Hơn 300 tài liệu hé lộ bí mật y dược triều Nguyễn

Triển lãm trực tuyến 'Gạch nối nền y học Đông – Tây' với hơn 300 tài liệu, hình ảnh quý sẽ hé lộ những bí mật của y dược triều Nguyễn.

Miếu thờ danh y Hoàng Đôn Hòa tại Hà Đông (Hà Nội).

Miếu thờ danh y Hoàng Đôn Hòa tại Hà Đông (Hà Nội).

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập Viện Pasteur Nha Trang (1895-2025), 100 năm Viện Pasteur Hà Nội (1925-2025) và ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức triển lãm 3D trực tuyến vào lúc 9 giờ ngày 25/2.

Triển lãm góp phần tái hiện lịch sử hình thành, phát triển và thành tựu của y học cổ truyền Việt Nam cũng như sự thâm nhập cùng những đóng góp của Tây y trên đất Việt.

Nước ta có lịch sử y dược từ lâu đời với nhiều danh y nổi tiếng. Thời Trần, Chu Văn An biên soạn cuốn “Y học yếu giải tập chú di biên”. Thiền sư Tuệ Tĩnh biên soạn bộ “Nam dược thần hiệu”, “Hồng Nghĩa giác tư y thư”…

Về sau, những vị danh y ngày càng nhiều, như Hoàng Đôn Hòa, Trịnh Đôn Phác, Nguyễn Quang Tuân, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Nguyễn Gia Phan… để lại không ít “cẩm nang y học” truyền lại kinh nghiệm, y thuật và y đức của mình cho thế hệ sau.

Đến triều Nguyễn, sự hội nhập của Tây y khiến y học Việt Nam ngày càng phát triển. Ban đầu, vua Gia Long cho đặt Thái y viện từ khi còn xưng vương để chăm sóc sức khỏe cho vua, hoàng tộc, hậu cung, quan lại trong triều đình và quản lý các hoạt động y tế của cả nước.

 Một trang trong sách “Hoạt nhân toát yếu” của danh y Hoàng Đôn Hòa.

Một trang trong sách “Hoạt nhân toát yếu” của danh y Hoàng Đôn Hòa.

Ngoài ra, triều đình Nguyễn cho lập Ty Lương y ở các tỉnh để chăm lo các vấn đề y tế ở địa phương. Thời vua Tự Đức, giảng đường dạy nghề thuốc được thiết lập.

Cuối thế kỉ 19, khi người Pháp vào nước ta thì nền Tây y cũng thâm nhập mạnh mẽ vào sinh hoạt cung đình và đời sống nhân dân. Vì vậy, y dược triều Nguyễn chính là dấu gạch nối của nền y học Đông - Tây.

Sau khi đặt bộ máy chính trị ở nước ta, chính quyền Pháp bắt đầu xây dựng một hệ thống y tế mới. Năm 1898, kế hoạch thành lập một Trường Y ở Việt Nam và bác sĩ Yersin được giao phụ trách việc này.

Trường Y Đông Dương ra đời năm 1902 nhằm đào tạo sinh viên địa phương góp phần cải thiện sức khỏe của người dân và truyền bá Tây y. Các cơ quan quản lý y tế, viện nghiên cứu và cơ sở khám chữa bệnh cũng từng bước được thành lập.

Sự du nhập của Tây y cũng mở đường cho hoạt động kinh doanh và buôn bán thuốc Tây với nhiều hiệu thuốc mọc lên ở cả ba miền.

Triển lãm 3D trực tuyến: “Y dược triều Nguyễn: Gạch nối nền y học Đông - Tây” gồm 3 phần: Đông y trong dòng lịch sử Việt Nam; Y dược triều Nguyễn: Gạch nối nền y học Đông – Tây; Tây y trên Đất Việt.

Với hơn 300 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn từ các trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước, sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện về lịch sử nền y học Việt Nam.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hon-300-tai-lieu-he-lo-bi-mat-y-duoc-trieu-nguyen-post719983.html
Zalo