Những thay đổi của Ukraine sau 3 năm xung đột với Nga
Trong 3 năm xung đột với Nga, Ukraine đã mất nhiều đất, cố gắng giành lại một số khu vực nhờ viện trợ quân sự phương Tây. Hàng triệu người Ukraine phải di dời và hàng nghìn người khác thiệt mạng hoặc bị thương.
Sau đây là tình hình hiện tại của Ukraine được hãng tin CNN thể hiện qua các biểu đồ.
Ukraine mất 11% diện tích đất kể từ năm 2022
Khi xung đột với Nga nổ ra, Ukraine giữ quân ở thủ đô Kiev, sau đó giành chiến thắng ở một số vùng của Kharkiv - phía đông bắc đất nước và Kherson - phía nam. Tuy nhiên, Ukraine cũng chịu tổn thất lớn ở các khu vực phía đông xung quanh Donetsk và Bakhmut.
Sau khi phân tích dữ liệu của Viện Nghiên cứu chiến tranh - một đơn vị giám sát xung đột có trụ sở tại Mỹ, hãng tin CNN cho biết, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Kiev đã mất quyền kiểm soát khoảng 11% đất đai của mình. Nếu tính cả những khu vực sáp nhập với Nga và chịu sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy được Nga hậu thuẫn kể từ năm 2014, tổng diện tích đất Ukraine để mất là 18%.
Mối đe dọa đối với nguồn viện trợ lớn nhất của Ukraine

Viện trợ quân sự của các nước cho Ukraine. Ảnh: CNN
Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột giữa Ukraine với Nga bùng phát vào năm 2022. Mỹ đã trao cho Ukraine khoảng 95 tỷ USD viện trợ quân sự, nhân đạo và tài chính, song những khoản viện trợ này có thể bị cắt sau khi ông Trump lên nắm quyền.
Tổng thống Donald Trump, người cam kết sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine một cách nhanh chóng, đã chỉ trích việc Mỹ gửi tiền cho Ukraine trong suốt chiến dịch tranh cử của ông. Gần đây, ông đề xuất Ukraine đổi khoáng sản đất hiếm để tiếp tục được Mỹ viện trợ song ý tưởng này đã bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ.
Quyết định đình chỉ hoạt động của USAID và đóng băng các khoản viện trợ nước ngoài gần đây của chính quyền Trump cũng ảnh hưởng tới Ukraine. Nhiều tổ chức phi chính phủ và tổ chức từ thiện của Ukraine đã phải cắt giảm nhân sự, tạm thời dừng hoạt động các đường dây trợ giúp người muốn tự tử và các dự án phát hiện HIV. Trong vòng 3 năm qua, Ukraine là nước nhận nhiều tiền nhất của USAID.
Hàng triệu người Ukraine phải di dời

Biểu đồ số người Ukraine phải di dời theo các năm. Ảnh: CNN
Hàng triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa, đến các vùng khác của Ukraine hoặc các quốc gia khác, trong 3 năm xảy ra xung đột. Theo dữ liệu của cơ quan về người tị nạn của Liên Hợp Quốc, tính tới cuối năm 2024, hơn 6,3 triệu người Ukraine đang sống ở châu Âu, bao gồm khoảng 1,2 triệu người ở Đức, gần 1 triệu người ở Ba Lan và 390.000 người ở Cộng hòa Czech.
Theo ước tính mới nhất của Liên Hợp Quốc đến tháng 6/2024, có 1,2 triệu người tị nạn Ukraine đang sống tại Liên bang Nga.
Hàng nghìn dân thường thiệt mạng

Số dân thường Ukraine thiệt mạng và bị thương kể từ tháng 2/2022. Ảnh: CNN
Theo Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, hơn 40.000 dân thường đã thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine trong cuộc xung đột, trong đó nhiều trường hợp tử vong do vũ khí nổ. Ít nhất một nửa số người thiệt mạng (6.203 người) là nam giới trưởng thành và 669 là trẻ em.