Chuẩn bị nhân lực để 'đầu tàu' ra khơi

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2035, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học (ĐH) trên địa bàn TPHCM bắt tay triển khai Đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành thuộc Chương trình Đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM. Một chương trình đào tạo đặc biệt được UBND TPHCM 'đặt hàng' chuẩn bị cho các chương trình, mục tiêu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới.

Sinh viên ngành AI Trường ĐH Khoa học Tự nhiên học thực hành tại Trung tâm Giáo dục Trí tuệ nhân tạo (ĐH Quốc gia TPHCM)

Sinh viên ngành AI Trường ĐH Khoa học Tự nhiên học thực hành tại Trung tâm Giáo dục Trí tuệ nhân tạo (ĐH Quốc gia TPHCM)

Từ năm 2025, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) tuyển sinh đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) cho TPHCM. Chương trình sẽ triển khai theo hướng đẩy mạnh quốc tế hóa các hoạt động chuyên môn, đẩy mạnh trao đổi học thuật trong môi trường quốc tế và cơ sở vật chất theo chuẩn quốc tế. Mục tiêu là đào tạo nhân sự có khả năng cạnh tranh và được các công ty công nghệ hàng đầu săn đón...

Với chương trình đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo (AI), Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) đã đề xuất các chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo được tham khảo các chương trình đào tạo ngành AI và khoa học dữ liệu của các trường ĐH khu vực và thế giới. Trên cơ sở đó, chương trình định hướng đầu ra là nhân lực có trình độ quốc tế, có kiến thức và kỹ năng cao về các lĩnh vực liên quan đến AI, có kỹ năng tiếng Anh và kỹ năng cần thiết khác để làm việc trong môi trường chuyên nghiệp quốc tế. Theo GS-TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, sự thành công của chương trình đào tạo nhân lực quốc tế ngành AI sẽ là cơ sở để TPHCM thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, cụ thể là các chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TPHCM và mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.

Phụ trách đơn vị chủ trì đào tạo đề án nhân lực quốc tế ngành Quản lý đô thị, GS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), chia sẻ, năm 2025, trường bắt đầu tuyển sinh, dự kiến 40-60 sinh viên mỗi năm trong giai đoạn đầu và tăng dần đến 120 sinh viên vào năm thứ 4. GS-TS Ngô Thị Phương Lan kỳ vọng, sinh viên tốt nghiệp chương trình Quản lý đô thị sẽ đạt trình độ quốc tế, với kiến thức chuyên sâu về quản lý đô thị, quy hoạch đô thị, quản lý môi trường, kinh tế đô thị, giao thông đô thị và chính sách phát triển bền vững... Với những kiến thức và kỹ năng toàn diện, sinh viên tốt nghiệp có cơ hội làm việc tốt và cạnh tranh với nhân sự quốc tế…

Trong khi đó, những đề án còn lại như: chương trình Tài chính - ngân hàng, Cơ khí tự động hóa, Y tế, Du lịch… đang được các trường gấp rút triển khai với mục tiêu là nhấn mạnh vào sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, xây dựng các kỹ năng thiết yếu và phát triển các kỹ năng nghề nghiệp để giúp sinh viên đáp ứng các yêu cầu việc làm có tính quốc tế, hòa nhập nhanh chóng vào thị trường lao động. Chương trình đào tạo thiết kế theo chuẩn quốc tế, chú trọng trình độ ngoại ngữ, có sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong suốt quá trình học cũng như thực hành, thực tập…

Theo GS-TS Sử Đình Thành, Giám đốc ĐH Kinh tế TPHCM, chương trình sẽ được triển khai hiệu quả khi chú trọng sự đồng hành của doanh nghiệp, đơn vị trong suốt quá trình đào tạo của nhà trường. Doanh nghiệp cũng có thể đặt hàng đào tạo, tài trợ học bổng, tham gia đánh giá chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo… nhằm góp phần chuẩn bị nhân lực cho xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuan-bi-nhan-luc-de-dau-tau-ra-khoi-post793013.html
Zalo