Nơi giới trẻ được truyền lửa tinh hoa
Trong dòng chảy của văn hóa lịch sử Hà Nội, có một thanh âm vang vọng qua hàng thế kỷ vừa linh thiêng, vừa cuốn hút, đó chính là hát văn và hát chầu văn. Hãy cùng bước vào một không gian đặc biệt, nơi những giai điệu không chỉ vang lên từ quá khứ, mà còn đang được kế thừa và lan tỏa bởi chính những người trẻ Hà Nội hôm nay.
Hát chầu văn là một loại hình nghệ thuật mang đậm dấu ấn tâm linh, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa người Việt. Đó không chỉ là âm nhạc, mà còn là một nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại, truyền thống với đương đại. Những thanh âm khi sôi nổi, lúc trầm lắng, như một dòng chảy miên man của lịch sử, chuyên chở bao tầng ý nghĩa thiêng liêng.
Nhưng trong nhịp sống vội vã của thế kỷ 21, khi các loại hình nghệ thuật hiện đại ngày càng chiếm lĩnh đời sống tinh thần, hát văn liệu có còn chỗ đứng trong lòng người trẻ? Câu trả lời có lẽ đang được viết nên mỗi ngày tại Câu lạc bộ Hát Văn và Hát Chầu văn Hà Nội - nơi những tâm hồn trẻ trung đang miệt mài giữ lửa cho di sản.
Không gian của câu lạc bộ như thế giới của những thanh âm lôi cuốn, của tiếng đàn nguyệt réo rắt hòa cùng nhịp phách rộn ràng, của những giọng ca đắm say cất lên trong niềm hứng khởi. Nhưng hơn cả âm nhạc, nơi đây chứa đựng một tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật truyền thống, một tinh thần sôi nổi của những người trẻ đang đi ngược dòng để tìm lại giá trị xưa.

Các thành viên của Câu lạc bộ Hát Văn và Hát Chầu văn Hà Nội.
"Văn hóa là cội nguồn của dân tộc, là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn."
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Người sáng lập câu lạc bộ, nghệ nhân Thu Thu chia sẻ: "Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các loại hình văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là văn hóa dân gian, trong đó có hát văn và hát chầu văn. Hát chầu văn là một trong những loại hình nghệ thuật được công nhận và bảo tồn trên toàn thế giới, là niềm tự hào của người dân Việt Nam, thể hiện nét tinh hoa của truyền thống văn hóa được gìn giữ qua ngàn đời. Xuất phát từ tinh thần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, lớp học "Hát Văn và Hát Chầu văn" tại đình Bích Câu đã được khởi xướng với sự chung tay của nhiều thế hệ. Cùng nhau học tập và phát triển, cộng đồng đã thu hút được sự tham gia ngày càng đông đảo, thể hiện quyết tâm giữ gìn và truyền đạt những giá trị truyền thống quý báu. Những người chúng tôi, với niềm đam mê và trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa, xem đây là một nhiệm vụ trọng yếu. Dựa trên mục tiêu đó, một số đề xuất đã được đưa ra với Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội nhằm thành lập Câu lạc bộ Hát Văn và Hát Chầu văn Hà Nội."

Nghệ nhân Thu Thu, chủ nhiệm câu lạc bộ.
Không chỉ là nơi gặp gỡ của những người yêu hát văn, câu lạc bộ còn là một trung tâm đào tạo và phát triển loại hình nghệ thuật này theo cách thức bài bản. Mỗi tuần, các thành viên câu lạc bộ lại tụ họp tại một không gian quen thuộc để cùng nhau tập luyện, nghiên cứu và biểu diễn. Họ không chỉ học cách hát sao cho đúng làn điệu mà còn tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của từng bài hát, từng nhịp phách, từng cách nhấn nhá câu chữ.
Không dừng lại ở phạm vi nội bộ, câu lạc bộ còn đưa hát văn đến gần hơn với công chúng bằng những chương trình biểu diễn, thậm chí là những sân khấu nghệ thuật lớn. Câu lạc bộ Hát Văn và Hát Chầu văn Hà Nội đang chứng minh rằng, hát văn không phải là thứ nghệ thuật xa vời, mà nó có thể hòa nhập với đời sống hiện đại. Chỉ cần một cách tiếp cận đúng, một không gian phù hợp và quan trọng nhất là những người thực sự yêu và hiểu nó.
"Nhờ sự quan tâm đặc biệt từ Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh các hoạt động sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ và phát triển loại hình văn hóa truyền thống với tất cả tâm huyết và nhiệt huyết của mình. Mục tiêu của chúng tôi là lan tỏa giá trị văn hóa đến cộng đồng, vì chỉ khi được phổ biến rộng rãi thì loại hình văn hóa của dân tộc mới có thể phát triển bền vững và không bao giờ mai một.
Chúng tôi vô cùng vui mừng khi nhận thấy ngày càng có nhiều thế hệ trẻ được tiếp cận và yêu mến tinh hoa văn hóa dân tộc - cội nguồn của chúng ta, xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu đã được phát triển qua ngàn đời và ghi dấu theo dòng lịch sử. Điều này cho thấy loại hình dân gian đã và đang nhận được sự trân trọng từ giới trẻ. Hiện nay, câu lạc bộ của chúng tôi quy tụ đủ các lứa tuổi: từ những anh chị lớn tuổi trên 70 cho đến các bạn trẻ, học sinh, sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các em học sinh từ 14-15 tuổi." - Nghệ nhân Thu Thu cho biết thêm.
Dù năm tháng có thể khiến cho con người không còn như xưa, nhưng với sức khỏe dồi dào và niềm đam mê mãnh liệt, những nghệ nhân như chị Thu Thu vẫn không ngừng nỗ lực gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống. Họ tin rằng, bằng cách tạo dựng một điểm tựa vững chắc về chuyên môn cho các bạn trẻ, nền văn hóa của dân tộc sẽ luôn được tiếp thêm sức sống, trường tồn và không bao giờ phai mờ theo thời gian.
Bạn Trường Sơn, sinh năm 2000, một thành viên trẻ đã gắn bó với Câu lạc bộ Hát Văn và hát Chầu văn Hà Nội ngay từ những ngày đầu thành lập. Mang trong mình niềm đam mê với những giá trị truyền thống của dân tộc, Trường Sơn nhận thấy mỗi câu hát không chỉ là giai điệu mà còn chứa đựng cả một câu chuyện, một nền văn hóa.

Trường Sơn, thành viên câu lạc bộ.
Trường Sơn cho biết: "Mối duyên gắn bó với hát văn của tôi bắt nguồn từ niềm đam mê nghệ thuật từ thuở nhỏ. Qua quá trình học tập về bộ môn hát văn, tôi đã có dịp gặp gỡ với những nghệ nhân tài năng như nghệ nhân Thu Thu, nghệ sĩ Tuyết Tuyết cùng các hội viên của câu lạc bộ. Từ những ngày đầu tiên thành lập cho đến hiện tại, tôi đã bén duyên với câu lạc bộ và gắn bó cùng nó.
Tuy nhiên, trên con đường phát triển nghệ thuật này cũng không tránh khỏi những khó khăn và trở ngại, đặc biệt là do khoảng cách thế hệ và điều kiện học tập còn hạn chế. Điển hình, bộ môn hát chầu văn hiện nay không có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp tại bất kỳ trường lớp nào, trong khi các loại hình nghệ thuật khác như chèo, tuồng, cải lương hay thanh nhạc mới đều có hệ thống đào tạo riêng. Điều này tạo ra trở ngại lớn khi tìm kiếm các nghệ nhân, nghệ sĩ để học hỏi, tiếp cận và truyền đạt những nhịp điệu, phách và câu hát đặc trưng của bộ môn. Qua đó, việc học tập và thực hành trở nên đòi hỏi sự kỳ công và cần thời gian dài để có thể thấm nhuần được tinh hoa nghệ thuật này".
Một trong những sáng tạo đặc biệt của câu lạc bộ là việc thử nghiệm làm mới các làn điệu văn cổ bằng cách viết lời mới dựa trên những câu chuyện, cảm xúc trong thời đại mới. Không chỉ tái hiện lại những bài văn cổ, nhiều thành viên trong câu lạc bộ còn sáng tác lời ca mới trên nền nhạc truyền thống, giúp hát văn có thể tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ mà vẫn giữ được cái hồn nguyên bản.

Câu lạc bộ Hát Văn và Hát Chầu văn Hà Nội và hành trình lưu giữ văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đáng mừng, hát văn cũng đang đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là những hình thức biến tướng. Việc trình diễn hát văn bị thương mại hóa, mất đi sự trang nghiêm vốn có hay những bản phối mới bị pha tạp quá nhiều yếu tố hiện đại, xa rời bản chất gốc đang khiến nhiều nghệ nhân lo lắng. Một số nơi còn lợi dụng nghệ thuật hát văn để trục lợi trong các nghi lễ tâm linh sai lệch, làm mất đi giá trị nguyên bản của loại hình này.
Xét về khía cạnh nghệ thuật, không thể phủ nhận rằng, các bạn trẻ đang thể hiện sự sáng tạo đầy triển vọng. Tuy nhiên, khi xét về mục tiêu bảo tồn và gìn giữ loại hình văn hóa tinh hoa của dân tộc - một di sản được UNESCO công nhận - chúng ta phải nhận thức rõ rằng việc bảo tồn này đòi hỏi phải tuân thủ các giá trị và nguyên tắc đã được xác lập qua ngàn đời, dưới sự giám sát của cả cộng đồng quốc tế. Do đó, nếu các bạn trẻ mang đến những tác phẩm có tính cách vượt ra ngoài truyền thống thì điều đó có thể gây ra sự phản cảm và dẫn đến những ý kiến trái chiều từ thế hệ đi trước hoặc từ các nhà nghiên cứu về tín ngưỡng.
"Là chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát Văn và Hát Chầu văn Hà Nội, tôi không cổ xúy cho việc đổi mới theo hướng làm mất đi bản sắc truyền thống, nhưng đồng thời cũng không phản bác sự sáng tạo nghệ thuật. Chúng tôi - những người đang cống hiến trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu này, hoàn toàn ủng hộ sự sáng tác và đổi mới, miễn là không đánh mất những giá trị cốt lõi.

Câu lạc bộ tham gia diễu hành Khối tín ngưỡng dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ Đô tháng 10/2024.
Là một người trẻ, Trường Sơn cũng trăn trở về tín thiêng của di sản trước thực trạng lệch chuẩn hát văn hiện nay: "Tôi cho rằng, nếu các bạn sử dụng màu sắc của chầu văn làm nền tảng để sáng tác một bài hát thì hoàn toàn không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu sự sáng tạo, đổi mới của các bạn lại ảnh hưởng đến di sản thì đây là một điều đáng báo động, bởi di sản này mang trong mình một đặc thù rất riêng biệt so với những di sản khác. Di sản mà chúng ta bảo tồn không chỉ đơn thuần là một loại hình nghệ thuật, mà còn chứa đựng giá trị thiêng liêng và bản sắc riêng - hồn cốt của tín ngưỡng thờ Mẫu. Người dân đến tham dự các buổi lễ hầu đồng, tham gia tín ngưỡng, phải đặt niềm tin vào sự linh thiêng của nhà thánh, của nhà ngài. Chính vì thế, việc bảo tồn và giữ gìn tính thiêng liêng ấy luôn là mối bận tâm sâu sắc của chúng tôi".
Chúng ta hoàn toàn có thể đổi mới và đưa nghệ thuật lên sân khấu, nhưng cách làm mới đó cần phải đảm bảo giữ được uy nghi, giữ vững nét thiêng liêng vốn có của di sản. Điều này đòi hỏi các nghệ sĩ sân khấu cũng như những người sáng tác phải biết cân bằng giữa sự đổi mới và sự tôn trọng đối với giá trị truyền thống, để không làm ảnh hưởng đến tinh thần, tín ngưỡng.
Nghệ thuật truyền thống không bao giờ cũ, chỉ cần có những con người đủ yêu, đủ đam mê để gìn giữ và trao truyền. Câu lạc bộ Hát Văn và Hát Chầu văn Hà Nội chính là một trong những ngọn đèn soi tỏ con đường ấy - con đường lưu giữ tinh hoa văn hóa bằng sự kiên định, tâm huyết và tình yêu sâu đậm.