Nông dân Yên Bình kiếm bộn tiền nhờ nuôi loại đặc sản bản địa có nguồn gen quý
Nhờ phát triển thủy sản trên hồ, đặc biệt là mở rộng nuôi cá ngạnh quy mô lớn đã mang lại doanh thu cao, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động ở huyện Yên Bình (Yên Bái) với mức thu nhập ổn định.
Tại tỉnh Yên Bái, cá ngạnh là một trong những loài cá bản địa quý, chủ yếu được đánh bắt tự nhiên trên hệ thống sông Hồng, sông Chảy và nhiều nhất ở vùng hồ Thác Bà.
Nguồn thu hàng chục tỷ đồng
Cá ngạnh có thân tròn trơn láng, phần đầu dẹp bằng, thân và đuôi dẹp bên; kích thước thuộc cỡ trung bình, con lớn nhất nặng khoảng 2,5kg. Đây là loài cá ăn tạp nên phổ thức ăn rất rộng.
Trước đây, cá ngạnh chủ yếu được đánh bắt tự nhiên. Do khai thác mạnh lại khó nuôi ở những môi trường khác nên những năm 2010, có thời điểm sản lượng cá giảm mạnh. Đến năm 2013, tỉnh Yên Bái triển khai Dự án nuôi thử nghiệm cá ngạnh trong lồng trên hồ Thác Bà, cá ngạnh dần được quan tâm, đưa vào nuôi với quy mô lớn hơn.
HTX Thủy sản Hoàng Kim (xã Hán Đà, huyện Yên Bình) là một trong những đơn vị có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất hồ Thác Bà. HTX hiện duy trì khoảng 300 lồng cá, chủ yếu nuôi cá lăng, cá tầm, cá diêu hồng cùng các loại cá địa phương như cá ngạnh, cá bò. Trong đó, cá ngạnh là loại cá đặc sản bản địa có nguồn gen quý đang được HTX mở rộng diện tích nuôi trồng.

Cá ngạnh đang được HTX Thủy sản Hoàng Kim mở rộng diện tích nuôi trồng.
Anh Đào Văn Minh, kỹ thuật viên của HTX cho biết, do là loài cá sinh sống ngay tại hồ Thác Bà nên khi nuôi tại môi trường sống tự nhiên, cá ngạnh rất dễ nuôi, ít bệnh tật. Khi nuôi cá ngạnh, người nuôi không cần can thiệp nhiều.
Cá ngạnh giống có thể mua ngay tại hồ, chi phí thức ăn nuôi cá thuộc nhóm thấp so với các giống cá HTX đang nuôi. Chu kỳ nuôi của cá ngạnh từ 12 - 14 tháng. Khi đạt từ 8 lạng, cá ngạnh có thể xuất bán, với giá tùy theo kích cỡ. Tại HTX, giá bán cá ngạnh dao động từ 110.000 - 140.000 đồng/kg.
HTX còn thành lập Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà sản xuất các sản phẩm chế biến sẵn từ cá hồ Thác Bà.
Sau nhiều lần nghiên cứu, học hỏi, thử nghiệm, công ty đã cho ra mắt 4 sản phẩm chế biến từ cá lăng là xúc xích cá lăng, chả cá lăng, giò cá lăng và ruốc cá lăng. Các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao, có giá khoảng 200.000 đồng/kg.
Nhờ cách làm hay, hàng năm, sản lượng của HTX Thủy sản Hoàng Kim lên đến 700 tấn cá. Doanh thu của HTX từ cá thịt và sản phẩm chế biến có thể đạt gần 20 tỷ đồng/năm.
Góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo
Hiện, khu vực xung quanh hồ Thác Bà có 2 doanh nghiệp, 5 HTX, 13 tổ hợp tác cùng trên 300 hộ dân nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới. Các loại cá chủ yếu được nuôi là lăng, diêu hồng, rô phi, ngạnh, cá bò, cá mè... Tổng sản lượng thủy sản toàn huyện hàng năm đạt 8.500 tấn.
Trong những năm vừa qua, hầu hết các cơ sở nuôi cá lồng đều mở rộng quy mô nuôi các loại cá đặc sản, nhất là những loại cá da trơn có nguồn giống bản địa. Nhờ phát triển thủy sản trên hồ đã góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định.
Anh Lê Văn Thư ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên chia sẻ, cá ngạnh là loại cá khó nuôi nhưng chất lượng thịt, nguồn dinh dưỡng khá cao. Đến vụ thu hoạch, cá có giá bán cao, hàng bán chạy nên người dân vùng hồ đều cố gắng nuôi.
“Nguồn cá giống tôi săn bắt và mua gom của người đi câu, người chài lưới sẽ được nuôi tại lồng cá của gia đình, tổ hợp tác, HTX hoặc bán cho các hộ chăn nuôi ở các địa phương lân cận", anh Thư cho biết.
Đến nay, gia đình anh Thư đang cùng tổ hợp tác nuôi gần 100 lồng gồm cá trắm, ngạnh, lăng, rô phi..., mỗi năm xuất bán trên 20 tấn cá tại các thị trường chủ yếu ở Hà Nội, Hải Dương, Lào Cai, Phú Thọ mang lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng.
"Với nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi cá trên hồ, lại được chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn, trang thiết bị, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đã giúp gia đình tôi và nhiều hộ trong xã phát triển và sống được bằng nghề nuôi cá trên hồ Thác Bà", anh Thư chia sẻ.

Nhờ phát triển thủy sản trên hồ đã góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động ở Yên Bình với mức thu nhập ổn định.
Với những tiềm năng, thế mạnh được thiên nhiên ban tặng, phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà đã đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Đây cũng là động lực thúc đẩy người dân vùng hồ tiếp tục gắn bó với nghề, đưa sản phẩm của hồ Thác Bà ngày càng vươn xa.
Mặt khác, do được tập huấn kỹ thuật chăm, nuôi cá ngạnh đúng quy trình, phù hợp, có sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật... đã tạo động lực cho người dân phát triển. Nhiều hộ dân đã có thu nhập cao từ việc nuôi giống cá ngạnh tại địa phương.
Ban lãnh đạo huyện Yên Bình cho biết huyện đã đưa tiềm năng, lợi thế mặt nước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Phát triển mạnh nuôi thủy sản trên hồ
Phát huy lợi thế trên 19.000 ha mặt nước hồ Thác Bà, thời gian qua, huyện Yên Bình đã tích cực mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà để nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.
Đại diện UBND xã Thịnh Hưng thông tin, 25 hộ nuôi trồng thủy sản ở xã đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nguồn vốn, chính sách của các cấp. Các hộ đều tích học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm chỉ phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập gia đình. Toàn xã hiện có 149 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 63 ha ao đầm, 86 ha eo ngách hồ Thác Bà và 78 lồng nuôi cá.
Yên Bình dự kiến đến năm 2025, diện tích nuôi trồng, khai thác khoảng 800 ha; phát triển ổn định 2.500 lồng cá; sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt trên 9.200 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 8.000 tấn; sản lượng khai thác tự nhiên đạt 1.200 tấn, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 1,8-2 %/năm; cơ cấu thủy sản chiếm từ 19 - 20% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian tới, huyện Yên Bình sẽ tiếp tục khai thác tối đa diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp từng địa bàn theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Cùng với đó, huyện Yên Bình sẽ lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích xã hội hóa nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để xây dựng công trình đầu mối phục vụ ương giống, nuôi thủy sản để đẩy mạnh áp dụng các biện pháp thâm canh, thâm canh cao nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khuyến khích phát triển sản xuất thức ăn thủy sản phù hợp từng đối tượng nuôi, hình thức, điều kiện theo hướng giảm phụ thuộc vào bột cá.
Bên cạnh đó, huyện sẽ phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phát triển, mở rộng các tổ hợp tác, HTX, tổ đồng quản lý, các mô hình liên doanh, liên kết giữa các tổ chức, cá nhân theo hình thức hợp tác gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Tiếp tục thực hiện quy hoạch phân vùng sản xuất thủy sản, hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa và chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ ruộng trũng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở các địa phương.
Năm 2025, huyện Yên Bình phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện so với năm 2024 là 0,81% (tương đương 251 hộ), đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2025 còn 1,3%.
Đồng thời, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ cận nghèo toàn huyện còn 2,26% (tương đương 46 hộ), giảm tỷ lệ hộ nghèo trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số năm 2025 còn 2,13% (tương đương 154 hộ). Song song đó, duy trì 2 xã không có hộ nghèo đã hoàn thành năm 2024; phấn đấu xã Đại Đồng và Thịnh Hưng không còn hộ nghèo.