Châu Âu chia rẽ về gửi quân đến Ukraine, Tổng thống Pháp lên tiếng

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, các nước châu Âu vẫn bị chia rẽ gay gắt và không thể đi đến thống nhất trong việc gửi quân gìn giữ hòa bình đến Kiev.

Châu Âu trước thực tế mới tại Ukraine

Trước tình hình cuộc đàm phán diễn ra ngày 18/2 giữa Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Saudi Arabia về xung đột Nga - Ukraine có những “tiến triển tích cực” và phía Washington tuyên bố sẽ không gửi quân tới Kiev, các đồng minh châu Âu đã dần chấp nhận “sự thật” và tính đến bài toán tự mình hỗ trợ gìn giữ an ninh cho Ukraine nếu thỏa thuận hòa bình được thiết lập.

Chiến trưởng Ukraine. Ảnh: Nytimes.

Chiến trưởng Ukraine. Ảnh: Nytimes.

Tuy nhiên, các nước châu Âu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề này. Đến thời điểm hiện tại, Pháp vẫn giữ nguyên chủ trương gửi quân, nhưng tuyên bố mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ chỉ gửi các chuyên gia hoặc thậm chí là một số lượng binh lính giới hạn đến Kiev thay vì một lực lượng vũ trang đầy đủ như ông đã tuyên bố hồi đầu 2024.

Tương tự, Anh cũng nhấn mạnh sẵn sàng gửi quân để hỗ trợ nhưng cần có điều kiện. Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng để triển khai quân đội tới Ukraine trong trường hợp một thỏa thuận hòa bình bền vững và lâu dài được thiết lập. Nhưng chúng ta cần một sự đảm bảo an ninh từ phía Mỹ bởi đây là điều kiện duy nhất để ngăn chặn việc Nga tấn công Ukraine một lần nữa”.

Trong khi đó, Đức cho rằng đây là một ý tưởng có phần “vội vã” khi chưa hỏi ý kiến của chính chủ nhà Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh: “Tôi cảm thấy không thoải mái khi tranh luận về vấn đề này. Mọi người tự động bàn tán về kết quả của những cuộc đàm phán chưa xảy ra mà không quan tâm đến Ukraine. Nói một cách thẳng thắn và trung thực thì điều này hoàn toàn không phù hợp: chúng ta thậm chí còn không biết kết quả của các cuộc đàm phán hòa bình sẽ như thế nào”.

Về phần mình, Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof thừa nhận rằng người châu Âu “cần đi đến một kết luận chung về những gì họ có thể đóng góp” thay vì cứ suy tính những điều vô nghĩa.

Ngoài ra, một số nước châu Âu khác như Ba Lan hay Slovakia đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm không muốn sự hiện diện của quân đội nước mình trên lãnh thổ Ukraine.

Điểm duy nhất đạt được sự đồng thuận của đại đa số các quốc gia châu Âu, đó là lục địa già cần tăng cường chi tiêu cho quốc phòng, đã đến lúc vượt qua giới hạn 2% GDP thay vì cứ tiết kiệm như trước.

Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng EU vẫn đang đoàn kết

Tối ngày 19/2 theo giờ địa phương, trong một cuộc họp, Tổng thống Pháp Macron tái khẳng định sự đoàn kết của các đồng minh châu Âu và NATO, đồng thời nhấn mạnh lập trường “rõ ràng và thống nhất” về việc ủng hộ Ukraine.

Đây là cuộc họp khẩn thứ 2 về Ukraine trong vòng chưa đầy 2 ngày với sự tham gia của 19 nguyên thủ quốc gia và chính phủ, bao gồm các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và NATO như Canada, Na Uy và Iceland, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Trước đó hôm thứ 2 (17/2), Pháp cũng đã tổ chức một cuộc họp tương tự quy tụ bảy quốc gia châu Âu. Tuy nhiên với những diễn biến mới liên quan đến cuộc đàm phán diễn ra ngày 18/2 giữa Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Saudi Arabia về xung đột Nga - Ukraine, Pháp và các đồng minh buộc phải tiếp tục nhóm họp để tìm ra giải pháp trước nguy cơ Washington và Moscow sẽ đạt được thỏa thuận mà bỏ qua vấn đề an ninh của lục địa già.

Tại cuộc họp lần này, Tổng thống Pháp khẳng định Paris và các đồng minh đều có lập trường “rõ ràng và thống nhất”, ủng hộ một nền hòa bình lâu dài và bền vững ở Ukraine, đồng thời đại đa số đã đạt được nhận thức chung về việc coi “Nga là mối đe dọa hiện hữu đối với người châu Âu”.

Đây cũng là lần đầu tiên, ông Macron lên tiếng chỉ trích những phát ngôn “khó hiểu” của Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc người đồng cấp Ukraine Volodymir Zelensky là “nhà độc tài không được bầu”. Pháp nhận định có chung mục tiêu với Tổng thống Mỹ trong việc tìm kiếm hòa bình lâu dài cho Kiev nhưng nhấn mạnh mọi cuộc đàm phán phải có sự tham gia của phía Ukraine cũng như tôn trọng các quyền lợi của nước này.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng “việc phủ nhận tính chính danh dân chủ của Tổng thống Zelensky là hoàn toàn sai trái và nguy hiểm”.

Các diễn biến mới nhất cho thấy rạn nứt đang dần hình thành giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu. Phía lục địa già vẫn ở thế bị động dù đã cố gắng nỗ lực trong thời gian vừa qua, song chưa tìm ra được giải pháp nào hữu hiệu. Nguyên nhân chính của sự bất lực này đến từ việc châu Âu vẫn luôn bị chia rẽ trong hầu hết các vấn đề lớn nhỏ, từ việc đàm phán gửi quân đến Ukraine để hỗ trợ gìn giữ an ninh nếu thỏa thuận hòa bình được thiết lập cho đến sự đồng thuận trong việc hoạch định một quan hệ rõ ràng với đồng minh xuyên Đại Tây Dương.

Anh Tuấn/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chau-au-chia-re-ve-gui-quan-den-ukraine-tong-thong-phap-len-tieng-post1156012.vov
Zalo