Loại bỏ công chức kém, xóa 'biên chế suốt đời'
Các đại biểu Quốc hội đồng tình với các quy định về đánh giá công chức theo 4 mức để loại bỏ những người yếu kém, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực
Ngày 7-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, các đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Chuyển từ định tính sang định lượng
Tại tổ TP HCM, các ĐB bày tỏ cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đi vào một số nội dung cụ thể, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP HCM) đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ lý do vì sao bỏ quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND của đại biểu HĐND.
Đối với dự án Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi), ĐB Phạm Khánh Phong Lan đồng tình với các quy định về đánh giá công chức. Theo dự thảo, công chức sẽ được xếp loại theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình đánh giá dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ. Công chức bị xếp loại "không hoàn thành nhiệm vụ" có thể bị bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn hoặc bị cho thôi việc. Các quy định của dự thảo luật hướng đến xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời".
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, trong khu vực tư nhân, mức lương được dùng để phân biệt giữa người giỏi và người có năng lực thấp. Tuy nhiên, ở khu vực công, bà nhận định: "Khi đã vào công chức rồi thì rất khó để đưa ra". Vì vậy, quy định buộc thôi việc đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liên tiếp là cần thiết.
Cũng góp ý vào nội dung này, ĐB Tạ Thị Yên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác ĐB của QH, đồng tình với quy định khá cụ thể về đánh giá công chức căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao của tháng, quý, 6 tháng thể hiện bằng số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm. "Đây là cách tiếp cận hiện đại của dự thảo luật, chuyển từ các tiêu chí định tính sang tiêu chí định lượng như KPI (Key Performance Indicator) của khu vực doanh nghiệp" - ĐB Yên nêu.
ĐB Tạ Thị Yên đề nghị nên giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này vì đối với các ngành, lĩnh vực khác nhau, cấp quản lý cũng sẽ khác nhau và sẽ có các quy định phù hợp. Việc quy định có các tiêu chuẩn định lượng sẽ tránh được tình trạng đánh giá cán bộ "thiếu công bằng" so bì, ganh tỵ, "bè phái", "dĩ hòa vi quý"...

Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM phát biểu tại cuộc họp Quốc hội ngày 7-5 Ảnh: Minh Phúc
Bảo đảm cấp xã thực thi được nhiệm vụ
Góp ý về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐB Đỗ Đức Hiển (đoàn TP HCM) nhận định cấp xã là cấp thực thi chính sách, không ban hành chính sách và là cấp chính quyền gần gũi nhất với người dân, trực tiếp giải quyết các nhu cầu của dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi không còn cấp huyện, khối lượng công việc lớn và địa bàn rộng sẽ tạo áp lực lớn cho cấp xã. ĐB Đỗ Đức Hiển chỉ ra rằng hiện nay, các phòng chuyên môn ở cấp huyện đang đảm nhận nhiều nhiệm vụ theo quy định của các luật và nghị định. Khi các nhiệm vụ này chuyển về cấp xã, khối lượng công việc sẽ tăng đáng kể, đặt ra thách thức lớn. Do đó, ông đề nghị dự thảo luật cần tính toán kỹ lưỡng cách tổ chức thực hiện công việc tại cấp xã để bảo đảm hoạt động hiệu quả, thông suốt và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Cùng quan điểm, ĐB Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình), cho rằng khi bỏ cấp huyện, dự kiến 1/3 nhiệm vụ của cấp huyện chuyển lên tỉnh và 2/3 nhiệm vụ chuyển xuống cấp xã. Như vậy, khối lượng công việc của mỗi cấp là khá lớn, dự thảo luật cần phải tính toán những quy định mang tính dự báo để bảo đảm việc triển khai công việc ở địa phương được thông suốt, không ảnh hưởng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn đầu năng lực cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
ĐB Tạ Thị Yên đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp trong dự thảo luật để bảo đảm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đồng thời, phân định một cách hợp lý thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh và chính quyền cấp xã và thực hiện mục tiêu chính quyền cấp xã tập trung tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn.
Ngày 8-5, theo chương trình kỳ họp, QH sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi); thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Chấm dứt tình trạng "có vào mà không có ra"
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dự thảo luật lần này có sự đổi mới mạnh mẽ trong việc đánh giá công chức. Dù vẫn giữ 4 mức đánh giá nhưng sau khi luật được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị định riêng về việc này.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, dựa trên vị trí việc làm và chỉ số KPI, cuối năm sẽ tổng hợp được cụ thể cán bộ, công chức đã làm gì, hoàn thành bao nhiêu sản phẩm để làm căn cứ đánh giá. Đặc biệt, luật lần này nhằm khắc phục tư duy "biên chế suốt đời", chấm dứt tình trạng "có vào mà không có ra".
Bị sa thải vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Sáng 7-5, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Một trong những nội dung được quan tâm là quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động (NLĐ).
Theo dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý, ban soạn thảo đã bỏ quy định NLĐ mà bị sa thải hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Dự thảo luật cũng bỏ quy định thời gian đóng BHTN trên 144 tháng thì không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.
Tại điều 40, dự thảo luật quy định chi tiết về điều kiện hưởng BHTN. Theo đó, các trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật theo quy định Bộ Luật Lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, những NLĐ đang có việc làm; đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, dân quân thường trực; đi học tập có thời hạn trên 12 tháng; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chết, cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Điều 41 quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng BHTN.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được tham gia BHTN là cán bộ, công chức, viên chức, trước tình hình bộ máy hành chính nhà nước đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn, cũng như tới đây sẽ nghiên cứu, xem xét bỏ "biên chế suốt đời", sẽ dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức có khả năng mất việc làm.