Điều gì xảy ra nếu quân đội châu Âu được triển khai tới Ukraine?
Giới quan sát cho rằng, nếu các lực lượng của châu Âu được triển khai ở Ukraine thì điều này đồng nghĩa với việc, nếu Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở đây một lần nữa, các nước châu Âu sẽ bị kéo vào xung đột.
Theo The Guardian, các nhà lãnh đạo châu Âu đã được Mỹ yêu cầu cung cấp đảm bảo an ninh, bao gồm cả lực lượng quân sự cho Ukraine trong trường hợp Tổng thống Donald Trump có thể đạt được thỏa thuận hòa bình hoặc lệnh ngừng bắn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Tổng thống Trump cũng cho biết ông ủng hộ lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu ở Ukraine sau xung đột.

Ảnh minh họa: Reuters
Mặc dù việc chấm dứt cuộc xung đột gần 3 năm ở Ukraine được coi là chưa thể diễn ra trong "một sớm một chiều" nhưng tuyên bố của ông Trump vào 12/2 rằng ông sẵn sàng đàm phán với Nga, đã dẫn đến một cuộc chạy đua trên khắp châu Âu để tìm ra cách ứng phó.
Lực lượng quân sự châu Âu ở Ukraine sẽ như thế nào?
Giám đốc khoa học quân sự Matthew Savill tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng có một số cấp độ lực lượng có thể được triển khai sau khi ngừng bắn ở Ukraine. Đầu tiên là một lực lượng răn đe trên bộ lớn, về lý thuyết có thể chiến đấu nếu Nga tiến hành cuộc tấn công một lần nữa. Lực lượng này có thể gồm khoảng 100.000 - 150.000 quân theo như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mong muốn.
Tuy nhiên, với việc Mỹ loại trừ khả năng tham gia, những hạn chế về nhân sự đồng nghĩa với việc khó có thể chắc chắn châu Âu có đủ khả năng cung cấp số lượng binh lính như vậy hay không. Chuyên gia Savill tin rằng một giải pháp thay thế đáng tin cậy hơn là một lực lượng "dây bẫy" (tripwire) gồm "các lữ đoàn châu Âu với hàng chục nghìn người ở một số khu vực trên tiền tuyến". Đó là một sự hỗ trợ hạn chế hơn, nhưng có thể đồng nghĩa với việc nếu Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine một lần nữa, các nước châu Âu sẽ bị kéo vào xung đột.
Một mô hình hạn chế hơn vẫn sẽ là "một lực lượng huấn luyện lớn", có thể trở thành biện pháp răn đe vì quân đội châu Âu sẽ đóng tại Ukraine, những người có thể chiến đấu và cung cấp hỗ trợ trong một cuộc khủng hoảng quân sự. Tuy nhiên, đây chỉ là sự hỗ trợ hạn chế cho Ukraine khi nước này đang đối mặt với 600.000 binh lính Nga dọc tiền tuyến trải dài gần 1.000km.
Ben Barry, một chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng "lực lượng trên không và trên biển" cũng cần thiết cho bất kỳ sự hỗ trợ nào trong tương lai cho Ukraine.
Đây có phải lực lượng gìn giữ hòa bình không?
Khó có khả năng bất kỳ lực lượng châu Âu nào được triển khai tới Ukraine sẽ là lực lượng gìn giữ hòa bình. Những nhiệm vụ như vậy thường được Liên Hợp Quốc tổ chức, làm việc công bằng và tuần tra cả hai bên giới tuyến.
Bất kể lực lượng này có quy mô như thế nào thì nhiều khả năng họ sẽ nằm dưới một hình thức chỉ huy nào đó của châu Âu. Ngày 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết, những đội quân như vậy sẽ không được bảo vệ bởi đảm bảo an ninh của NATO, nghĩa là các quốc gia sẽ phải tự lo liệu nếu một cuộc xung đột mới với Nga nổ ra.
Các nước châu Âu nói gì?
Pháp là nước nhiệt tình nhất trong việc triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine và Tổng thống Emmanuel Macron đã chủ trì một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris chiều 17/2. Sau một đêm, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng cho biết London sẵn sàng triển khai "quân đội của chúng tôi trên bộ nếu cần" và Thụy Điển cũng đề cập đến khả năng tham gia của mình.
Tuy nhiên tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz, người phải đối mặt với cuộc bầu cử vào cuối tuần này cho biết những cuộc thảo luận như vậy là quá sớm vì vẫn còn nhiều bất ổn về việc các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga sẽ đi đến đâu. Trong khi đó, Ba Lan - quốc gia đang tái vũ trang mạnh mẽ, đã loại trừ khả năng điều động quân đội đến Ukraine - một đòn giáng vào nỗ lực đa quốc gia mới chớm nở ở châu Âu.
Quan điểm của Nga
Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2/2022 ít nhất một phần là để ngăn chặn Kiev trở thành một phần của phương Tây, bao gồm cả việc gia nhập NATO. Mục tiêu chung của họ vẫn không thay đổi, trong đó có việc phi quân sự hóa Ukraine và phản đối sự hiện diện của quân đội châu Âu bên trong quốc gia này.
Một số ý kiến cho rằng Điện Kremlin muốn loại các nước châu Âu khỏi các cuộc đàm phán với Mỹ.
"Tôi không biết họ sẽ làm gì tại bàn đàm phán", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói hôm 17/2 và Ngoại trưởng Mỹ dường như cũng nhất trí như vậy. Một số nhà quan sát cho rằng, nếu lực lượng của châu Âu được triển khai đến Ukraine, họ có thể phải chịu các cuộc tấn công khiêu khích cấp thấp, được tiến hành để kiểm tra ý chí của họ trong việc tiếp tục triển khai tại quốc gia này.
Nguy cơ xảy ra xung đột rộng hơn giữa châu Âu và Nga
Trong khi các chính trị gia Mỹ đã loại trừ việc gửi bộ binh thì Mỹ vẫn chưa loại trừ việc cung cấp hỗ trợ trên không. Một vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine sẽ là sự hỗ trợ đáng kể cho Kiev nhưng Nhà Trắng dường như không quan tâm Ukraine, đến mức không rõ liệu họ có cân nhắc đến động thái này hay không.
Kịch bản có khả năng xảy ra hơn là các nước châu Âu sẽ phải cung cấp đảm bảo an ninh đầy đủ cho Ukraine, đặt câu hỏi về việc châu lục này sẽ đi xa đến mức nào. Anh và Pháp sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng so với kho vũ khí hạt nhân lớn hơn của Nga, họ sẽ không có khả năng cam kết bảo vệ Ukraine.
Sau những tổn thất trong gần 3 năm xung đột ở Ukraine, Nga có lẽ không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột công khai khác. Nhưng với việc Mỹ cam kết không can dự, Điện Kremlin có thể coi các lực lượng phương Tây ở Ukraine là mục tiêu dễ dàng hơn so với những lực lượng được NATO bảo vệ ở phần còn lại của châu Âu.