Nội dung sáu câu hỏi Mỹ gửi đồng minh châu Âu về chấm dứt xung đột Nga-Ukraine

Các quan chức Mỹ đã gửi đến các đối tác châu Âu sáu câu hỏi để xem châu Âu có thể cần gì từ Mỹ nhằm giám sát một thỏa thuận an ninh giữa Ukraine và Liên bang Nga nhằm chấm dứt chiến tranh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong nhiệm kỳ đầu và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong nhiệm kỳ đầu và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo The Kyiv Post ngày 17/2, tuần trước, Mỹ đã gửi danh sách các câu hỏi đến đại diện châu Âu, trước thềm Hội nghị An ninh Munich (MSC), nhằm hỏi các đồng minh về khả năng tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine cũng như những gì họ có thể cần từ Washington để củng cố năng lực quân sự.

Cuộc thăm dò ngoại giao này, bao gồm sáu câu hỏi rõ ràng và trực tiếp, đánh dấu một trong những lần chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ kỳ vọng đối với các đối tác châu Âu trong bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. “Washington đã nêu rõ quan điểm rằng chúng tôi mong đợi các đối tác châu Âu giữ vai trò dẫn đầu trong việc thiết lập một khuôn khổ an ninh bền vững và mong chờ các đề xuất của họ”, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói với hãng tin Reuters.

Các câu hỏi bao gồm các chủ đề như những quốc gia nào là không thể thiếu đối với an ninh của Ukraine, cần một lực lượng bộ binh lớn đến mức nào để duy trì hòa bình, và Mỹ sẽ cần cung cấp bao nhiêu nhân lực cũng như vũ khí để duy trì một thỏa thuận hòa bình. Hai nhà ngoại giao châu Âu đã xác nhận với Reuters rằng họ vẫn đang tranh luận về cách trả lời yêu cầu này và đang cân nhắc lợi ích của việc đưa ra một phản hồi tập thể.

Nội dung cụ thể sáu câu hỏi mà Mỹ chuyển cho đồng minh châu Âu, được hãng tin Reuters chia sẻ, như sau:

1. Theo bạn, một sự đảm bảo hoặc cam kết an ninh do châu Âu hậu thuẫn nào có thể đủ để răn đe Liên bang Nga trong khi vẫn đảm bảo rằng cuộc xung đột này kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình lâu dài?

2. Những quốc gia châu Âu và/hoặc quốc gia thứ ba nào bạn tin rằng có thể hoặc sẵn sàng tham gia vào thỏa thuận này? Có quốc gia nào mà bạn cho rằng là không thể thiếu không? Quốc gia của bạn có sẵn sàng triển khai quân đến Ukraine như một phần của thỏa thuận hòa bình không?

3. Nếu các lực lượng quân sự của quốc gia thứ ba được triển khai đến Ukraine như một phần của thỏa thuận hòa bình, theo bạn, quy mô của lực lượng do châu Âu dẫn đầu này cần phải như thế nào? Những lực lượng này sẽ được triển khai như thế nào, ở đâu và trong bao lâu?

4. Mỹ, các đồng minh và đối tác cần chuẩn bị những hành động gì nếu Liên bang Nga tấn công các lực lượng này? Chính phủ của bạn sẽ coi những yêu cầu hỗ trợ nào từ Mỹ là cần thiết để tham gia vào những thỏa thuận an ninh này? Cụ thể, bạn nghĩ rằng Mỹ cần cung cấp những nguồn lực nào trong ngắn hạn và dài hạn?

5. Chính phủ của bạn sẵn sàng cung cấp thêm những khả năng, thiết bị và phương án bảo trì nào cho Ukraine để nâng cao vị thế đàm phán của nước này và gia tăng áp lực lên Liên bang Nga?

6. Chính phủ của bạn sẵn sàng làm gì hơn nữa để gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Liên bang Nga, bao gồm việc thực thi các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn và nhắm mục tiêu hiệu quả hơn vào các quốc gia thứ ba đang hỗ trợ Liên bang Nga trên toàn cầu?

Chia sẻ của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội Truth Social về cuộc điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/2/2025. Ảnh chụp màn hình tài khoản mạng xã hội Truth Social của Tổng thống Mỹ Donald Trump t

Chia sẻ của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội Truth Social về cuộc điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/2/2025. Ảnh chụp màn hình tài khoản mạng xã hội Truth Social của Tổng thống Mỹ Donald Trump t

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động toàn cầu bằng tuyên bố vào hôm 12/2 rằng ông đã có cuộc điện đàm dài và cực kỳ hiệu quả với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin mà không tham vấn với các đồng minh châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Kiev.

Sau cuộc điện đàm đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ nói chuyện trực tiếp với Điện Kremlin kể từ khi Moskva (Moscow) phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine vào tháng 2/2022, ông Trump đã viết trên mạng xã hội Truth Social rằng trong điện đàm ông và nhà lãnh đạo Liên bang Nga đều đồng ý “chấm dứt những cái chết của hàng triệu người trong cuộc chiến giữa Liên bang Nga và Ukraine”, “nhất trí để các đội đàm phán của mình bắt đầu thương lượng ngay lập tức”.

Ông Trump cũng thông báo rằng ông đã giao nhiệm vụ cho một nhóm đàm phán bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Ratcliffe và Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz cùng Đại sứ kiêm Đặc phái viên Steve Witkoff dẫn dắt các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời tin tưởng mạnh mẽ rằng sẽ thành công.

Cùng ngày, phát biểu tại hội nghị Ramstein, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố rằng việc khôi phục biên giới Ukraine trước năm 2014 trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moskva là “mục tiêu không thực tế”.

Theo ông Hegseth, Mỹ cũng mong muốn Ukraine “có chủ quyền và thịnh vượng”, nhưng “phải thừa nhận rằng việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 là một mục tiêu không thực tế” và “theo đuổi mục tiêu ảo tưởng này chỉ khiến chiến tranh kéo dài và gây thêm đau khổ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố rằng việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không phải là một kết quả “thực tế” trong các cuộc đàm phán. Ông Hegseth nhấn mạnh rằng bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào dành cho Ukraine cũng cần phải “được hậu thuẫn bởi lực lượng quân đội mạnh mẽ của cả châu Âu và các đối tác ngoài châu Âu”.

“Cần nói rõ rằng, trong bất kỳ thỏa thuận an ninh nào, sẽ không có quân đội Mỹ được triển khai đến Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.

Tiếp đó, phát biểu hôm 14/2 tại Hội nghị An ninh Much (MSC), Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đặc biệt gay gắt trong chỉ trích nền dân chủ châu Âu. Ông bày tỏ lo ngại về sự xói mòn các giá trị dân chủ tại châu lục này, nhấn mạnh đến việc hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống ở Romania.

Phó Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo về sự gia tăng kiểm duyệt trong khu vực, kêu gọi các quốc gia thành viên châu Âu phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với quốc phòng của mình, đồng thời bày tỏ lo ngại về làn sóng di cư ồ ạt.

Gần nhất là vào ngày 15/2, đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Liên bang Nga, ông Keith Kellogg, tiếp tục làm châu Âu chấn động khi tuyên bố rằng họ sẽ không có ghế trong bàn đàm phán hòa bình Ukraine, ngay cả sau khi Washington gửi một bản câu hỏi tới các thủ đô châu Âu để hỏi về những gì họ có thể đóng góp cho các đảm bảo an ninh đối với Kiev.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Hội nghị An ninh Munich về triển vọng châu Âu có mặt tại bàn đàm phán hòa bình Nga - Ukraine, ông Kellogg, cho biết: "Tôi là người theo trường phái hiện thực. Tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra. Điều chúng ta không muốn làm là tham gia vào một cuộc thảo luận nhóm lớn".

Cho rằng sự tham gia của châu Âu không cần thiết, ông Kellogg dẫn ví dụ về sự đổ vỡ của thỏa thuận Minsk. "Hãy nhớ lại Minsk-2 - có rất nhiều nhà lãnh đạo châu Âu ở đó và chúng đã thất bại nặng nề", ông Kellogg nói.

Sau loạt phát ngôn gây chấn động của các quan chức cấp cao Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 17/2 với các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) để thảo luận cách phản ứng trước những yêu cầu an ninh mới từ chính quyền Trump.

Hiện tại, các quan chức ở Kiev và Brussels cũng đang chờ xem kết quả của một cuộc họp đột xuất giữa các quan chức Liên bang Nga và Mỹ dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Saudi Arabia. Ông Trump tuyên bố rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ tiếp tục tại đó – dù các quan chức Ukraine không nhận được lời mời tham gia.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Reuters/The Kyiv Post/RT/X)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/noi-dung-sau-cau-hoi-my-gui-dong-minh-chau-au-ve-cham-dut-xung-dot-ngaukraine-20250217121719339.htm
Zalo