'Ông già Nhật' say mê văn hóa Việt

Đi khắp các bản làng ở Hà Giang, ai cũng biết đến ông Yasushi Ogura-một công dân Nhật Bản yêu say đắm mảnh đất địa đầu Tổ quốc của Việt Nam, nặng lòng với văn hóa của đồng bào dân tộc Lô Lô. Ông là một trong những người đã bỏ tiền túi để hỗ trợ đồng bào nơi đây làm du lịch.

Phải lòng cao nguyên đá

Chúng tôi ghé thăm bản Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) vào một ngày tiết trời lạnh buốt trên cao nguyên đá Đồng Văn. Sau hơn 10 tiếng đồng hồ ngồi trên xe ô tô, người đầu tiên tiếp đón chúng tôi lại không phải người dân địa phương mà là một ông già người Nhật Bản-ông Yasushi Ogura.

Năm nay đã bước sang tuổi 68 nhưng ông Ogura vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn và không ngừng di chuyển. Ông cho biết, đây là lần thứ 8 trong năm 2024 ông bay đi bay về giữa Nhật Bản và Việt Nam. Lần nào sang Việt Nam, ông Ogura cũng đều lưu lại ở Hà Nội 1-2 ngày, rồi bắt xe khách lên Hà Giang khoảng 2 tuần, sau đó ông lại ngược hành trình trở về Tokyo sống cùng mẹ già đã ngoài 90 tuổi.

Ông Ogura (giữa) và khách du lịch trước một ngôi nhà trình tường cổ ở Lô Lô Chải.

Ông Ogura (giữa) và khách du lịch trước một ngôi nhà trình tường cổ ở Lô Lô Chải.

Chúng tôi được ông Ogura dẫn đi tham quan một vòng bản Lô Lô Chải như một hướng dẫn viên du lịch người bản địa, không chỉ thạo tiếng Việt, ông Ogura còn hiểu được nhiều từ ngữ của người Lô Lô. Đi qua mỗi căn nhà, ông Ogura đều có thể đọc vanh vách tên từng chủ nhà. Đến cả những cháu bé cũng biết biệt danh “ông già Nhật” của ông và lễ phép chào hỏi như một người ông thân thiết...

Dừng chân tại quán cà phê Cực Bắc, cùng trò chuyện dưới gốc hoa anh đào đã gần trăm tuổi, ông Ogura cho biết, trước kia, ông là giám đốc một công ty thực phẩm tại Nhật Bản. Là một người ưa thích du lịch, ông Ogura đã du lịch đến nhiều nước trên thế giới và năm 1995, lần đầu tiên ông ghé thăm Việt Nam. “Tôi đã đến Cần Thơ đầu tiên, rồi đi hầu hết các tỉnh của Việt Nam. Đến năm 2002, tôi lần đầu tiên lên Hà Giang và như phải lòng mảnh đất này. Tôi như tìm thấy một mảnh ghép trong tâm hồn mình và quyết định sẽ gắn bó với nơi đây, đặc biệt là bản Lô Lô Chải nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú”, ông Ogura cho biết.

Theo ông Ogura, bản thân ông đặc biệt yêu thích vùng núi phía Bắc của Việt Nam và ấn tượng nhất với Hà Giang vì có thể chiêm ngưỡng núi non hùng vĩ, trùng điệp của cao nguyên đá. "Vùng đất này còn là nơi có khoảng 20 dân tộc thiểu số cùng nhau sinh sống, vì vậy nhiều nét văn hóa, phong tục truyền thống vẫn được gìn giữ nguyên vẹn và phát triển cho đến ngày nay, rất có ưu thế phát triển du lịch”, “ông già Nhật” chia sẻ.

Góp phần phát triển du lịch cộng đồng

Quán cà phê Cực Bắc có một góc đặc biệt mang tên Ogura như một sự tri ân to lớn của chủ quán với “ông già Nhật”. Vì năm 2015, sau khi đi khảo sát cả bản, ông Ogura đã quyết định bỏ ra 200 triệu đồng để giúp gia đình chị Lù Thị Vấn, người dân tộc Lô Lô ở bản Lô Lô Chải, mở quán cà phê Cực Bắc ngay chính tại ngôi nhà của chị.

Sở dĩ ông Ogura chọn ngôi nhà của chị Vấn bởi đây là ngôi nhà trình tường cổ nhất ở bản Lô Lô Chải, với tuổi đời khoảng 200 năm, không gian và kiến trúc của quán được bài trí theo phong cách truyền thống của người Lô Lô. Ông Ogura còn mời "chuyên gia" từ Hà Nội lên dạy chị Vấn cách pha chế cà phê, dạy tiếng Anh và cả cách tiếp đón, bán hàng cho du khách. “Ban đầu, để giao tiếp với chị Vấn thôi cũng đã rất khó vì chị không thạo tiếng phổ thông, chưa nói tới việc vận động chị mở quán cà phê. Càng khó hơn vì hầu hết mọi người đều chưa quen với việc có người lạ ngồi trong nhà mình uống nước và tự do thăm thú cảnh quan”, ông Ogura cho biết.

Kể từ năm 2016, ông Ogura đi đi về về giữa Tokyo và Hà Giang như “đi chợ”. Mỗi tháng, ông đều đến Hà Giang một lần, ở lại khám phá mảnh đất, tìm hiểu bản làng, quảng bá du lịch 2 tuần, rồi lại quay trở về Nhật Bản. Chị Lù Thị Vấn chia sẻ: “Bác Ogura đến thăm nhà tôi và bảo bác rất thích căn nhà cổ này, bác sẽ hỗ trợ gia đình mở quán cà phê. Lúc đó, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, chỉ trông chờ vào trồng ngô, trồng lúa, mở quán cà phê sợ không có khách. Nhưng được bác động viên, giúp đỡ nên dần dần có nhiều khách đến quán, gia đình đã có thu nhập ổn định từ việc kinh doanh và nuôi được hai con ăn học đại học dưới Hà Nội”.

Từ thành công của gia đình chị Vấn, cộng thêm được các cấp, các ngành quan tâm, định hướng, người dân mạnh dạn làm kinh tế du lịch, Lô Lô Chải dần dần đã trở thành một bản du lịch cộng đồng độc đáo, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện nay, du lịch cộng đồng Lô Lô Chải đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Trò chuyện với ông Ogura, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sở thích dịch chuyển rất đặc biệt của ông. Tuy đã đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới nhưng ông vẫn chọn cho mình một điểm dừng chân của tâm hồn. Ông nói về bản Lô Lô Chải cả ngày mà không hết chuyện, trong điện thoại của ông chủ yếu là những hình ảnh về bản làng, con người và văn hóa nơi địa đầu Tổ quốc của một đất nước không phải nơi mình sinh ra.

Em Dìu Thị Hương, con gái chị Vấn, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội đã không chọn ở lại nơi đô thị phồn hoa mà trở về làm cô chủ trẻ của quán cà phê Cực Bắc. Hương luôn bày tỏ sự biết ơn đến ông Ogura. “Em tự tay viết dòng chữ "Cà phê Cực Bắc-Hành trình gìn giữ văn hóa" kèm ảnh của bác treo trang trọng trước quán. Bác cũng là người truyền cảm hứng để em trở về quê hương tiếp tục hành trình của bác”, Hương nói.

Hành trình không điểm dừng

Theo chân ông Ogura đi khắp bản Lô Lô Chải, thấy đời sống kinh tế của người dân đã khấm khá hơn nhiều, tưởng chừng như ông đã dừng lại hành trình giúp đỡ cộng đồng dưới chân cột cờ Lũng Cú thiêng liêng, ngờ đâu ông vẫn chưa dừng lại. Ông Ogura dẫn chúng tôi đến thăm các xã Thài Phìn Tủng và Sảng Tủng (huyện Đồng Văn), vào từng nhà dân, "ông già Nhật" nhiệt tình “bày” cho bà con cách làm du lịch, cách giao tiếp với khách du lịch và cung cấp các dịch vụ mà khách du lịch cần. Ông cho biết, nếu các hộ dân giữ nhà cổ làm du lịch, ông sẽ hỗ trợ mỗi gia đình một chút kinh phí bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hành trình khám phá và giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số của ông Ogura sẽ không có điểm dừng. Suốt 9 năm qua, hầu như ông đã đặt chân đến tất cả bản làng ở Đồng Văn, Mèo Vạc... Lúc đi xe máy, xe đạp, lúc lại đi bộ cả chục cây số. Đến đâu người dân cũng đều nhận ra "ông già Nhật" gần gũi, tình cảm và yêu Hà Giang mãnh liệt. Ông có thể ghé vào bất cứ gia đình nào và được họ đón tiếp nồng hậu, mời ăn cơm, nghỉ lại nhà như người thân.

Ông Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải bày tỏ sự cảm phục với "ông già Nhật" Ogura: “Người dân ở Lô Lô Chải coi ông Ogura như người nhà, ông đã giúp chúng tôi rất nhiều trong phát triển du lịch và gìn giữ văn hóa truyền thống. Hiện nay, bản Lô Lô Chải có 52 hộ làm du lịch cộng đồng với mô hình homestay, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng/hộ. Du khách Nhật Bản và các nước trên thế giới tìm đến Lô Lô Chải ngày một đông một phần nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình và quảng bá hình ảnh của ông Ogura”.

Tình yêu đối với vùng cao nguyên đá của người đàn ông Nhật này đã trở thành câu chuyện đẹp mà người dân Lô Lô Chải thường kể cho khách tham quan khi tới đây. Được biết, những năm gần đây, ông Ogura còn cùng một số đài truyền hình, tạp chí Nhật Bản đến Hà Giang để thực hiện các phóng sự đặc biệt về du lịch. Nhờ đó, du khách Nhật tìm đến Đồng Văn, Mèo Vạc... ngày một đông.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/ong-gia-nhat-say-me-van-hoa-viet-816260
Zalo