Giáo viên là công chức hay viên chức?

Vấn đề giáo viên trường công lập là công chức hay viên chức nhận về nhiều sự quan tâm, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ, chính sách mà họ nhận được.

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, công chức là công dân Việt Nam và được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị sau đây:

Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;
Cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;
Cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Giáo viên trường công lập có phải là viên chức không? (Ảnh minh họa)

Giáo viên trường công lập có phải là viên chức không? (Ảnh minh họa)

Tiếp đó, Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.

Cùng với đó, căn cứ Khoản 1 Điều 66 Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên là người dạy các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, đại học… Như vậy, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, sơ cấp, trung cấp, đại học… thuộc lĩnh vực nghề nghiệp giáo dục sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập.

Do đó, giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng tại các đơn vị sự nghiệp công lập được gọi chung là viên chức. Trong trường hợp giáo viên chỉ làm việc theo hợp đồng lao động thì giáo viên đó là người lao động bình thường và không phải là công chức hay viên chức.

Nhiệm vụ của giáo viên là gì?

Căn cứ quy định tại Luật Giáo dục 2019 về nhiệm vụ của nhà giáo, giáo viên cần phải tiến hành giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục. Đồng thời, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo.

Mặt khác, giáo viên phải giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học. Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.

Trong khi đó, Điều 70 Luật Giáo dục 2019 quy định về quyền nhà giáo (bao gồm cả giáo viên lẫn giảng viên) như sau:

Được giảng dạy theo chuyên môn đào tạo;
Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ;
Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học;
Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể;
Được nghỉ hè theo quy định của Chính phủ và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật.

Anh Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/giao-vien-la-cong-chuc-hay-vien-chuc-ar939524.html
Zalo