nghệ số. Từ đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn Liên.
Điều đặc biệt ở ngôi làng của người Ca Dong ở thôn Nước Vương nữa là, người dân đều biết sử dụng điện thoại thông minh để truy cập ứng dụng “Bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa” do cán bộ huyện cài đặt miễn phí. Đây là sản phẩm ứng dụng chuyển đổi số để xác định tính phù hợp của thổ nhưỡng để lựa cho cây trồng phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả trong canh tác nông nghiệp. Anh Đinh Văn Tía, ở thôn Nước Vương cho biết, trước tết Nguyên đán Ất Tỵ, tôi dùng điện thoại di động đã được cài đặt ứng dụng “Bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa” lên rẫy để tìm hiểu loại cây nào thích hợp với đất của gia đình. Qua thao tác các bước cần thiết đã cho ra kết quả vùng đất này phù hợp để trồng một số loại cây, trong đó có chuối mốc và bưởi da xanh. Từ đó, tôi mạnh dạn đầu tư và hiện nay chuối, bưởi đã lên xanh, hứa hẹn kết quả tốt đẹp trong những mùa vụ tới. “Tôi thấy ứng dụng này rất hay, phù hợp với trình độ người dân miền núi, giúp nông dân có thể tìm ra loại cây trồng thích hợp chỉ trong mấy phút. Khác với trước đây, người dân phải đi hỏi cán bộ mất nhiều thời gian, có khi tự nghĩ rồi làm, cho kết quả không như mong muốn”, anh Tía chia sẻ.

Nông dân Ca Dong ở thôn Nước Vương, xã Sơn Long (Sơn Tây) thu hoạch bưởi.
Nói về sản phẩm công nghệ số “Bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến cho biết, huyện đã bàn giao cho xã kết quả nghiên cứu, xây dựng "Bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa". Đây là nguồn tài liệu quan trọng để các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, kinh tế, xã hội và giúp từng địa phương chủ động tổ chức sản xuất đạt hiệu quả. Mục tiêu của huyện Sơn Tây là hình thành vùng chuyên canh cây trồng trong tương lai, vì vậy việc ứng dụng bản đồ này càng thiết thực và phát huy hiệu quả.
Bài, ảnh: THANH NHỊ