Cô đỡ vùng biên
Chứng kiến những khó khăn, vất vả mà nhiều sản phụ phải gánh chịu, chị Điểu Thị Thủy ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp luôn suy nghĩ phải kiên trì học tập trau dồi chuyên môn để giúp phụ nữ quê mình 'vượt cạn' thành công. Mặc dù chế độ trợ cấp ít, thậm chí không có nhưng gần 23 năm qua, chị Thủy vẫn gắn bó với công việc vì trách nhiệm và lòng yêu nghề.
Tâm huyết với nghề
“12 giờ đêm một ngày của năm 2001, trời mưa tầm tã bỗng có tiếng gọi thất thanh ngoài cổng. Lắng nghe kỹ thì đó là người nhà một sản phụ gọi nhờ đỡ đẻ. Thời tiết đang vào mùa mưa nên đi lại rất khó khăn, đường vào nhà sản phụ đất đỏ, trơn trượt, lại không có điện. Dù khó nhưng tôi vẫn cố gắng đi thật nhanh để cứu mẹ con sản phụ. Sau khi thăm khám, tôi đã hỗ trợ sản phụ sinh thành công, sinh đôi 2 bé gái. Bé đầu nặng 1.900g, bé thứ 2 nặng 1.700g. Không chỉ gia đình sản phụ mà bản thân tôi lúc ấy như trúng số độc đắc, vui mừng khôn tả vì đây là ca đỡ đẻ thành công đầu tiên sau khi được đào tạo chuyên môn tại Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh” - chị Thủy kể.
Bác sĩ Bùi Thị Thu Liễu, Trưởng trạm Y tế xã Hưng Phước nhớ lại: Năm 2005, tôi cùng chị Thủy đỡ đẻ 1 ca tại Trạm Y tế xã. Bé sinh ra bị ngạt nên chúng tôi phải dùng miệng hút đàm và hà hơi thổi ngạt cho bé. Sau 10 phút, bé tỉnh lại và chúng tôi tiếp tục theo dõi, chăm sóc. Sau 4 ngày, sức khỏe mẹ và bé ổn định nên được cho về nhà. Không chỉ ở trạm y tế mà về nhà mẹ và bé còn được chị Thủy tận tình hỗ trợ, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng nên chị được gia đình yêu thương, quý mến xem như người mẹ thứ hai của bé”.
Hơn 23 năm trước, hoàn cảnh gia đình chị Thủy rất khó khăn, chồng bệnh lại đang nuôi 2 con nhỏ. Tuy nhiên, vì yêu nghề, yêu trẻ và thấu hiểu những rủi ro của sản phụ nếu không được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời khi đến kỳ sinh nở nên chị quyết tâm gắn bó với nghề. Chị Thủy kể: “Ngày đó khi bắt đầu làm cô đỡ, tôi phải đi suốt ngày, có lúc đến 1 giờ sáng mới về đến nhà, trong khi kinh tế gia đình rất khó khăn, nuôi 2 con nhỏ. Ngoài khoản phụ cấp ít ỏi không đủ trang trải xăng xe thì thu nhập chủ yếu nhờ vào vụ lúa nên chồng tôi phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm bám nghề bởi mình thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán nên dễ tiếp cận với bà con đồng bào để hỗ trợ”.
Cánh tay nối dài
“Địa bàn ấp Phước Tiến rộng, dân sống thưa, cách Trạm Y tế xã Hưng Phước 5km và cách Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp 7km. Vì thế, những năm trước phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) địa bàn ấp chăm sóc sức khỏe, khám thai rất ít nên tai biến sản khoa nhiều. Tuy nhiên, từ khi có chị Thủy thường xuyên tuyên truyền, vận động, người dân đã quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản nên tình trạng tai biến sản khoa, tử vong giảm hẳn. Bà mẹ, trẻ em được kiểm soát, chăm sóc sức khỏe sinh sản kịp thời, nhiều trường hợp sản phụ xa cơ sở y tế chưa kịp di chuyển đã sinh tại nhà, có khi sinh dọc đường đều được chị Thủy đỡ đẻ thành công” - bác sĩ Bùi Thị Thu Liễu cho hay.
Phước Tiến là ấp có đông đồng bào S’tiêng sinh sống, trình độ, nhận thức về sinh sản còn hạn chế nhưng may mắn chị Thủy có tay nghề vững, nhiệt huyết, tận tâm vì sức khỏe nhân dân nên đã cứu sống nhiều sản phụ. Và thành công lớn nhất là hiện nay ấp Phước Tiến có rất nhiều trẻ lớn lên học giỏi, thi đỗ vào các trường đại học. Thành quả này một phần từ công của cô đỡ Ðiểu Thị Thủy.
Bác sĩ BÙI THỊ THU LIỄU, Trưởng trạm Y tế xã Hưng Phước
Cử nhân hộ sinh Lê Thị Thanh Tâm, nhân viên Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp cho biết: “Toàn huyện hiện có 6 cô đỡ, họ được đào tạo chuyên môn từ 6-9 tháng tại Bệnh viện Từ Dũ. Các cô đỡ làm việc không phụ cấp, chỉ được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ 100 ngàn đồng/tháng. Ngoài chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại khu dân cư DTTS đặc biệt khó khăn, các cô đỡ thôn còn tham gia hỗ trợ trạm y tế xã trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, dân số - kế hoạch hóa gia đình. “Từ khi có đội ngũ cô đỡ thôn, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại địa phương đạt nhiều kết quả đáng kể. Tỷ lệ sinh tại nhà giảm rõ rệt, số tử vong bà mẹ, trẻ em theo đó giảm tương ứng” - chị Tâm cho hay.
Cũng theo chị Tâm, tại xã Hưng Phước từ khi có sự hiện diện của cô đỡ Điểu Thị Thủy, sản phụ ở khu dân cư được quan tâm chặt chẽ, lịch khám thai được thông báo, nhắc nhở hằng tuần… Không chỉ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em, việc làm của chị Thủy còn góp phần đẩy lùi các tập tục lạc hậu về sinh đẻ trong vùng đồng bào DTTS. Cô đỡ là cánh tay nối dài của ngành y tế nhằm tuyên truyền cho người dân về sức khỏe sinh sản để hạn chế tình trạng tai biến sản phụ.
23 năm làm cô đỡ, chị Thủy không nhớ mình đã vượt bao đồi núi, khe suối, con đường lầy lội bùn đất để “làm mẹ” bao nhiêu đứa trẻ ở xã Hưng Phước, nhưng cứ mỗi sinh linh được chào đời là bấy nhiêu niềm vui với chị. Bằng tâm huyết và sự nỗ lực, chị Thủy được Bộ Y tế tặng bằng khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhưng có lẽ niềm vui, niềm vinh dự lớn không phải là thành tích mà việc giúp nhiều sản phụ “vượt cạn” thành công, được người dân gọi với cái tên trìu mến, thân thương “mẹ đỡ” mới là món quà lớn nhất mà chị Thủy mong được đón nhận trong suốt thời gian cống hiến của mình.