Đi ngược chiều gió
Ngày 30-4-1998 đã thắp lên hy vọng cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn tại Việt Nam khi có 3 đứa trẻ chào đời khỏe mạnh từ thụ tinh ống nghiệm (TTON).
Trong 50 sự kiện nổi bật của TPHCM vừa được công bố, có một sự kiện y tế ghi dấu ấn đúng ngày đất nước kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là ngày 30-4-1998, Mai Quốc Bảo, Lưu Tuyết Trân, Phạm Tường Lan Thy - 3 em bé đầu tiên của Việt Nam chào đời bằng thụ tinh ống nghiệm (TTON) tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), đánh dấu bước ngoặt lớn của y khoa nước nhà và sự phát triển vượt bậc của ngành y tế TPHCM.

GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Đi ngược chiều gió để đặt nền móng cho TTON tại Việt Nam chính là GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người vừa được vinh danh là 1 trong 60 cá nhân tiêu biểu trong chặng đường 50 năm phát triển của thành phố.
Vượt qua gian nan, trắc trở
So với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đi sau về TTON. Những năm 1980, TTON đã thành công ở một số quốc gia Đông Nam Á nhưng vẫn là điều kỳ dị, viển vông ở trong nước. Năm 1984, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng có dịp công tác tại Thái Lan và nung nấu ý chí đưa kỹ thuật hỗ trợ sinh sản về nước.
Giai đoạn này, Việt nam đang thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Vì thế, ý tưởng thực hiện TTON không được ủng hộ mà nhận về sự mỉa mai. Nhiều người cũng cho rằng trẻ em sinh ra từ TTON sẽ dị thường.

3 em bé đầu tiên của Việt Nam chào đời từ thụ tinh ống nghiệm. Ảnh tư liệu
Đủ mọi lời ra tiếng vào, nhưng chứng kiến nỗi đau của những phụ nữ hiếm muộn, BS Ngọc Phượng và đồng nghiệp quyết chí phải tìm lối ra cho những con người kém may mắn.
Đến năm 1994, khi sang Pháp giảng dạy tại Đại học Y khoa Nice Sophia Antipolis, BS Ngọc Phượng được tiếp cận đầy đủ, thấu đáo về TTON. Bà thấy rằng, về mặt kỹ thuật, TTON nằm trong tầm tay bác sĩ Việt Nam.
Tiết kiệm phần lớn tiền lương giáo sư, bà đặt mua một số máy móc, trang thiết bị y tế cần thiết cho TTON và gửi về Bệnh viện Từ Dũ. Sau đó, bệnh viện cử các đoàn công tác tiếp cận với kỹ thuật mới, nỗ lực thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản, Phòng Thụ tinh trong ống nghiệm...
Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn, Ban Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ trình kế hoạch triển khai TTON lên Sở Y tế TPHCM, UBND TPHCM, Bộ Y tế. Hành trình đi ngược chiều gió của BS Ngọc Phượng có sự đồng hành và ủng hộ tuyệt đối của AHLĐ- TTND - BS Tạ Thị Chung (Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ).
"Ngày đó, chúng tôi nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn. Khi đã bắt đầu làm phôi, nhưng chưa có giấy phép của Bộ Y tế, chúng tôi gặp Bộ trưởng Bộ Y tế để xin ý kiến. Bộ trưởng nói việc này phải được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, vì đây là việc "sản xuất" con người", BS Ngọc Phượng nhớ lại.
Năm 1997, Bệnh viện Từ Dũ mời đoàn chuyên gia Pháp sang hỗ trợ thực hiện TTON. Khoảng 70 trường hợp đăng ký nhưng tỷ lệ đậu thai rất thấp.

Hình ảnh tư liệu về đợt thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Bệnh viện Từ Dũ
Con gái của GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, PGS-TS-BS Vương Thị Ngọc Lan (hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM) cũng có mặt trong ê-kíp đầu tiên thực hiện TTON của Việt Nam.
Với năng lực ngoại ngữ tốt, BS Ngọc Lan có nhiệm vụ trao đổi thông tin với đoàn chuyên gia Pháp. Chị tham gia quan sát và ghi chép lại hầu hết các công đoạn như kích thích buồng trứng, cho thuốc, chọc hút trứng.
Sau khi chuyển phôi 2 tuần, tin báo thất bại đổ về liên tục khiến BS Ngọc Lan và đồng nghiệp vô cùng suy sụp. Hy vọng cứ tắt dần sau mỗi lần nhận điện thoại của người bệnh.
"Khi ê-kíp đang xuống tinh thần trầm trọng thì một phụ nữ gọi điện báo rằng đã có thai. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, sung sướng lạ kỳ!", BS Vương Thị Ngọc Lan nhớ lại.
Thắp hy vọng
Bà Trần Thị Bạch Tuyết (ngụ tỉnh Tiền Giang) là một trong những phụ nữ tham gia TTON vào năm 1997. Bà kết hôn với ông Lưu Tấn Trực suốt 8 năm nhưng gia đình vẫn vắng bóng trẻ con. Vợ chồng chạy chữa khắp nơi nhưng vô vọng.
Dù chưa hiểu TTON là gì, vợ chồng bà Tuyết quyết định bám víu lấy cơ hội hiếm hoi khi Bệnh viện Từ Dũ gọi đăng ký TTON. Và may mắn thay, bà Tuyết đậu thai. Cô bé Lưu Tuyết Trân chào đời vào ngày 30-4-1998.
Trong niềm vui vỡ òa, ông Lưu Tấn Trực đứng bên hành lang Bệnh viện Từ Dũ, run rẩy chắp tay vái “Trời ơi, gần 50 tuổi đầu mới có được đứa con”.

Ngày 30-4-1998 đã thắp lên hy vọng cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn tại Việt Nam. Và những đứa trẻ ngày ấy đã trở thành những thanh niên khỏe mạnh, luôn kính trọng và biết ơn những y bác sĩ năm xưa.
“Hồi nhỏ, em hơi ngại vì ai cũng hỏi chuyện em sinh ra từ TTON. Đến khi lớn lên và biết suy nghĩ hơn, em lại thấy mình rất đặc biệt và may mắn. Em tự hào vì mình là một trong 3 em bé đầu tiên ở Việt Nam sinh ra từ TTON”, Lưu Tuyết Trân nói.
Từ dấu mốc lịch sử ấy, ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam đã có những bước đi dài, thậm chí vượt lên trên nhiều quốc gia trong khu vực. Trong đó, PGS-TS-BS Vương Thị Ngọc Lan và các cộng sự đã tạo ra những dấu ấn ấn tượng trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản của thế giới.
Cuối năm 2023, PGS-TS-BS Vương Thị Ngọc Lan cùng ThS-BS Hồ Mạnh Tường được mời và đã tham gia biên soạn một chương của "Textbook of Assisted Reproductive Techniques, Sixth Edition". Đây là cuốn sách uy tín của ngành hỗ trợ sinh sản thế giới, có lịch sử hơn 20 năm kể từ lần xuất bản thứ nhất vào năm 1999.

BS Tạ Thị Chung và BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (hàng ngồi) gặp lại những "em bé ống nghiệm" đầu tiên
Theo Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam có hơn 150.000 trẻ em được sinh ra từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang lại cơ hội làm cha mẹ cho hàng trăm ngàn người hiếm muộn. Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến tin tưởng của người bệnh nước ngoài để thực hiện TTON với tỷ lệ thành công ngang với thế giới, đồng thời là địa chỉ đào tạo về hỗ trợ sinh sản uy tín với quốc tế.
"Việt Nam đi sau thế giới về TTON nhưng chúng ta đã vươn lên và đạt được những thành tựu, được thế giới công nhận. Tôi vui mừng cho người bệnh và cả nền y tế nước nhà", GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói.