Gieo chữ nơi gió núi, mây ngàn

Từ Quảng Trị, thầy Hồ Văn Hải (sinh năm 1978), giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Ba Tầng, huyện Hướng Hóa vinh dự ra Thủ đô Hà Nội tham dự chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm 2024. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào tháng 11/2024. Chuyến đi là phần thưởng quý giá đối với thầy Hải sau 18 năm gieo chữ ở nơi gió núi, mây ngàn.

Thầy Hồ Văn Hải dạy chữ cho học sinh điểm trường Hùn Dốc -Ảnh: T.L

Thầy Hồ Văn Hải dạy chữ cho học sinh điểm trường Hùn Dốc -Ảnh: T.L

Chuyện trò sau ngày trở về, thầy Hải cho biết, bản thân rất xúc động khi là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Trị tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Trong chương trình năm nay, có 146 gương sáng ngành giáo dục đã được đề cử. Sau quá trình làm việc nghiêm túc, hội đồng xét chọn chốt danh sách tham dự gồm 60 giáo viên tiêu biểu. “18 năm nay lặng thầm cống hiến, tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày một giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn lại được lựa chọn tham gia chương trình này. Mãi đến giờ, tôi vẫn có cảm giác như mình đang mơ”, thầy Hải nói.

Sinh ra, lớn lên ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh nhưng thầy Hải lại chọn mảnh đất Ba Tầng, Hướng Hóa làm quê hương thứ hai. Chính nghề giáo đã đưa thầy đến với sự lựa chọn đó. Trước kia, gia đình thầy Hải gặp rất nhiều khó khăn. Ba mẹ thầy quanh năm vất vả trên nương nhưng không thể lo đủ cho các con ăn học. Suốt những năm tháng cắp sách đến trường, thầy luôn thấp thỏm nỗi lo phải nghỉ học giữa chừng.

Trong hoàn cảnh ấy, không chỉ trao con chữ, các thầy cô giáo còn gieo niềm tin vào lòng cậu bé vùng cao. Đó là lý do thôi thúc thầy Hải lựa chọn ngành Sư phạm giáo dục tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, rồi sau này trở thành giáo viên vùng cao như những người một thời nâng bước cho mình.

Hôm nhận quyết định lên huyện miền núi Hướng Hóa công tác, thầy Hải vừa mừng, vừa lo. Thầy vui bởi sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng, bản thân đã hiện thực hóa được ước mơ. Lo bởi lẽ nơi thầy công tác còn xa xôi, vất vả hơn nhiều so với xã miền núi nghèo mà mình sinh ra, lớn lên.

Trải qua chặng đường hiểm trở đến điểm chính Trường PTDTBT TH&THCS Ba Tầng, nỗi lo xâm lấn, bao trùm dần trong suy nghĩ của người thầy giáo trẻ. Vừa đặt hành lý xuống, thầy đã lại phải nhấc lên khi biết mình cần phải tiếp tục băng rừng, vượt núi thêm gần 15 km mới đến được nơi giảng dạy.

“Tới điểm lẻ, đập vào mắt tôi là một ngôi trường nhỏ bé, thô sơ. Ở đây, thầy và trò thiếu thốn đủ thứ, chỉ dư thừa... gió núi, mây ngàn. Cứ chiều về, nghe tiếng gió thốc vào vách nhà, nhìn mây trời ừng ực nước, lòng ai cũng trào dâng những nỗi niềm”, thầy Hải kể.

Tưởng chỉ dừng lại ở đó, nào ngờ, những khó khăn, thử thách vẫn chờ thầy phía trước. Ở vùng đất thầy Hải công tác, hầu hết người dân có hoàn cảnh rất khó khăn. Vì thế, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của cái chữ và tạo điều kiện cho con em đi học.

Để lớp học không vắng bóng học trò, thầy Hải và đồng nghiệp phải gõ cửa từng nhà tuyên truyền, vận động phụ huynh. Biết ba mẹ các em nhỏ sáng chiều lên nương, thầy cô băng đèo, lội suối tìm đến nhà vào buổi tối. Vậy mà, đôi khi, đáp lại sự tâm huyết, trách nhiệm ấy vẫn là cái lắc đầu.

“Vất vả không kể hết nhưng chúng tôi luôn động viên nhau không được chùn lòng. Trong một số trường hợp, chúng tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của cán bộ xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đáng mừng là sau nhiều nỗ lực, giờ đây, bà con và đặc biệt là các em học sinh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đến trường đi học”, thầy Hải nói.

Dẫu nhận thức của người dân đã bắt đầu sang trang nhưng thầy Hải và những đồng nghiệp hiểu rằng, nỗ lực của mình vẫn phải tiếp tục. Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục sớm được thầy cô triển khai. Trong đó, đáng chú ý là các giáo viên đã tình nguyện dạy thêm giờ, phụ đạo cho học sinh yếu kém vào buổi tối.

Nhiều khi, thầy Hải và các thầy cô khác phải trích đồng lương eo hẹp của mình để mua sách vở, đồ dùng học tập... cho học sinh. Hầu như trong cặp ai cũng có sẵn những cây bút dự phòng để tặng hoặc cho học trò mượn.

Hiện nay, thầy Hải đang dạy lớp ghép 2H và 4H với tổng số 18 học sinh. Mỗi lần lên lớp, thầy phải luôn tay, luôn chân để hỗ trợ từng học trò. Mỗi bước tiến dù rất nhỏ của các em là niềm vui khôn xiết đối với thầy Hải.

18 năm gieo chữ ở vùng cao, thời gian thầy Hải trở về nhà ở xã Linh Trường không nhiều. Ngôi nhà thường xuyên vắng bóng người trụ cột khiến vợ con thầy gặp nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Mỗi khi muốn liên lạc với gia đình, thầy Hải phải vượt mấy ki lô mét mới dò tìm được sóng điện thoại. Vì thế, đôi lần, thầy có ý định tìm cơ hội chuyển về công tác gần nhà hơn. Thế nhưng, nhìn thấy ánh mắt khát khao con chữ của học trò ở điểm trường Hùn Dốc, thầy lại không đành lòng. Hiểu nỗi niềm ấy, gia đình cũng động viên thầy yên tâm công tác. Nhờ thế, bước chân của thầy không còn trĩu nặng âu lo.

Nói về ước mơ, thầy Hải không nhắc gì đến những mong mỏi của cá nhân. Thầy chỉ hy vọng xã Ba Tầng sớm thay da, đổi thịt; cuộc sống người dân địa phương ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn. Bởi thầy hiểu, khi cuộc sống sang trang, các em nhỏ nơi đây mới có thể yên tâm đến trường, vươn lên từ con chữ.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/gieo-chu-noi-gio-nui-may-ngan-190189.htm
Zalo