Lãnh đạo đảng chiến thắng bầu cử Đức đặt câu hỏi về 'hình thức hiện tại' của NATO

Ông Friedrich Merz, người có khả năng trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức, hôm Chủ nhật đã đặt câu hỏi liệu NATO có thể duy trì 'hình thức hiện tại' đến tháng 6 hay không.

"Liệu khi đó chúng ta còn nói về NATO ở hình thức hiện tại không, hay chúng ta sẽ phải nhanh chóng xây dựng một năng lực phòng thủ độc lập cho châu Âu?", ông Merz phát biểu trên đài truyền hình ARD sau khi liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ (CDU/CSU) của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử Đức.

 Ông Friedrich Merz. Ảnh: X

Ông Friedrich Merz. Ảnh: X

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Trump đã khiến các đồng minh châu Âu sững sờ khi tuyên bố họ phải tự lo cho an ninh của mình và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Đồng thời, Washington cũng công bố kế hoạch đàm phán với Nga nhằm chấm dứt chiến tranh Ukraine mà không có sự tham gia của châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cảnh báo rằng "hiện thực chiến lược khắc nghiệt" sẽ khiến Mỹ không thể tiếp tục ưu tiên an ninh châu Âu như trước đây.

Hôm thứ Sáu, ông Merz cũng nói trên kênh ZDF rằng Đức cần chấp nhận thực tế rằng ông Trump có thể không hoàn toàn tuân thủ cam kết bảo vệ đồng minh của NATO. Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra vào tháng 6.

Điều đó đồng nghĩa với việc Berlin có thể phải giảm sự phụ thuộc vào Mỹ như là một "chiếc ô hạt nhân", đồng thời thúc đẩy đối thoại với Pháp và Anh về việc mở rộng hệ thống phòng thủ hạt nhân của châu Âu. Pháp và Anh là hai nước duy nhất trong EU có vũ khí hạt nhân.

Ông Merz là người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhưng lại có lập trường cứng rắn hơn với Nga so với Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz. Ông từng đề xuất việc gửi tên lửa tầm trung Taurus đến Kiev, điều mà ông Scholz kiên quyết phản đối.

Quan điểm của ông Merz cũng được Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (thuộc Đảng Xanh) đồng tình. Đảng Xanh có thể tham gia vào liên minh cầm quyền mới với khối bảo thủ của ông Merz.

Bộ trưởng Habeck cảnh báo: "Chúng ta đang ở trong một thời điểm lịch sử đặc biệt. Người Mỹ không chỉ rời bỏ châu Âu mà còn hành động chống lại châu Âu".

Nếu chính quyền Tổng thống Trump thực sự rút bớt cam kết với NATO, Liên minh châu Âu có thể đẩy mạnh việc thành lập một lực lượng phòng thủ chung, điều đã được đề xuất từ lâu nhưng chưa bao giờ thực sự thành hiện thực.

Cao Phong (theo DW, ARD, ZDF)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lanh-dao-dang-chien-thang-bau-cu-duc-dat-cau-hoi-ve-hinh-thuc-hien-tai-cua-nato-post335787.html
Zalo