Những tiến sĩ tốt nghiệp đại học tốp đầu trở về nước dạy học

TS Cấn Trần Thành Trung, TS Phạm Hy Hiếu cùng nhiều gương mặt nổi bật khác nhận lời mời trở về Việt Nam làm giảng viên sau thời gian du học, nghiên cứu ở nước ngoài.

 TS Phạm Hy Hiếu trở thành giáo sư thỉnh giảng của Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: VNUHCM.

TS Phạm Hy Hiếu trở thành giáo sư thỉnh giảng của Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: VNUHCM.

Mới đây, Đại học Quốc gia TP.HCM thông tin TS Phạm Hy Hiếu, cựu học sinh trường Phổ thông Năng Khiếu, thành viên kỹ thuật tại xAI (Mỹ), trở thành một trong 16 giáo sư thỉnh giảng đầu tiên tại trường.

Theo Đại học Quốc gia TP.HCM, TS Phạm Hy Hiếu là nhà khoa học có chuyên môn cao trong lĩnh vực học máy và ngôn ngữ học tính toán. Anh nhận bằng tiến sĩ ngành Học máy và Ngôn ngữ học tính toán tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) - nơi anh là sinh viên đầu tiên được Google Brain tài trợ toàn bộ học phí và hạ tầng tính toán.

Trước đó, TS Hiếu tốt nghiệp loại giỏi ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ) và được trao giải thưởng Ben Wegbreit dành cho luận văn danh dự xuất sắc.

Từ tháng 8/2024, TS là thành viên kỹ thuật tại xAI - công ty do Elon Musk thành lập. Tại đây, anh tham gia tối ưu hóa nhân attention cho mô hình Grok-3. Trước đó, anh từng là nhà nghiên cứu tại Công ty Augment Computing và cũng từng công tác tại Google Brain với vai trò nhà nghiên cứu.

Không riêng TS Phạm Hy Hiếu, nhiều tiến sĩ khác cũng được Đại học Quốc gia TP.HCM "chiêu mộ" về làm việc thông qua chương trình VNU350. Những gương mặt này đều tốt nghiệp từ đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và có kinh nghiệm làm việc cho công ty lớn.

 TS Cấn Trần Thành Trung về Việt Nam và gia nhập chương trình VNU350 của Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: VNUHCM.

TS Cấn Trần Thành Trung về Việt Nam và gia nhập chương trình VNU350 của Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: VNUHCM.

TS Cấn Trần Thành Trung

Từ khi chương trình VNU350 được triển khai, TS Cấn Trần Thành Trung đã là cái tên được chú ý khi vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán học từ Viện Công Nghệ California (Mỹ) đã được Đại học Quốc gia TP.HCM chiêu mộ.

Trước khi đến Mỹ du học, TS Trung từng là học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) khóa 2010-2013. Sau đó, anh nhận học bổng toàn phần của Đại học Duke (Mỹ) và tốt nghiệp thủ khoa ngành Toán của trường này.

Từ năm 2016, TS Trung đã cùng nhóm PiMA của mình tổ chức trại hè toán học và ứng dụng cho học sinh cấp 3 trên cả nước.

Chương trình nhằm giới thiệu Toán ứng dụng hiện đại trên đại học cho các bạn học sinh THPT và rèn luyện những kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, nghiên cứu, lập trình.

Sau 8 năm tổ chức, nhiều trại sinh của PiMA đã rất thành đạt, hiện làm cho các công ty công nghệ hàng đầu hoặc là nghiên cứu sinh ở các đại học lớn trên thế giới.

TS Trung mong rằng khi về nước, anh sẽ từng bước phát triển PiMA trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu Toán học và ứng dụng chất lượng của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), góp phần vào sự nghiệp đào tạo sinh viên của trường nói riêng và sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước nói chung.

TS Nguyễn Văn Chí

Trong khi đó, khi Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm được Đại học Quốc gia TP.HCM thành lập, TS Nguyễn Văn Chí (tốt nghiệp khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Quốc lập Khoa học và Công nghệ Đài Loan) đã chủ động liên lạc để tìm hiểu và sau đó quyết định ứng tuyển vào vị trí trưởng nhóm nghiên cứu tại trung tâm thông qua Chương trình VNU350.

"Chương trình này mang lại nhiều giá trị, cơ hội cho người trẻ yêu quê hương như chúng tôi để chúng tôi được cống hiến cho đất nước", TS chia sẻ với Đại học Quốc gia TP.HCM.

Chia sẻ thêm về định hướng tương lai, TS Chí cho biết hiện nay, ở Việt Nam và thế giới, các nhóm nghiên cứu làm chủ được công nghệ kéo phân tử còn chưa nhiều.

Là một trong những nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm thiết kế, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại này, anh mong thông qua Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, anh có thể dùng những kiến thức và kinh nghiệm của mình trong phát triển các phương pháp chẩn đoán bệnh và trị liệu phân tử chính xác cho Việt Nam.

TS Phạm Toàn Thắng

Luôn khao khát được trở về Việt Nam để nghiên cứu và đóng góp một phần sức lực vào việc phát triển và đổi mới của đất nước, TS Phạm Toàn Thắng (tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Kiến Trúc tại Đại học Sejong, Hàn Quốc) quyết định trở về Việt Nam làm việc theo chương trình VNU350.

 TS Phạm Toàn Thắng từng theo học ngành Kỹ thuật Kiến Trúc tại Đại học Sejong (Hàn Quốc). Ảnh: VNUHCM.

TS Phạm Toàn Thắng từng theo học ngành Kỹ thuật Kiến Trúc tại Đại học Sejong (Hàn Quốc). Ảnh: VNUHCM.

Chia sẻ về lý do lựa chọn tiếp tục sự nghiệp tại Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), TS Phạm Toàn Thắng cho biết anh mong muốn có thể ứng dụng những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc tại một quốc gia phát triển mạnh về logistics như Hàn Quốc.

Theo đó, TS sẽ nỗ lực khai thác tối đa năng lực bản thân để tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao, qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ngoài ra, TS Thắng khẳng định với cơ chế, chính sách đột phá và sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM dành cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc trong chương trình VNU350, anh hoàn toàn tin tưởng có thể phát huy trọn vẹn đam mê nghiên cứu và năng lực của mình,

"Tôi kỳ vọng sẽ tạo ra những giá trị mới, các sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống thực tiễn, đồng thời góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đưa Đại học Quốc gia TP.HCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu hàng đầu châu Á", TS trẻ chia sẻ.

Ngoài những gương mặt nêu trên, Đại học Quốc gia TP.HCM còn chiêu mộ được nhiều giáo sư, tiến sĩ trẻ khác như: GS Thái Khắc Minh (ngành Dược học, Đại học Vienna, Cộng hòa Áo), TS Trần Huỳnh Nguyễn Khánh (ngành Dược học, Đại học Công Giáo Daegu Hàn Quốc), TS Hoàng Tùng (ngành Khoa học y tế đổi mới, trường Y - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc), TS Trần Thị Thùy Linh (ngành Hóa dược, Đại học Paris-sud, Pháp)...

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-tien-si-tot-nghiep-dai-hoc-top-dau-tro-ve-nuoc-day-hoc-post1549933.html
Zalo